Đêm
30-11 và sáng 1-12, mưa lũ trên địa bàn tỉnh Phú Yên khiến 6 người chết và mất
tích, hơn 28.600 ngôi nhà bị ngập sâu trong nước, 90ha lúa bị thiệt hại, hơn
1.600 con gia cầm bị chết...
Với
tinh thần “cứu dân là mệnh lệnh trái tim”, hàng trăm cán bộ, chiến sĩ thuộc Bộ
CHQS, Bộ đội Biên phòng tỉnh và lực lượng công an, dân quân đã sát cánh cùng
cấp ủy, chính quyền địa phương kịp thời ứng cứu, di dời, giúp đỡ nhân dân thoát
cơn nguy hiểm...
Chúng
tôi có mặt tại TP Tuy Hòa (Phú Yên) vào sáng 1-12. Tuy mưa đã giảm, nhưng gió
vẫn giật từng cơn, nước dâng cao. Bộ đội và dân quân áo quần sũng nước, bất
chấp mưa gió, bám sát địa bàn trọng điểm vùng lũ, cứu giúp nhân dân.
Thượng
tá Nguyễn Hữu Thành, Trưởng ban Dân vận (Phòng Chính trị, Bộ CHQS tỉnh Phú
Yên)-người trực tiếp cùng các lực lượng cứu dân vùng lũ cho biết: Với tinh thần
“cứu dân là mệnh lệnh trái tim”, ngay trong đêm 30-11, Bộ CHQS tỉnh Phú Yên đã
điều động 4 tổ cứu hộ, cứu nạn, với gần 60 cán bộ, chiến sĩ cùng 10 phương tiện
ca nô, ô tô các loại, khẩn trương cơ động xuống các điểm ngập sâu trong TP Tuy
Hòa, phối hợp cùng các lực lượng kịp thời sơ tán 560 hộ/1.468 nhân khẩu ở vùng
bị ngập và nguy cơ sạt lở cao ra khỏi vùng nguy hiểm.
Trên
hướng huyện Sông Hinh, ngay trong đêm 30-11 và rạng sáng 1-12, gần 40 cán bộ,
chiến sĩ của Ban CHQS huyện và lực lượng dân quân cơ động cùng hai ca nô đã kịp
thời sơ tán hơn 800 hộ dân đến nơi an toàn. Câu chuyện mà Đại úy Ngô Thành Lâm,
Trợ lý tác chiến Ban CHQS huyện Sông Hinh (người trực tiếp tham gia cứu dân tại
khu vực trọng điểm) kể về chiến công trắng đêm cứu dân khiến chúng tôi khâm
phục tinh thần dũng cảm của Bộ đội Cụ Hồ: “Vào lúc 1 giờ sáng 1-12, sau khi tôi
cùng 4 cán bộ, chiến sĩ điều khiển ca nô di dời 50 người dân đến nơi an toàn,
thì bất ngờ nghe tiếng kêu thất thanh: “Cứu tôi với! Cứu với...”. Lúc đó, anh
em chưa kịp nghỉ ngơi, mệt bã người vì cả đêm dầm mình trong mưa lũ cứu dân,
nhưng với lương tâm và trách nhiệm của người lính, chúng tôi lại lập tức lên
đường. Chiếc ca nô len lỏi qua các lùm cây, ngõ xóm, thẳng hướng có tiếng kêu
cứu. Trong đêm tối, chúng tôi phát hiện một mái nhà dân nhấp nhô giữa dòng nước
lũ. Một cánh tay chấp chới giữa dòng nước lạnh cóng. Thượng úy QNCN Nguyễn Văn
Cảnh, nhân viên lái ca nô Ban CHQS huyện Sông Hinh cầm thêm áo phao, choàng
cuộn dây thừng ngang ngực, lao xuống dòng nước lũ. Tôi cùng các đồng chí còn
lại nhanh chóng điều khiển xuồng tiếp cận và đưa người bị nạn lên xuồng. Cứ như
vậy, chúng tôi quay vòng, tăng chuyến nhanh để kịp thời cứu dân mà không kịp
hỏi bà con tên họ là gì. Trắng đêm cứu dân, ai cũng gần như kiệt sức, nhưng đều
phấn khởi, hạnh phúc vì mình đã làm tròn trách nhiệm của người lính, trọn tình,
trọn nghĩa với dân...".
Những
việc làm, hành động cao đẹp đầy tinh thần trách nhiệm của cán bộ, chiến sĩ Bộ
CHQS tỉnh Phú Yên đã để lại trong lòng nhân dân vùng “rốn lũ” những tình cảm
trân trọng và sâu sắc. Ông Nguyễn Văn An, ở phường 4, TP Tuy Hòa cảm động nói:
“Lũ lớn quá, nhanh quá, người dân trở tay không kịp. May có các anh bộ đội đến
kịp thời, nếu không thì nguy. Qua cơn hoạn nạn càng thấy rõ tinh thần và trách
nhiệm của Bộ đội Cụ Hồ với nhân dân!”.
Chiều 1-12, mưa bắt đầu tạnh, nhưng gió vẫn thốc từng cơn, cán bộ, chiến sĩ Bộ CHQS tỉnh Phú Yên và các lực lượng trên địa bàn vẫn không quản đói rét, dầm mình trong lũ khẩn trương giúp dân khắc phục hậu quả. Sau chiến công di dời gần 3.800 hộ/13.000 nhân khẩu đến nơi an toàn, các anh lại sát cánh cùng cấp ủy, chính quyền địa phương giúp dân khắc phục hậu quả. Những người lính về với dân bằng tấm lòng nhân ái, sẻ chia và nghĩa tình cao đẹp...
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét