Thứ Ba, 19 tháng 2, 2019

THỰC CHẤT QUAN ĐIỂM “QUÂN ĐỘI CHỈ TUÂN THEO PHÁP LUẬT”

     Thủ đoạn nham hiểm: "Phi chính trị hoá" quân đội là một thủ đoạn nham hiểm trong chiến lược “diễn biến hoà bình” của các thế lực thù địch chống phá các nước xã hội chủ nghĩa và cách mạng nước ta trong nhiều năm qua. Hiện nay, nhân dân ta đang nỗ lực quyết tâm thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, các thế lực thù địch càng ráo riết thực hiện “diễn biến hoà bình” chống phá cách mạng nước ta, trong đó, “phi chính trị hoá” quân đội ta là một trong những mũi nhọn. Chúng tiếp tục “kiến nghị”: “Các lực lượng vũ trang phải duy trì tính trung lập về chính trị, đặt lợi ích của nhân dân lên trước bất kỳ tổ chức hay cá nhân nào”, “lực lượng vũ trang phải trung thành với Tổ quốc và nhân dân chứ không phải trung thành với bất kỳ tổ chức chính trị nào” và “quân đội chỉ tuân theo pháp luật”…
     Thực chất đây là một ngón đòn nham hiểm trong mục tiêu “phi đảng hoá”, “phi chính trị hoá” quân đội, hòng phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam đối với Quân đội nhân dân Việt Nam, tiến tới vô hiệu hoá, làm suy yếu mất sức chiến đấu của quân đội để thực hiện những ý đồ đen tối. Những luận điệu trên hết sức phản động, phản khoa học, hoàn toàn sai lầm về lý luận, không đúng với thực tiễn tổ chức và hoạt động của quân đội trong lịch sử nhân loại, cũng như trong thực tiễn xây dựng, trưởng thành và chiến thắng của Quân đội nhân dân Việt Nam.
     Bản chất giai cấp của quân đội phụ thuộc vào bản chất giai cấp của nhà nước, của giai cấp tổ chức ra và nuôi dưỡng nó. C.Mác, Ph.Ăngghen và V.I Lênin đã nghiên cứu lý luận về chiến tranh và quân đội trong mối quan hệ mật thiết với lý luận về đấu tranh giai cấp và nhà nước. Các ông chỉ rõ quân đội ra đời trong một giai đoạn nhất định của lịch sử xã hội loài người, khi xuất hiện chế độ tư hữu về tư liệu sản xuất và đối kháng giai cấp trong xã hội. Chế độ tư hữu và đối kháng giai cấp đã nẩy sinh nhà nước của giai cấp thống trị và để bảo vệ lợi ích của mình, giai cấp thống trị đã tổ chức ra nhà nước - bộ máy cai trị của giai cấp thống trị, trong đó quân đội là công cụ bạo lực vũ trang của nhà nước. Như vậy: quân đội ra đời gắn liền với sự xuất hiện của nhà nước và là sản phẩm của cuộc đấu tranh giai cấp không thể điều hoà trong xã hội có đối kháng giai cấp, mang bản chất giai cấp sâu sắc. Bản chất chính trị, mục tiêu, lý tưởng chiến đấu và chức năng, nhiệm vụ của quân đội phụ thuộc vào bản chất giai cấp, mục đích chính trị của nhà nước, của giai cấp tổ chức ra và nuôi dưỡng nó.
Các quân đội do giai cấp thống trị tổ chức ra đều nhằm mục đích duy trì, củng cố chế độ bóc lột, áp bức nhân dân lao động, bảo vệ quyền lợi và sự thống trị của giai cấp thống trị và để xâm lược, cướp bóc, nô dịch các dân tộc khác. Dưới chế độ chiếm hữu nô lệ, quân đội là công cụ bạo lực của tầng lớp chủ nô, quý tộc, bảo vệ quyền lợi và sự thống trị của giai cấp chủ nô, quý tộc và dưới chế độ phong kiến quân đội là công cụ bạo lực của giai cấp địa chủ phong kiến, bảo vệ quyền lợi và sự thống trị của giai cấp địa chủ phong kiến.
     Quân đội của các nước tư bản là công cụ bạo lực duy trì sự thống trị của giai cấp tư sản. Quân đội của các nước tư bản là công cụ bạo lực quan trọng đề duy trì sự thống trị về kinh tế và chính trị của giai cấp tư sản, là công cụ để đàn áp nhân dân lao động trong nước và nô dịch nhân dân các nước khác. Bản chất chính trị gia cấp của quân đội tư sản thể hiện tập trung ở chức năng, nhiệm vụ của quân đội các nước tư bản, do bản chất của chủ nghĩa tư bản quyết định và bắt nguồn từ bản chất của giai cấp tư sản dựa trên chế độ chiếm hữu tư nhân về tư liệu sản xuất. Về đối nội, quân đội là một bộ phận của nhà nước tư sản, trực tiếp tham gia vào chính trị nhà nước, quân đội của các nước tư bản không thể trung lập, đứng ngoài chính trị, hoạt động của quân đội tư sản không chỉ tuân thủ hiến pháp, pháp luật của nhà nước tư sản, mà còn bảo vệ quyền lợi và địa vị thống trị của giai cấp tư sản. V.I.Lênin đã chỉ rõ: “Quân đội thường trực ở bất cứ đâu và trong mọi nước đều chủ yếu dùng để chống kẻ thù bên trong hơn là để dùng chống lại kẻ thù bên ngoài. Ở bất cứ đâu quân đội thường trực cũng trở thành công cụ của thế lực phản động, tôi tớ của tư bản trong cuộc đấu tranh chống lại lao động, cũng là tên đao phủ đối với tự do của nhân dân”[1].
Về đối ngoại, quân đội các nước tư bản thực hiện chức năng là công cụ bạo lực tiến hành chiến tranh xâm lược để thôn tính, áp bức các dân tộc và các quốc gia khác; chiến tranh là sự kế tục chính trị bằng thủ đoạn bạo lực, đường lối chính trị xâm lược của chủ nghĩa tư bản được thực hiện bằng bạo lực quân sự, mà quân đội là công cụ bạo lực để thực hiện đường lối chính trị xâm lược ấy. Trong thời kỳ đế quốc chủ nghĩa, quân đội tư sản luôn tăng cường vai trò phản động về chính trị của mình, là một công cụ trong tay giai cấp thống trị để đàn áp phong trào cách mạng vô sản ở trong nước và là sức mạnh quân sự để giải quyết các nhiệm vụ chính trị đối ngoại.
     Quân đội do giai cấp vô sản tổ chức và lãnh đạo là quân đội kiểu mới. V.I.Lênin chỉ rõ: “Điều quan tâm đầu tiên của bất cứ cuộc cách mạng thắng lợi nào - như C.Mác và Ph.Ăngghen đã nhiều lần nhấn mạnh - là tiêu diệt, là giải tán quân đội cũ, thay nó bằng một quân đội mới; xây dựng “một đạo quân mới, một kỷ luật mới, tổ chức quân sự mới của giai cấp mới”. Trong nhiều bài viết, V.I.Lênin đã sử dụng các cách diễn đạt khác nhau về quân đội vô sản; các cụm từ “quân đội cách mạng”, “quân đội mới”, “đạo quân mới”, “tổ chức quân sự mới”, “Hồng quân xã hội chủ nghĩa của công nhân và nông dân”. V.I.Lênin nhấn mạnh: “Quân đội chúng ta là quân đội giai cấp, chống lại giai cấp tư sản”. Về bản chất chính trị của quân đội, Người chỉ rõ: “Hiện nay, cũng như trước kia và sau này, quân đội sẽ không bao giờ có thể trung lập được”; “Quân đội không thể và không nên trung lập. Không lôi kéo quân đội vào chính trị - đó là khẩu hiệu của bọn tôi tớ giả nhân, giả nghĩa của giai cấp tư sản”. Người viết: “Chúng ta đã thành lập một quân đội thống nhất hiện nay do một bộ phận tiên tiến những người cộng sản có kinh nghiệm lãnh đạo”; “Tất cả mọi người đều biết rằng cuộc Cách mạng Tháng Mười thực tế đã đưa lên hàng đầu những lực lượng mới, một giai cấp mới; rằng hiện giờ những người đại diện ưu tú nhất của giai cấp vô sản đang quản lý nước Nga; họ lập ra quân đội, họ đã chỉ huy quân đội”.

1 nhận xét:

  1. Các thế lực thù địch có âm mưu "phi chính trị hóa Quân đội" nhằm tách Quân đội nhân dân Việt Nam ra khỏi sự lãnh đạo của Đảng CSVN, làm cho Quân đội biến chất. Bởi vậy, đấu tranh làm thất bại âm mưu “phi chính trị hóa” Quân đội là một nhiệm vụ cấp thiết hiện nay.

    Trả lờiXóa