Theo nghĩa ban đầu, xuất phát từ chữ “tín” là lòng tin, “ngưỡng” là sự ngưỡng
mộ, ngưỡng vọng vào một cái gì đó. Như vậy, tín ngưỡng là niềm tin, sự ngưỡng
vọng của con người vào một cái gì đó như tin vào một cá nhân, một chủ thuyết,
một lực lượng siêu nhiên nào đó. Tuy nhiên, trong thực tế đời sống xã hội, tín ngưỡng
thường được dùng để chỉ tín ngưỡng mang tính tôn giáo - tín ngưỡng tôn giáo,
còn tín ngưỡng không tôn giáo, thường được gọi là niềm tin hay sự ngưỡng mộ.
Tín
ngưỡng tôn giáo cũng được sử dụng
với nhiều nghĩa khác nhau. “Có khi tín ngưỡng tôn giáo được coi là niềm tin, sự
ngưỡng mộ của con người vào những lực lượng siêu nhiên, coi lực lượng siêu
nhiên ấy có khả năng chi phối, thậm chí quyết định số phận con người, như người
ta thường nói tín ngưỡng thờ tổ tiên, tín ngưỡng Phật giáo, tín ngưỡng Kitô
giáo...”. Có khi, tín ngưỡng được quan niệm là những hình thức tôn giáo dân
gian, chưa có hệ thống giáo lý, giáo luật, tổ chức giáo hội… như các tôn giáo, để phân biệt với tôn giáo hiện đại, như
Phật giáo, Kitô giáo, đạo Cao Đài, Phật giáo Hoà Hảo. Đó là niềm tin và sự thờ cúng mang tính cá nhân như Tô tem giáo, Bái vật giáo, Sa man giáo,
thờ thành hoàng, thờ tổ tiên. Như vậy, theo nghĩa này tín ngưỡng tôn giáo được hiểu như là những hiện tượng có tính tôn giáo nhưng chưa phải là tôn giáo theo nghĩa
hẹp nói trên.
Tín ngưỡng là lòng tin, sự ngưỡng vọng của con
người vào một lực lượng siêu nhiên, thần bí nào đó, một lực lượng mang hình thức trừu tượng (hay biểu tượng) có sức mạnh hư ảo, vô hình,
mà người ta thường gọi là “trời”, “Phật”, “thần thánh”... Lực lượng đó tác động
đến đời sống nội tâm của con người, được người ta tin là có thật , sùng bái và
tôn thờ. Lòng tin ở sự tồn tại thực sự của một lực lượng siêu nhiên, tình cảm
sợ hãi bị trừng phạt hay trông mong sự che chở, ban phúc của lực lượng siêu nhiên,
là hạt nhân của ý thức tôn giáo và là yếu tố ban đầu của sự hình thành tôn
giáo. Lòng tin và tình cảm đó cũng là cơ sở cho những hiện tượng mê tín dị đoan.
Như
vậy, không chỉ các tín đồ tôn giáo có tín ngưỡng tôn giáo, mà còn có một bộ
phận nhân dân, dù không phải là tín đồ của bất kỳ tôn giáo nào, không chịu sự
ràng buộc của bất cứ giáo lý, giáo luật, hệ thống tổ chức tôn giáo nào (tôn
giáo theo nghĩa hẹp) cũng có tín ngưỡng tôn giáo ở các mức độ khác nhau. Ở đây,
tín ngưỡng tôn giáo được hiểu là niềm tin
vào lực lượng siêu nhiên, tồn tại trong các tôn giáo nguyên thủy, tôn giáo theo nghĩa hẹp và còn là cơ sở cho các hiện tượng mê tín. Chẳng
hạn, khi người ta nói đến tín ngưỡng Phật giáo là nói đến niềm tin của tăng ni,
phật tử vào giáo lý Phật giáo; tín ngưỡng Công giáo là niềm tin của các tín đồ,
chức sắc Công giáo vào đức Chúa Trời và giáo lý Công giáo…
Từ những lý luận trên, tín ngưỡng vừa được
quan niệm là niềm tin, sự ngưỡng mộ, sùng bái, tôn thờ của con người vào những
lực lượng siêu nhiên với quan niệm rằng những lực lượng siêu nhiên ấy có khả
năng chi phối, thậm chí quyết định số phận con người; vừa được quan niệm là
những hình thức tôn giáo nguyên thủy, để phân biệt với tôn giáo hiện đại. Trong
sách này, chúng tôi sử dụng tín ngưỡng cả hai nghĩa đó, tùy điều kiện nhưng
thiên về những hình thức tôn giáo dân
gian.
Bài viết rất hay
Trả lờiXóa