Thứ Năm, 9 tháng 12, 2021

CHUYỂN ĐỐI SỐ VÀ YÊU CẦU MỚI ĐỐI VỚI NGUỒN NHÂN LỰC TRUYỀN THÔNG BẢO VỆ NỀN TẢNG TƯ TƯỞNG CỦA ĐẢNG

Trong bối cảnh phát triển xã hội thông tin và Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, báo chí vừa có cơ hội lớn cho sự chuyển đổi và phát triển, đồng thời cũng đứng trước những thách thức chưa từng có trong lịch sử. Sự tích hợp và giao thoa giữa các thành tựu công nghệ số như Internet vạn vật (Internet of Things - IoT), Điện toán đám mây (Cloud Computing), Trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big-data) đang tạo ra một xã hội thông tin trong đó thông tin sẽ trở thành yếu tố trung tâm quyết định sự biến đổi cả về phương thức sản xuất dẫn đến yêu cầu mới về lực lượng sản xuất thuộc lĩnh vực báo chí, truyền thông.

Chuyển đổi số là quá trình con người thay đổi phương thức sản xuất, thay đổi cách sống và cách làm việc với các công nghệ số. Bản chất của chuyển đổi số là việc chuyển đổi từ lối tư duy, thái độ, cách sống, cách làm việc truyền thống sang lối tư duy, thái độ, cách sống, cách làm việc với các phiên bản số của các thực thể và sự kết nối của chúng trong không gian số. Chuyển đổi số không đơn giản là quá trình số hoá (digitization) - việc chuyển đổi vạn vật sang các định dạng số; mà hơn thế nữa là xây dựng mô hình hoạt động số (digitalization), chẳng hạn như mô hình hội tụ cho cả một thiết chế truyền thông của quốc gia, bộ ngành, địa phương, hay một cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp; và quan trọng hơn là thực hiện chuyển đổi (transformation), trong đó diễn ra quá trình thay đổi tổng thể và toàn diện, từ lãnh đạo cao nhất đến mọi thành viên của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp ở các quốc gia, bộ ngành, địa phương… nhằm vận hành, thực thi mô hình hoạt động số ấy.

Chuyển đổi số góp phần phát triển các mô hình toà soạn của tất cả các thiết chế truyền thông trong hệ thống chính trị, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, phát triển các dòng sản phẩm truyền thông đa phương tiện và đa nền tảng, tức là phát triển nội dung số và công chúng số.

Tình trạng thông tin sai lệch, xuyên tạc, các luận điệu sai trái, thù địch ngày càng dày đặc trên không gian mạng hiện nay đang đặt ra thách thức lớn với nguồn nhân lực bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh ngăn phản bác các quan điểm sai trái, thù địch hiện nay. Trong bối cảnh chuyển đổi số, cần tập trung lực lượng vào” trận địa” là các nền tảng số, đặc biệt là các nền tảng trên mạng xã hội.

Yêu cầu mới đối với nguồn nhân lực truyền thông bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh ngăn chặn, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch hiện nay là thay đổi tư duy chiến lược, xác định rõ mối quan hệ giữa mô hình tổ chức, thực hiện các chương trình, chiến dịch truyền thông sáng tạo; xác định rõ nguồn nhân lực và yêu cầu đối với nguồn nhân lực tổ chức, triển khai các chương trình, chiến dịch truyền thông này trong thực tế.

Nguồn nhân lực truyền thông bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm, sai trái, thù địch cần có phẩm chất và năng lực báo chí sáng tạo và truyền thông đa phương tiện, đa nền tảng đáp ứng yêu cầu ở tất cả các vị trí trong quy trình sáng tạo nội dung, tổ chức sản xuất, quản trị kinh doanh, phát hành sản phẩm báo chí truyền thông ở các cơ quan báo chí, các tổ chức và doanh nghiệp truyền thông, tương ứng với bốn khu vực: 1) Nhân lực cho khu vực sản phẩm - dịch vụ. Mỗi cơ quan báo chí và cơ sở truyền thông, căn cứ vào tính đặc trưng của mảng nghiệp vụ, kênh phân phối sản phẩm, phân khúc thị trường và công chúng, có nhiệm vụ xây dựng, xác định giá trị và giá trị sử dụng của cả hệ thống sản phẩm dịch vụ, từng dòng sản phẩm dịch vụ và từng sản phẩm dịch vụ. 2) Nhân lực cho khu vực hoạt động nghiệp vụ, bao gồm phóng viên, biên tập viên, đạo diễn, biên kịch, đồ hoạ, lập trình viên, nhân viên phân tích, xử lý dữ liệu, quản trị mạng, an ninh mạng… và cộng tác viên, thành viên thuộc mạng lưới đối tác; có nhiệm vụ triển khai thực hiện toàn bộ quá trình sáng tạo nội dung, tổ chức sản xuất sản phẩm báo chí, truyền thông của cơ quan báo chí. 3) Nhân lực cho khu vực công chúng/ khách hàng, bao gồm nhân lực 4 bộ phận: Trung tâm nghiên cứu đổi mới sáng tạo; Bộ phận Phân khúc thị trường và công chúng; Bộ phận Quan hệ khách hàng; Bộ phận đảm nhiệm các kênh phân phối. Nếu các cơ quan báo chí không có khu vực Sản phẩm - dịch vụ thì công việc kinh doanh (bao gồm chủ yếu là quảng cáo, phát hành) sẽ thuộc khu vực này. 4) Nhân lực cho khu vực tài chính. Các cơ quan báo chí và doanh nghiệp truyền thông triển khai các mô hình kinh doanh số, nhân lực ở khu vực này cần đủ năng lực đảm nhiệm về tài chính của tổ chức với các mô hình kinh doanh mới.

Cần phân tích và xác định cụ thể vai trò của từng nhóm, từng vị trí công việc trong các nhóm nòng cốt bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, cũng như yêu cầu về phẩm chất, năng lực của từng vị trí công việc tương ứng. Các cán bộ nòng cốt cần được đào tạo, bồi dưỡng thường xuyên 7 nhóm kiến thức và kỹ năng: 1) Lý luận chính trị; 2) Ngoại ngữ, trong đó Tiếng Anh là ngoại ngữ bắt buộc; 3) Kiến thức và kỹ năng về tin học và công nghệ thông tin; 4) Cơ sở pháp lý (luật và các văn bản quy phạm pháp luật); 5) An toàn thông tin và an ninh truyền thông; 6) Phân tích, nhận diện và xử lý các nội dung thông tin sai lệch, xuyên tạc, phản bác luận điệu sai trái, thù địch trên mạng xã hội; 7) Kiến thức chuyên sâu về báo chí, truyền thông; mô hình quản lý, nguyên tắc và giải pháp quản lý thông tin truyền thông.

Ngoài những yêu cầu chung về kiến thức, kỹ năng nêu trên, có yêu cầu riêng biệt đối với từng nhóm chủ thể nòng cốt. Với 3 nhóm: 1) Nhóm chủ thể thuộc Đảng Cộng sản Việt Nam, 2) Nhóm chủ thể thuộc trụ cột Nhà nước và Chính phủ, 3) Nhóm trụ cột thuộc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể nhân dân: cần có nhận thức đúng đắn và đủ năng lực lãnh đạo và quản lý các cơ quan báo chí và hệ thống các phương tiện truyền thông đại chúng thuộc hệ thống chính trị theo mô hình chuyển đổi số. Với nhóm trụ cột là các thiết chế truyền thông, đặc biệt là các cơ quan báo chí và hệ thống cổng thông tin điện tử các cấp thì ngoài yêu cầu tư duy chiến lược về sự phát triển báo chí truyền thông theo mô hình chuyển đổi số, cần có hiểu biết sâu và toàn diện, năng lực tổ chức, triển khai báo chí đa nền tảng, ứng dụng các công nghệ mới để sản xuất, phân phối các dòng sản phẩm truyền thông sáng tạo, sản phẩm truyền thông đa phương tiện và đa nền tảng trên môi trường số.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét