“Công bộc
ma-nơ-canh” là tiếng lóng của một bộ phận người dùng mạng xã hội (MXH) để chỉ
những cán bộ, công chức có thói quen “làm màu”, “diễn sâu”, tô hồng, đánh bóng
bản thân.
Sự xuất hiện những
dạng “công bộc ma-nơ-canh” chính là tác nhân kìm hãm sự phát triển, ảnh hưởng đến
môi trường văn hóa công sở. Nếu không kịp thời chấn chỉnh, khắc phục, biểu hiện
“công bộc ma-nơ-canh” sẽ dẫn tới suy thoái phẩm chất chính trị, đạo đức, lối
sống của cán bộ, đảng viên, công chức trong tổ chức đảng và hệ thống chính trị.
Ma-nơ-canh là
con búp bê bằng nhựa hoặc chất liệu nhẹ, có kích thước tương đương người thật,
được sử dụng phổ biến trong ngành may mặc và các cửa hàng kinh doanh quần áo,
trang sức. Vì là sản phẩm phục vụ cho quảng cáo, kinh doanh nên ma-nơ-canh được
sản xuất theo các chỉ số, số đo chuẩn người mẫu. Ma-nơ-canh mặc quần áo, đeo
trang sức thì rất đẹp, rất chuẩn, nhưng đó là cái đẹp vô hồn, vô cảm...
Đưa hình ảnh
mang tính tu từ này vào đời sống, trước hết là ở môi trường nghệ thuật. Khi
đánh giá những diễn viên có vẻ đẹp hình thể xuất sắc nhưng hạn chế, yếu kém về
kỹ năng diễn xuất, giới chuyên môn và công chúng gọi đó là “diễn viên
ma-nơ-canh”. Một dạo, không ít nhà sản xuất, đạo diễn trong nghệ thuật thứ bảy
có trào lưu mời những người đẹp trong giới người mẫu, hoa hậu, ca sĩ... nổi tiếng
tham gia đóng phim. Cùng với công nghệ lăng xê, sự xuất hiện của những “chân
dài” nổi tiếng là nhân tố chính thu hút khán giả đến phòng vé. Tuy nhiên, số diễn
viên tay ngang này thành công trong nghiệp diễn xuất không nhiều. Phần lớn họ đều
bị đánh giá là ma-nơ-canh, là “bình hoa di động”... Chất lượng của tác phẩm nghệ
thuật vì thế cũng nhanh chóng chết yểu sau những ồn ào nhất thời... Đó là chuyện
của đời sống giải trí.
Chuyển sang môi
trường công tác của cán bộ, đảng viên, công chức trong hệ thống chính trị các cấp,
ở từng cơ quan, đơn vị, tổ chức... không khó để nhận ra những dạng “công bộc
ma-nơ-canh”. Khác với “chân dài” đi đóng phim thường bị chê diễn xuất tồi, những
ma-nơ-canh trong hàng ngũ cán bộ, công chức lại biểu hiện ở khả năng “diễn” và
“đổi màu” trong các hành vi ứng xử.
Trong đợt dịch
COVID-19 bùng phát ở Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam vừa qua, ở một
số cơ quan, đơn vị, địa phương đã lộ ra những ma-nơ-canh như vậy. Có người suốt
ngày này qua tháng khác cứ đến công sở, đóng cửa ngồi im ỉm trong phòng, không
dám ra ngoài vì sợ bị lây nhiễm, nhưng khi nghe tin có đoàn cấp trên đi kiểm
tra thì xăng xái đi theo. Họ nhoi lên phía trước, đi gần lãnh đạo cấp trên để
được ghi hình, xuất hiện “ké” trên truyền thông. Thỉnh thoảng lại sử dụng xe
công chạy lòng vòng, đến một số nơi dàn dựng hình ảnh để tung lên mạng xã hội
"làm màu". Những hình ảnh được họ sử dụng như là những “luận cứ” để
tô hồng báo cáo thành tích. Biểu hiện này trên mạng xã hội, người ta gọi là “diễn
sâu”.
Cùng với đó là
sự xảo biện, tạo dựng thành tích “ảo”, nói rất hay, báo cáo “khống” thành tích
trong các hội nghị. Họ lấy quyền của người đứng đầu để tâng công, tự tô vẽ chân
dung cá nhân trước cấp trên. Biểu hiện này là thủ thuật “đổi màu”. Nó chẳng
khác gì thay áo cho ma-nơ-canh. Bên cạnh đó là cách làm việc thu mình, cầu an,
sợ trách nhiệm. Mặc dù yêu cầu nhiệm vụ đặt ra rất cao, thực tiễn đòi hỏi cán bộ
phải chủ động dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm nhưng với những cán bộ dạng
này, họ luôn tìm cách đẩy cái khó cho nơi khác, đùn đẩy trách nhiệm cho người
khác. Trong lúc thực tiễn đời sống có rất nhiều việc, nhiều cơ hội đến với địa
phương, tổ chức, đơn vị do mình phụ trách, nhưng vì sợ trách nhiệm, họ phải “vo
tròn” bản thân trong cái áo khoác bình an.
Trong cao điểm
chống dịch, khi nguồn hàng viện trợ các nơi dồn dập đổ về Thành phố Hồ Chí
Minh, không ít doanh nghiệp, tổ chức đã phải gọi điện đến các cơ quan báo chí
“cầu cứu”. Ấy là bởi khi hàng chuyển đến địa phương, doanh nghiệp không thể
liên hệ được với cán bộ để bố trí bốc hàng xuống cung cấp cho dân. Hậu quả là
có nơi hàng tấn rau, củ, quả bị thối, lương thực, thực phẩm không có nơi bảo quản,
bị hư hỏng. Vụ việc lô hàng 22.000 hộp sữa do kiều bào Australia viện trợ bị “kẹt”
cả tháng trời mới được thông quan khiến dư luận "dậy sóng" vừa qua là
một ví dụ. Nếu vấn đề này không được đại biểu Quốc hội đưa ra trong các phiên họp
của Quốc hội vừa qua và báo chí, truyền thông không phản ánh thì số phận của lô
hàng chưa biết sẽ thế nào, vì nếu để quá hạn sử dụng thì coi như đồ bỏ...
Khi giải thích
về sự chậm trễ, bất cập trong những trường hợp tương tự, người ta thường đổ lỗi
do cơ chế, quy trình... mà cố tình quên rằng cơ chế nào, quy trình nào cũng đều
do con người sinh ra. Cái gốc của vấn đề là sự tắc trách của cán bộ, không dám
quyết, không dám làm vì sợ trách nhiệm...
Những biểu hiện của “công bộc ma-nơ-canh” như thế không phải đến bây giờ mới có mà nó đã xuất hiện từ lâu, tồn tại trong hệ thống chính trị như một lực cản của phát triển. Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII đã chỉ rõ tình trạng này, đó là: “Cá nhân chủ nghĩa, sống ích kỷ, thực dụng, cơ hội, vụ lợi; chỉ lo thu vén cá nhân, không quan tâm đến lợi ích tập thể; ganh ghét, đố kỵ, so bì, tị nạnh, không muốn người khác hơn mình...”. Và đây cũng chính là những mầm mống suy thoái phẩm chất đạo đức, lối sống, dẫn đến “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ Đảng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét