Tăng cường quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc Tổ quốc là nhiệm vụ trọng
yếu, thường xuyên của cách mạng Việt Nam. Đó là quan điểm nhất quán, được Đảng
ta khẳng định sâu sắc và rõ nét trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Kế thừa
và phát triển những nội dung qua các kỳ đại hội của Đảng, Đại hội XIII tiếp tục
khẳng định và phát triển trên các nội dung sau:
Trước hết, về vị trí, vai trò của quốc phòng, an ninh, Đại hội XIII của Đảng
khẳng định: “Củng cố quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã
hội chủ nghĩa là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên của Đảng, Nhà nước, hệ thống
chính trị và toàn dân, trong đó Quân đội nhân dân và Công an nhân dân là nòng cốt”.
Đây là quan điểm nhất quán của Đảng ta, tạo cơ sở quan trọng cho Đảng, Nhà nước,
cả hệ thống chính trị, toàn dân và toàn quân quán triệt và thực hiện. Đồng thời,
Đại hội XIII của Đảng cũng xác định: “Tiếp tục phát triển nhanh và bền vững đất
nước; gắn kết chặt chẽ và triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, trong đó phát triển
kinh tế - xã hội là trung tâm, xây dựng Đảng là then chốt; phát triển văn hóa
là nền tảng tinh thần, bảo đảm quốc phòng, an ninh là trọng yếu, thường xuyên”.
Phát triển kinh tế - xã hội tiếp tục là nhiệm vụ trung tâm, được ưu tiên, nhưng
không coi nhẹ nhiệm vụ củng cố quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc, bởi vì củng
cố quốc phòng, an ninh là cơ sở trực tiếp tạo môi trường, điều kiện thuận lợi
cho nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội; ngược lại, kinh tế - xã hội phát triển,
tiềm lực đất nước ngày càng vững mạnh sẽ là “phương thức hữu hiệu” để tăng cường
tiềm lực, sức mạnh quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc.
Về mục tiêu tăng cường quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc, Đảng ta chỉ
rõ: “Bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ
quốc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân, chế độ xã hội chủ nghĩa, nền văn hóa và
lợi ích quốc gia - dân tộc; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định chính trị, an
ninh quốc gia, an ninh con người; xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương, an toàn,
lành mạnh để phát triển đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa”. Mục tiêu khẳng
định hai vấn đề lớn: Một là, tiếp tục khẳng định nội dung bảo vệ Tổ quốc mang
tính toàn diện cả phương diện tự nhiên - lịch sử và chính trị - xã hội, văn
hóa, môi trường sống, môi trường hòa bình... trong một chỉnh thể thống nhất;
hai là, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định chính trị, an ninh quốc gia, an
ninh con người; xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương, an toàn, lành mạnh để phát
triển đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Về sức mạnh bảo vệ Tổ quốc, cần phải: “Phát huy cao nhất sức mạnh tổng hợp
của toàn dân tộc, của cả hệ thống chính trị kết hợp với sức mạnh thời đại,
tranh thủ tối đa sự đồng tình ủng hộ của cộng đồng quốc tế”(7) để bảo vệ Tổ quốc.
Sự phát triển tư duy về lực lượng, sức mạnh bảo vệ Tổ quốc của Đảng ta không chỉ
là sự kế thừa, phát triển truyền thống quý báu của dân tộc Việt Nam là càng
trong khó khăn, thử thách thì ý chí, khát vọng, lòng tự hào, tự tôn dân tộc
càng được phát huy cao độ, tạo nên sức mạnh vô địch để bảo vệ Tổ quốc; mà còn
hoàn toàn phù hợp với đòi hỏi của thực tiễn, yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc
trong điều kiện, tình hình thế giới, khu vực dự báo sẽ tiếp tục diễn biến hết sức
nhanh, phức tạp, khó lường; đồng thời, là sự cụ thể hóa chủ đề của Đại hội XIII
của Đảng là: “... khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, phát huy ý chí, sức mạnh
đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại...” để xây dựng và bảo
vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Trong điều kiện toàn cầu hóa và hội nhập hiện nay, cần kết hợp chặt chẽ sức
mạnh bên trong với sức mạnh bên ngoài, sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại để
tạo được sức mạnh tổng hợp lớn nhất bảo vệ Tổ quốc. Đây là định hướng chính trị
rất quan trọng, đồng thời đặt ra yêu cầu cao, đòi hỏi Nhà nước, các ban, bộ,
ngành Trung ương, các địa phương phải tích cực, chủ động hơn nữa trong triển
khai đường lối, chính sách, chiến lược đối ngoại nhằm khai thác cao nhất sức mạnh
thời đại, tranh thủ tối đa sự đồng tình, ủng hộ của cộng đồng quốc tế trong sự
nghiệp bảo vệ Tổ quốc. Theo đó, cần tuyên truyền sâu rộng, thường xuyên để nhân
dân trong nước, kiều bào ta ở nước ngoài và bạn bè quốc tế hiểu rõ, hiểu đúng
và đủ về đường lối, chính sách quốc phòng, an ninh của Việt Nam, từ đó nhận được
sự đồng tình, ủng hộ, chia sẻ, giúp đỡ của bạn bè quốc tế, tạo sức mạnh tổng hợp
bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Về phương châm chỉ đạo sự nghiệp quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc, cần
phải: “Có kế sách ngăn ngừa các nguy cơ chiến tranh, xung đột từ sớm, từ xa. Nỗ
lực phấn đấu để ngăn ngừa xung đột, chiến tranh và giải quyết các tranh chấp bằng
biện pháp hòa bình phù hợp với luật pháp quốc tế”. Củng cố quốc phòng và an
ninh ngay trong thời bình, bảo đảm đủ sức mạnh đấu tranh, phòng ngừa, ngăn chặn,
đầy lùi từ sớm, từ xa những nhân tố bất ổn có thể dẫn đến các tình huống quốc
phòng, an ninh và các thế lực thù địch lợi dụng gây hấn, tạo cớ gây xung đột,
chiến tranh. Đại hội XIII của Đảng đã bổ sung và nhấn mạnh đến vấn đề “Chú trọng
an ninh, an toàn là một trong những yếu tố hàng đầu trong cuộc sống của người
dân. Xác định “chủ động phòng ngừa” là chính. Ứng phó kịp thời, hiệu quả với
các đe dọa an ninh phi truyền thống, nhất là nhiệm vụ cứu nạn, cứu hộ, phòng,
chống thiên tai, dịch bệnh”.
Về tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh, xây dựng nền quốc phòng toàn
dân gắn với nền an ninh nhân dân, Đảng ta chủ trương tiếp tục “Tăng cường tiềm
lực quốc phòng và an ninh; xây dựng và phát huy mạnh mẽ “thế trận lòng dân”
trong nền quốc phòng toàn dân và nền an ninh nhân dân; xây dựng và củng cố vững
chắc thế trận quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân”. Dựa vào nhân
dân, tổ chức vận động, khai thác, huy động cao nhất trách nhiệm và mọi nguồn lực
của nhân dân kết hợp với nguồn lực của Nhà nước tạo thành sức mạnh tổng hợp để
thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh là quan điểm xuyên suốt, nhất quán của Đảng
ta trong mọi giai đoạn cách mạng, đặt ra yêu cầu xây dựng nền quốc phòng toàn
dân gắn với nền an ninh nhân dân phải toàn diện cả về lực lượng, tiềm lực và thế
trận trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, cả ở trong và ngoài nước. Trong xây
dựng lực lượng cần coi trọng xây dựng cả lực lượng chính trị (lực lượng của các
ngành, ở các cấp và nhân dân trong các cộng đồng dân cư...) và lực lượng vũ
trang nhân dân, trong đó quan tâm đặc biệt đến xây dựng lực lượng vũ trang vững
mạnh làm nòng cốt. Cùng với xây dựng lực lượng, cần tập trung xây dựng tiềm lực
quốc phòng, an ninh toàn diện, trong đó chú trọng các tiềm lực cơ bản, như
chính trị tinh thần, văn hóa, xã hội, kinh tế, khoa học - công nghệ, quốc
phòng, an ninh và đối ngoại. Đồng thời, với xây dựng lực lượng, tiềm lực cần
xây dựng và củng cố vững chắc thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an
ninh nhân dân cả về “thế trận lòng dân” và thế trận quân sự, an ninh.
Đại hội XIII của Đảng cũng chỉ rõ: “Kết hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa kinh
tế, văn hóa, xã hội, đối ngoại với quốc phòng, an ninh và giữa quốc phòng, an
ninh với kinh tế, văn hóa, xã hội và đối ngoại. Cụ thể hóa và thực hiện có hiệu
quả quan hệ giữa hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã
hội chủ nghĩa trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, chiến lược bảo vệ Tổ
quốc; trong các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại;
trong từng địa phương, vùng, địa bàn chiến lược và trong từng nhiệm vụ, chương
trình, kế hoạch cụ thể”.
Về phương hướng, mục tiêu xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân: “Xây dựng
Quân đội nhân dân, Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước
hiện đại, một số quân chủng, binh chủng, lực lượng tiến thẳng lên hiện đại. Đến
năm 2025, cơ bản xây dựng Quân đội, Công an tinh, gọn, mạnh, tạo tiền đề vững
chắc, phấn đấu năm 2030 xây dựng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân cách mạng,
chính quy, tinh nhuệ, hiện đại; vững mạnh về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ
chức và cán bộ. Xây dựng cấp ủy, tổ chức đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên
trong Quân đội và Công an tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Đảng, Nhà nước
và nhân dân, kiên định với mục tiêu, lý tưởng cách mạng của Đảng, bảo đảm chất
lượng tổng hợp và sức mạnh chiến đấu cao, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong mọi
tình huống”. Đồng thời, “Xây dựng lực lượng dự bị động viên hùng hậu và dân
quân tự vệ vững mạnh, rộng khắp trên các vùng, miền, trên biển. Quan tâm xây dựng
lực lượng bảo đảm trật tự, an toàn xã hội cơ sở đáp ứng đòi hỏi của nhiệm vụ giữ
gìn an ninh, trật tự ở cơ sở”. Đây là sự cụ thể hóa quan điểm của Đảng ta về sức
mạnh tổng hợp và lực lượng toàn diện trong bảo vệ Tổ quốc; phản ánh sâu sắc
tính chất toàn dân, toàn diện của nền quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân
trong thời kỳ mới.
Những nội dung kế thừa và phát triển về quốc phòng an ninh trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng thể hiện tư duy nhất quán của Đảng về quốc phòng an ninh đồng thời bổ sung, phát triển trong điều kiện cụ thể của đất nước. Đây là nội dung quan trọng mà cán bộ, đảng viên nói chung và cán bộ, đảng viên trong quân đội nói riêng cần học tập, nghiên cứu để quán triệt và vận dụng trong thực hiện nhiệm vụ, góp phần đưa nghị quyết Đại hội XIII của Đảng vào cuộc sống./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét