Việt Nam có bề dày truyền thống mấy
nghìn năm lịch sử, trải qua nhiều cuộc chiến tranh, nhiều biến cố thăng trầm
nên kết tinh và lắng đọng được nhiều giá trị văn hóa tích cực, như truyền thống
yêu nước và lòng dũng cảm, khả năng thích ứng cao với sự thay đổi của hoàn cảnh,
sự khoan dung, tinh thần cộng đồng, sự nhân ái, lạc quan và hồn hậu, trọng
nghĩa tình, sự cần cù, siêng năng. Nền văn hóa hiện tại đang hướng đến việc kế
thừa các giá trị văn hóa truyền thống, đồng thời tiếp thu những giá trị mới, hướng
tới tương lai. Trong điều kiện mới, nền văn hóa Việt Nam có nhiều cơ hội để
phát triển, trong đó đáng chú ý là:
Một là, quá trình toàn cầu hóa và hội
nhập quốc tế giúp văn hóa Việt Nam có được cơ hội quảng bá rộng rãi trên thế giới. Văn
hóa Việt Nam phát triển trong bối cảnh công nghệ thông tin có những bước phát
triển như vũ bão, toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế cũng mở ra khả năng giao
lưu, hợp tác và phát triển toàn diện về văn hóa, nâng cao cơ hội quảng bá văn
hóa Việt Nam ra toàn thế giới. Khoa học - công nghệ, truyền thông đại chúng
phát triển mang đến cho người dân khả năng sáng tạo và thụ hưởng các sản phẩm
văn hóa mới nhanh chóng, hiệu quả và có tính tương tác cao.
Hai là, cuộc Cách mạng công nghiệp
lần thứ tư và nền kinh tế số tạo ra những thuận lợi cho sự phát triển văn hóa
Việt Nam, giúp chúng ta khai thác tiềm năng kinh tế của văn hóa trên môi trường
số. Công nghệ số, internet phát triển kéo theo khả năng tiếp cận các nội
dung văn hóa trở nên dễ dàng và không bị giới hạn bởi các đường biên giới quốc
gia, điều này cũng đòi hỏi sự khác biệt, độc đáo trong nội dung, ý tưởng của
các sản phẩm văn hóa như là một ưu thế cạnh tranh quan trọng. Các nước phát triển
trên thế giới đang chuyển nhanh sang nền kinh tế tri thức, kinh tế sáng tạo,
công nghệ số hóa và sự số hóa các nội dung văn hóa. Những thay đổi này đã đem lại
những cơ hội lớn về khả năng giảm thiểu chi phí sản xuất, góp phần tạo ra các
kênh phân phối, quảng bá sản phẩm mới, đòi hỏi những hành động nhạy bén và sự
thích ứng liên tục với sự thay đổi của môi trường. Sự chuyển đổi kỹ thuật số và
tinh thần kinh doanh đưa ra những cơ hội, khả năng và thách thức mới cho ngành
văn hóa về phương thức hoạt động.
Ba là, nền kinh tế thị trường định
hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta đã và đang tạo ra sự tích cực xã hội và tích cực
văn hóa cho người dân, là cơ hội thúc đẩy tinh thần tự quản, năng lực làm chủ của
nhân dân trong việc tổ chức các hoạt động và sáng tạo văn hóa. Người dân ngày
càng được khuyến khích tham gia vào các hoạt động xã hội và hoạt động văn hóa với
tư cách như những nhân tố chủ động, từ hoạch định đến đánh giá các vấn đề xã hội
và văn hóa, thậm chí là người đồng kiến tạo xã hội và văn hóa cùng với bộ máy
nhà nước. Yếu tố nội sinh của sự phát triển xã hội và văn hóa được tăng lên
cao, phần nào đó thể hiện vai trò tăng lên của người dân so với Nhà nước trong
nhiều vấn đề xã hội và văn hóa.
Bốn là, chủ trương hội nhập quốc tế
chủ động, tích cực, toàn diện của Đảng và Nhà nước tạo điều kiện cho văn hóa Việt
Nam hội nhập và phát triển. Trong bối cảnh toàn cầu hóa, với đường lối đa
phương hóa, đa dạng hóa quan hệ quốc tế, văn hóa Việt Nam có cơ hội thuận lợi để
tiếp thu tri thức, các nguồn lực và kinh nghiệm quản lý tiên tiến, tiếp thu
tinh hoa văn hóa nhân loại và sáng tạo những giá trị văn hóa mới. Đặc biệt,
công nghiệp văn hóa đang được định hướng là một trong những ngành trụ cột của
kinh tế. Kinh tế đang trên đà phát triển, đời sống nhân dân được cải thiện đã
hình thành nên một thị trường tiêu dùng/hưởng thụ văn hóa với nhu cầu ngày càng
lớn, là cơ sở quan trọng thúc đẩy văn hóa phát triển.
Sự phát triển văn hóa Việt Nam là nguồn lực nội sinh, là động lực phát triển bền vững đất nước. Vì vậy, cần tận dụng cơ hội để phát triển, đồng thời chủ động khắc phục những tồn tại, vượt qua được thách thức là cách thức tốt nhất để Việt Nam phát triển văn hóa, thực sự biến văn hóa trở thành động lực và mục tiêu cho sự phát triển đất nước.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét