Thứ Năm, 2 tháng 12, 2021

VIỆT NAM CẦN LÀM GÌ ĐỂ ĐỐI PHÓ VỚI BIẾN THỂ OMICRON?

Vì sao Omicron nguy hiểm như một dòng virus mới?

Chỉ mới 15 ngày từ lần đầu tiên được ghi nhận qua giải trình tự gen, chúng ta đã thấy biến chủng này lan rộng tại châu Phi, đẩy số ca tăng nhanh đến kỷ lục và làm cho tất cả các nhà khoa học trên thế giới phải quan ngại vì mức độ nguy hiểm của nó. WHO cũng đã phải triệu tập một cuộc họp khẩn cấp ngày thứ sáu, 26/11 để thảo luận trực tiếp về biến thể này.

Các nhà khoa học tại Nam Phi đã phát hiện được hơn 30 đột biến khác nhau trên protein gai, phần gắn nó với các tế bào của cơ thể, của biến thể Omicron. Trong đó, rất nhiều những đột biến trên gai không phải là những đột biến thường thấy, hoặc là những đột biến mới được ghi nhận (dưới 100 mẫu bệnh phẩm) trên toàn thế giới.

Biến thể Omicron đang dấy lên nỗi lo trên toàn thế giới, vì các đột biến ở biến thể này có khả năng tạo ra nguy cơ đặc biệt như:

- Nhiều đột biến có khả năng kháng các kháng thể trung hòa (và/hoặc liệu pháp trị liệu bằng kháng thể đơn dòng);

- Có thể trốn tránh hệ thống miễn dịch bẩm sinh.

- Tạo cho virus có khả năng siêu lây nhiễm.

Nhiều nhà virus học trên thế giới đồng ý rằng, nếu cả thế giới đang không phải đối mặt với đại dịch Covid-19, chỉ riêng biến thể này có thể được định nghĩa là một dòng mới (strain), chứ không chỉ là một biến thể đơn thuần. Nên nó có thể phá hủy nhiều thành quả chống dịch của thế giới 2 năm qua.

Mặc dù vẫn còn quá sớm để tính toán chính xác khả năng lây truyền, chúng ta vẫn thấy được biến thể này đang lây lan rất nhanh tại Nam Phi. Chỉ trong vòng chưa đầy 2 tuần, biến thể này đã chiếm đến 75% tổng số mẫu bệnh phẩm được giải trình tự, trực tiếp xóa sổ làn sóng dịch do chủng Delta gây ra từ tháng 2/2021 đến nay. Chỉ tính riêng trong ngày 23/11, Nam Phi ghi nhận gần 19.000 ca nhiễm, gấp 20 lần so với 3 ngày trước đó.

Một điểm lạc quan là biến thể này có thể được phát hiện bởi test TaqPath (RT-PCR), mà không cần đến giải trình tự gen. Điều đó cho phép tất cả các nước cùng theo dõi và chuẩn bị khi những biến thể này, ngay khi chúng bắt đầu xuất hiện, đây cũng là điểm tốt duy nhất cho đến nay.

Nhờ vào đặc điểm này, các nhà khoa học tại CERI (Viện Sáng chế và Ứng phó dịch bệnh Nam Phi), đã ước tính được ít nhất 90% số ca ghi nhận tại tỉnh Gauteng thuộc biến thể này, tức là ở mức hơn 1.000 ca/ngày. Con số này đang ngày càng cao và gia tăng đột biến tại tất cả các khu vực của Nam Phi.

Tại Tshwane (thuộc tỉnh Guateng), tình hình đang trở nên tồi tệ đi nhanh chóng khi tỷ lệ dương tính với biến chủng mới trên tổng số mẫu tăng chóng mặt từ 1% lên hơn 30% chỉ sau 2 tuần.

Việt Nam cần làm gì?

Các nước châu Âu đã áp đặt những hạn chế đi lại lên một số nước châu Phi, trong đó có Nam Phi. Trong phát biểu của mình, Giám đốc Cao ủy Châu Âu Ursula von der Leyen đã nói: "Liên minh Châu Âu, bằng việc phối hợp chặt chẽ với các quốc gia thành viên, sẽ đề xuất kích hoạt một cơ chế khẩn cấp để ngăn chặn di chuyển bằng đường hàng không từ khu vực Nam Phi, do biến thể mới đáng quan ngại Omicron".

Trong khi đó, Vương quốc Anh đã đưa 6 nước bao gồm Nam Phi, Namibia, Lethoso, Eswatini và Zimbabwe vào danh sách đỏ, tức là từ 12h đêm thứ sáu tuần trước, mọi chuyến bay từ các quốc gia này sẽ bị ngừng cho đến 4h sáng Chủ nhật (28/11).

Singapore cũng đã từ chối nhập cảnh với các khách du lịch ngắn hạn và những người có visa học tập/làm việc dài hạn có lịch sử di chuyển qua các nước trên trong vòng 14 ngày.

Tuy nhiên, hạn chế đi lại, dù là biện pháp cực đoan nhất, vẫn không phải là biện pháp mang tính lâu dài. Gần đây nhất, các quốc gia tại các châu lục khác nhau đã bắt đầu ghi nhận những ca nhiễm đầu tiên, bao gồm một ca tại Vương quốc Bỉ, một ca tại Israel và 4 ca tại Hong Kong.

Trước nguy cơ xâm nhập của biến thể này vào lãnh thổ Việt Nam, chúng ta phải có những bước chuẩn bị thật kỹ, bao gồm:

- Biện pháp tạm thời: Hạn chế nhập cảnh với các nước có biến chủng đang lưu hành/có vị trí địa lý liền kề, bao gồm: Botswana, Eswatini, Lethoso, Mozambique, Namibia, Nam Phi, Zimbabwe, Hong Kong, Bỉ, Israel. Tiếp tục theo dõi và bổ sung vào danh sách trên nếu cần thiết. Những biện pháp này nên được duy trì đến khi chúng ta có đầy đủ hiểu biết về biến chủng này và ảnh hưởng đến hiệu lực của vaccine, hoặc hệ thống y tế đã đủ sẵn sàng đón một đợt bùng phát mới.

- Xây dựng hệ thống tầm soát các biến chủng lưu hành bằng cách giải trình tự gene hoặc thực hiện TaqPath ngẫu nhiên các mẫu bệnh phẩm được thu thập, kể cả với các mẫu bệnh phẩm trong nước hoặc nhập cảnh.

- Xây dựng chiến lược tiêm chủng toàn dân để phủ vaccine an toàn trong thời gian ngắn nhất, tiến tới tiêm mũi 3 cho các đối tượng có nguy cơ, bao gồm người trên 65 tuổi, nhân viên y tế, bệnh nền, đặc biệt là những người đã tiêm 2 mũi vaccine ngoài hai loại mARN được cấp phép.

- Củng cố hệ thống y tế tuyến cơ sở, gia tăng năng lực lấy mẫu cũng như năng lực xét nghiệm realtime RT-PCR để có thể trả kết quả trong vòng 24h từ khi lấy mẫu.

Mặc dù vẫn chưa hoàn toàn hiểu hết về cơ chế cũng như tác động của biến thể này đến diễn tiến của dịch bệnh, chúng ta phải luôn cảnh giác trước mọi nguy cơ xâm nhập của biến thể này vào đất nước, một lần nữa đặt gánh nặng khủng khiếp lên hệ thống y tế mỏng manh vẫn đang trong quá trình hồi phục của chúng ta.

Đối mặt với một đợt dịch gây ra do chủng Delta đã mang đến cho chúng ta quá nhiều tổn thất về nhân lực, vật lực, tinh thần và chúng ta tuyệt đối không thể để điều đó xảy ra một lần nữa, xóa bỏ hoàn toàn nỗ lực tiêm chủng vaccine của chúng ta trong thời gian vừa qua.

* Bộ Y tế lên phương án đối phó biến chủng Omicron ra sao?

Bộ Y tế cho biết, ngày 25/11, tại Việt Nam, qua giám sát dịch tễ của virus SARS-CoV-2 hiện chưa ghi nhận trường hợp mắc Covid-19 với biến chủng mới Omicron.

Để chủ động kiểm soát tình hình dịch Covid-19 trong nước và đồng thời ngăn chặn nguy cơ xâm nhập và lây lan của biến chủng mới Omicron vào nước ta từ các quốc gia đã ghi nhận và lây lan biến chủng mới, Bộ Y tế đã chỉ đạo hệ thống giám sát tăng cường giám sát dịch Covid-19 nhằm phát hiện sớm những dấu hiệu bất thường của các ổ dịch Covid-19.

Bộ cũng yêu cầu các Viện Vệ sinh dịch tễ/Pasteur chủ động thực hiện giải trình tự gen các trường hợp nghi ngờ nhiễm biến chủng mới, đặc biệt là những trường hợp có tiền sử dịch tễ về từ các quốc gia khu vực Nam Phi. Bộ Y tế cũng đã báo cáo và đề xuất Chính phủ xem xét chỉ đạo tạm dừng tổ chức các chuyến bay quốc tế đến và đi từ các quốc gia: Nam Phi, Botswana, Namibia, Zimbabwe, Eswatini, Lesotho, Mozambique và tạm dừng cấp phép nhập cảnh với hành khách đến/đi về từ các quốc gia trên.

Bộ Y tế sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với WHO và các Cơ quan đầu mối quốc gia thực hiện Điều lệ Y tế quốc tế để thông tin kịp thời về các biến chủng của virus SARS-CoV-2. Từ đó đưa ra các biện pháp phòng chống dịch phù hợp với diễn biến tình hình dịch.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét