Nhân Hội nghị Văn hóa toàn quốc do
Bộ Chính trị, Ban Bí thư tổ chức ngày 24/11/2021, trên các trang mạng xã hội, một
số đối tượng phản động, thù địch đã ra sức xuyên tạc, bóp méo quan điểm, chính
sách văn hóa và phát triển văn hóa của Đảng, Nhà nước ta. Chúng cố tình sử dụng
những tồn tại, hạn chế trong xây dựng, phát triển văn hóa ở nước ta thời gian
qua để phê phán chính sách văn hóa, phủ nhận thành tựu phát triển văn hóa ở Việt
Nam. Có kẻ còn hồ đồ cho rằng, chính sách văn hóa của Đảng, Nhà nước ta đã kìm
hãm sự phát triển của văn hóa. Đây là những luận điệu hoàn toàn sai trái, thực
chất nhằm phủ nhận vai trò của văn hóa đối với sự nghiệp cách mạng nói chung,
phát triển đất nước nói riêng; phủ nhận sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà
nước đối với quá trình xây dựng nền văn hóa Việt Nam.
Thực thế là, suốt quá trình lãnh đạo
cách mạng, nhận thức của Đảng về văn hóa ngày càng toàn diện, đầy đủ và
sâu sắc hơn. Từ ngày thành lập đến nay, Đảng ta luôn coi trọng vai trò của văn
hóa và hết sức quan tâm đến công tác xây dựng văn hóa trong sự nghiệp đấu tranh
giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước. Đảng ta luôn xác định, xây dựng văn
hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội
sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững đất nước và bảo vệ vững chắc Tổ
quốc vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Trên cơ sở nhất quán với quan điểm về văn hóa
và xây dựng nền văn hóa Việt Nam từ các Đại hội trước, đến Đại hội lần thứ XIII,
Đảng ta tiếp tục khẳng định: Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục
tiêu, động lực phát triển bền vững đất nước. Văn hóa phải được đặt ngang hàng với
kinh tế, chính trị, xã hội. Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản
sắc dân tộc, thống nhất trong đa dạng của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, với
các đặc trưng dân tộc, dân chủ, khoa học và nhân văn. Phát triển văn hóa vì sự
hoàn thiện nhân cách con người và xây dựng con người để phát triển văn hóa.
Trong xây dựng văn hóa, trọng tâm là chăm lo xây dựng con người có nhân cách, lối
sống tốt đẹp, với các đặc tính cơ bản: yêu nước, đoàn kết, dũng cảm, tài trí, cần
cù, nhân ái, nghĩa tình, hòa hiếu, khoan dung. Xây dựng đồng bộ môi trường văn
hóa, trong đó chú trọng vai trò của gia đình, cộng đồng. Phát triển hài hòa giữa
kinh tế và văn hóa; cần chú ý đầy đủ đến yếu tố văn hóa và con người trong phát
triển kinh tế. Xây dựng văn hóa trong Đảng, cơ quan Nhà nước và cả hệ thống
chính trị để tạo động lực, niềm tin và lan tỏa mạnh mẽ trong nhân dân. Xây dựng
và phát triển văn hóa là sự nghiệp của toàn dân do Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản
lý, nhân dân là chủ thể sáng tạo, đội ngũ trí thức giữ vai trò quan trọng.
Thực hiện quan điểm, chính sách văn hóa của Đảng, công tác văn hóa đã đạt được những thành tựu quan trọng, trực tiếp góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam thấm nhuần tinh thần dân tộc, dân chủ, khoa học và nhân văn, hướng con người Việt Nam đến chân - thiện - mỹ. Tất nhiên, bên cạnh những thành tựu, công tác này cũng không tránh khỏi những tồn tại, hạn chế, do nhiều yếu tố khách quan và chủ quan. Đảng ta đã thẳng thắn nhìn nhận, kiên quyết khắc phục, tạo chuyển biến tiến bộ trong công tác này. Mà việc tổ chức Hội nghị Văn hóa toàn quốc là một hoạt động có ý nghĩa thiết thực nhằm thống nhất về nhận thức, tư tưởng và hành động, thể hiện rõ sự quyết tâm cao của toàn Đảng, toàn dân, của các cấp, các ngành trong chấn hưng nền văn hóa Việt Nam, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ cách mạng trong thời kỳ mới. Vì vậy, mọi luận điệu phủ nhận vai trò của văn hóa, cố tình xuyên tạc quan điểm, chính sách đúng đắn của Đảng, Nhà nước ta đối với xây dựng và phát triển văn hóa Việt Nam là hoàn toàn sai trái, cần kiên quyết bác bỏ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét