“Mong các đồng chí hết sức
giữ gìn, phải thật sự gương mẫu, thật sự là thanh kiếm và lá chắn. Kiếm phải sắc,
lá chắn phải vững, nhưng cái tâm phải trong sáng, cái đức phải tốt, phải hết sức
tỉnh táo, giữ mình cho trong sạch…
Ban chỉ đạo của chúng ta
phải mẫu mực thì mới đi làm được người khác, công tâm, khách quan, trong sáng,
vô tư, nắm luật pháp, nhưng lại có tình, có nghĩa”. Đó là những lời chân thành,
tâm huyết mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói trong cuộc họp Thường trực Ban chỉ
đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực.
Chủ tịch Hồ Chí Minh dạy:
“Một tấm gương sống còn hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”. Sở dĩ Tổng Bí
thư Nguyễn Phú Trọng đứng đầu Ban chỉ đạo để đội ngũ cán bộ, đảng viên và nhân
dân hết sức kính trọng và tin tưởng là nhờ uy tín cao, sự nêu gương cả về phẩm
chất chính trị, đạo đức, lối sống. Thế nên để PCTN, tiêu cực hiệu quả, chúng ta
cần ngày càng nhiều “tấm gương sống” ở vị trí người đứng đầu.
Chỉ cần nhìn vào họ là cấp
dưới biết cần phải hành xử thế nào cho đúng. Người đứng đầu có năng lực lãnh đạo
tốt, đạo đức tốt thì chắc chắn cơ quan, đơn vị, tổ chức đó sẽ trong sạch, vững
mạnh. Khi đội ngũ cán bộ, đảng viên đều là những “tấm gương sống” về phẩm chất
chính trị, đạo đức, lối sống thì mới lan tỏa được ra xã hội.
Nhiều ý kiến đề cao pháp
trị trong PCTN, cho rằng luật pháp, quy định cứ nghiêm minh thì không còn cửa
nào cho tham nhũng, tiêu cực. Điều này đúng, nhưng chắc chắn là chưa đủ. Là vì,
luật pháp chỉ điều chỉnh được phần ngọn của vấn đề, tức là dùng các điều luật,
quy định để ngăn chặn các hành vi sai trái. Còn phần gốc vẫn là phải xây dựng
con người, gồm xây dựng phẩm chất chính trị và đạo đức. Luật pháp cũng do con
người xây dựng. Nhận thức, đạo đức và lợi ích của con người sẽ điều chỉnh việc
xây dựng luật pháp theo các hướng khác nhau. Muốn có luật pháp tốt thì phải có
con người tốt.
Thời kỳ đầu đổi mới, Tổng
Bí thư Nguyễn Văn Linh đã nói về chống tiêu cực: “Phải quyết liệt chống tiêu cực
thì nhân tố mới mới thật sự có chỗ đứng, giống như có nhổ sạch cỏ dại, diệt sâu
rầy thì lúa mới mọc lên vậy”. Như vậy, mục đích cuối cùng không phải là “nhổ cỏ
dại, diệt sâu rầy” mà mục đích cuối cùng là để “lúa mọc lên”. Cũng như giai đoạn
hiện nay, chúng ta chống tham nhũng, tiêu cực rất quyết liệt không phải là để
“diệt người” mà là để “trị bệnh cứu người”, để xây dựng con người.
Công tác xây dựng ấy cần có thời gian, có bước đi phù hợp, kết hợp chặt chẽ giữa cơ chế, luật pháp với tuyên truyền, giáo dục. Chống tiêu cực, tham nhũng, mỗi cán bộ, đảng viên không phải chỉ nhìn xung quanh để chống, mà cần chống ngay trong chính bản thân mình. Để rồi mỗi ngày trôi qua, con người mới tốt đẹp của chúng ta ngày càng được hoàn thiện, là cơ sở để xây dựng mỗi cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và cả đất nước ta, xã hội ta ngày càng tốt đẹp hơn.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét