Thứ Năm, 9 tháng 12, 2021

KHOAN DUNG, ĐỘ LƯỢNG – NÉT ĐẶC SẮC TRONG PHONG CÁCH LÃNH ĐẠO HỒ CHÍ MINH

        Trước hết, phong cách khoan dung, độ lượng của nhà lãnh đạo Hồ Chí Minh là sự kết tinh tinh hoa tư tưởng – văn hóa chính trị Đông – Tây.

Phong cách khoan dung, độ lượng của Hồ Chí Minh đặc biệt bắt nguồn từ truyền thống khoan hòa trong lịch sử dân tộc Việt Nam. Ta nhìn thấy trong phong cách Hồ Chí Minh tấm lòng rộng lượng của con người Việt Nam trong các ứng xử xã hội, thấy triết lý khoan giản an lạc của Phật Hoàng Trần Nhân Tông, thấy kế sách khoan thư sức dân của Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn, thấy đạo nghĩa khoan dung, vị tha của Nguyễn Trãi, Quang Trung… Chính truyền thống khoan hòa, hiện thân của đức Chí Nhân của dân tộc Việt Nam, là mạch nguồn chủ yếu dung dưỡng nên phong cách khoan dung, độ lượng Hồ Chí Minh.

Trên nền tảng văn hóa dân tộc, ta còn có thể thấy dấu ấn của tư tưởng – văn hóa chính trị Nho giáo trong phong cách khoan dung, độ lượng Hồ Chí Minh. Sách Luận Ngữ - công trình phản ánh tư tưởng của Khổng tử, người sáng lập nên Nho giáo – đã rất coi trọng chữ “Khoan”. Thiên Dương Hóa trong sách Luận Ngữ chép, khi học trò của Khổng tử là Tử Trương hỏi về đức Nhân, Khổng tử đã trả lời rằng: “có thể thực hiện 5 điều sau đây trong thiên hạ, đó là Nhân”, và ông giải thích 5 điều đó là: “cung, khoan, tín, mẫn, huệ: cung thì không khinh mạn, khoan tất sẽ được lòng người, tín thì được mọi người gửi gắm, mẫn thì có công lao, huệ thì đủ để sai khiến người”. Như vậy, cùng với cung kính, tín nhiệm, cần mẫn và ân huệ, sự khoan hậu là một hiện thân của đức Nhân, một đức tính của người lãnh đạo, một giá trị cần được phổ quát hóa trong xã hội. Hệ quả của Khoan, theo Khổng tử, chính là được lòng người, quy tụ được lực lượng đông đảo – “khoan tắc đắc chúng”. Khổng tử từng nói rõ với những người lãnh đạo: "Kẻ ở trên mà không rộng lượng, hành lễ mà không có sự kính trọng, đến chỗ tang tế mà không bi ai – những kẻ đó còn gì đáng để mắt đến?". Là một người xuất thân trong gia đình Nho học, từ bé đã được giáo dục “kinh nghiệm đạo đức và phép ứng xử” của Nho gia, có thể khẳng định tinh thần “khoan tắc đắc chúng” của các bậc chân Nho ưu thời mẫn thế, không chỉ qua sách vở, mà còn qua phong cách hiện thực của cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, cùng bao nhà Nho yêu nước Việt Nam khác, đã sớm thấm sâu vào cậu bé Nguyễn Sinh Cung, để rồi sau này trở thành một nét đặc sắc trong phong cách của Hồ Chí Minh.

Không chỉ tư tưởng – văn hóa phương Đông, mà nhiều giá trị văn hóa phương Tây cũng góp phần hình thành nên phong cách khoan dung, độ lượng của Hồ Chí Minh. Chính Hồ Chí Minh đã nhiều lần ca ngợi “lòng nhân ái cao cả” trong tôn giáo do Đức Chúa Giê-su sáng lập, ca ngợi lý tưởng Bác ái của Đại Cách mạng Pháp, v.v., và cả phong cách “dũng cảm và rộng lượng” của các nhà sáng lập Chủ nghĩa Mác – Lênin. Trong bài Lênin và các dân tộc thuộc địa (21/7/1924), Hồ Chí Minh đã dùng những chữ “dũng cảm và rộng lượng” để viết về phong cách mẫu mực của Lênin - người thầy của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế.

Tiếp đó, phong cách khoan dung, độ lượng của Hồ Chí Minh còn là ánh phản của sự nghiệp cách mạng của dân tộc Việt Nam đại nghĩa, chính nghĩa, quang minh chính đại, văn minh dưới sự lãnh đạo của Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam. Chính Hồ Chí Minh, trong bức thư gửi đồng bào Nam Bộ ngày 26/9/1945, đã nói rõ: "Đối với những người Pháp bị bắt trong lúc chiến tranh, ta phải canh phòng cẩn thận, nhưng phải đối đãi với họ cho khoan hồng. Phải làm cho thế giới, trước hết là làm cho dân Pháp biết rằng: Chúng ta là quang minh chính đại. Chúng ta chỉ đòi quyền độc lập tự do, chứ chúng ta không vì tư thù tư oán, làm cho thế giới biết rằng chúng ta là một dân tộc văn minh, văn minh hơn bọn đi giết người cướp nước”. Thấu hiểu sâu sắc sức mạnh vĩ đại của chủ nghĩa yêu nước Việt Nam, tận mắt chứng kiến các tầng lớp người Việt Nam, từ các vị vua quan yêu nước, đến mọi giai tầng trong xã hội, đều xả thân vì đại nghiệp giải phóng và phát triển của đất nước, Hồ Chí Minh đã đúc rút một chân lý rằng: "Đã là con Lạc cháu Hồng thì ai cũng có ít hay nhiều lòng ái quốc", đều có mầm Thiện ở trong lòng, vấn đề chỉ là người lãnh đạo có thấy được và có tìm ra cách khơi dậy, phát huy những giá trị đó hay không, và sự nghiệp cách mạng của dân tộc Việt Nam đã, đang và sẽ là sự nghiệp của đại đoàn kết toàn dân, chứ không phải sự nghiệp của riêng ai. Nói cách khác, khoan dung, độ lượng là một đòi hỏi khách quan của chính hiện thực sự nghiệp cách mạng của dân tộc Việt Nam, đã được Hồ Chí Minh nhận thức, và vì thế, chuyển hoá thành tư tưởng, đạo đức và phong cách của Người.

Nhất là, phong cách khoan dung, độ lượng chính là hiện thân của tâm hồn, khí phách, nhân cách cao đẹp của nhà lãnh đạo Hồ Chí Minh - bậc Đại Nhân, Đại Chí, Đại Dũng. Ngay từ năm 1923, nhà báo Ôxíp Manđenxtam đã nhận ra điều này khi tiếp xúc với Nguyễn Ái Quốc: “Từ Nguyễn Ái Quốc đã toả ra một thứ văn hoá, không phải văn hoá Âu châu, mà có lẽ là một nền văn hoá tương lai… Qua phong thái thanh cao, trong giọng nói trầm ấm của Nguyễn Ái Quốc, chúng ta như nghe thấy ngày mai, như thấy sự yên tĩnh mênh mông của tình hữu ái toàn thế giới”.

Có thể thấy rằng phong cách lãnh đạo khoan dung, độ lượng Hồ Chí Minh là sự kết tinh tinh hoa tư tưởng - văn hóa dân tộc và nhân loại, phán ánh đúng và đáp ứng được đòi hòi của thực tiễn sự nghiệp cách mạng của dân tộc Việt Nam, là một hiện thân của nhân cách Hồ Chí Minh, vì thế, có giá trị to lớn, cần được trân trọng nghiên cứu, học tập.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét