Thứ Sáu, 3 tháng 12, 2021

PHẢN BÁC NHỮNG LUẬN ĐIỆU SAI TRÁI, XUYÊN TẠC VỀ PHÒNG CHỐNG THAM NHŨNG Ở VIỆT NAM

Công tác phòng, chống tham nhũng được Đảng, Nhà nước và cả hệ thống chính trị đẩy mạnh thực hiện, ngày càng quyết liệt ở tất cả các cấp, các ngành với quan điểm “không có vùng cấm”, “không có hạ cánh an toàn” và đã đạt được những kết quả rõ rệt; được người dân đồng tình, ủng hộ; các tổ chức quốc tế ghi nhận và đánh giá cao. Tuy nhiên, các thế lực thù địch, phản động, các phần tử cơ hội chính trị lợi dụng để công kích, xuyên tạc, bôi nhọ nhằm thực hiện các mưu đồ “diễn biến hòa bình”. Chúng đưa ra những luận điệu xuyên tạc về công tác phòng, chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước ta. Bằng nhiều thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt, thông qua các phương tiện truyền thông, các thế lực phản động thiếu thiện chí, thù địch, bất mãn, cơ hội chính trị đã tấn công vào nền tảng tư tưởng của Đảng, Hiến pháp, pháp luật của Nhà nước nhằm phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Chúng xuyên tạc công tác phòng, chống tham nhũng, qua đó hạ thấp vai trò lãnh đạo, uy tín của Đảng, làm suy giảm lòng tin của nhân dân đối với chế độ.

Luận điệu cho rằng “tham nhũng là sản phẩm của chế độ, thể chế chính trị ở Việt Nam” là một sự quy chụp, xuyên tạc, vô căn cứ. Nhà nước pháp quyền XHCN là thống nhất, trong đó, các cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp được phân cấp, phân quyền với chức năng, nhiệm vụ cụ thể. Tòa án xét xử dựa trên hành vi, chứng cứ phạm tội, chứ không phải “xét xử theo lệnh của Đảng” như luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch. Thực chất luận điệu xuyên tạc này nhằm tuyên truyền, cổ xúy cho nhà nước tam quyền phân lập.

Việc Đảng lãnh đạo hoạt động kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng trong giai đoạn hiện nay là tất yếu, khách quan, dựa trên cơ sở lý luận, thực tiễn rõ ràng và đầy đủ. Bởi lẽ, việc không kiểm soát được quyền lực sẽ dẫn đến những hậu quả khôn lường, sự “tha hóa quyền lực” và sự lạm dụng quyền lực trong công tác cán bộ thường đi liền với tham nhũng. Công tác phòng, chống tham nhũng không có “vùng cấm”, không có “ngoại lệ”, không có “đặc quyền” đối với bất kỳ ai. Với quan điểm rõ ràng, cụ thể đó, luận điệu: “Phòng chống tham nhũng đấu đá nội bộ, tranh giành quyền lực”; “Đảng không thể đấu tranh phòng, chống tham nhũng”... là hoàn toàn sai lầm và vô căn cứ.

Phòng, chống tham nhũng là vấn đề sống còn của Đảng, của chế độ, do đó là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta, vì lợi ích của Đảng, của đất nước và mỗi người dân. Đây là “mặt trận” phức tạp, gay gắt, quyết liệt, trực tiếp đấu tranh với sự chống đối “vô hình” của những người đi ngược lại lợi ích chung của Đảng và đất nước. Nhận thức rõ nguy cơ tham nhũng, Đảng ta đã đẩy mạnh công tác đấu tranh phòng, chống, tham nhũng, gắn với ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong một bộ phận cán bộ, đảng viên, từ đó nhận được sự đồng tình, ủng hộ của cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét