Có lên chức, ắt hẳn phải có từ chức là chuyện hết sức bình thường trong
công tác cán bộ. Ấy vậy mà ở nước ta trong mấy thập niên gần đây, việc cán bộ tự
nguyện từ chức lại là câu chuyện hiếm, có tính chất bất thường.
Từ chức - "quý" và "hiếm"!
Cách đây hơn một năm, dư luận xôn xao trước thông tin đồng chí Lê Viết Chữ,
Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi và đồng chí Trần Ngọc Căng, Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch
UBND tỉnh Quảng Ngãi, cùng viết đơn gửi Bộ Chính trị, Ban Bí thư xin thôi giữ
chức vụ do nguyện vọng cá nhân và nhằm tạo điều kiện để kiện toàn công tác nhân
sự cho Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi nhiệm kỳ 2020-2025 (tổ chức vào tháng
10-2020).
Lý do được đưa ra là vậy, nhưng thực tế lại hoàn toàn khác. Trước đó,
ngày 16-6-2020, Bộ Chính trị quyết định thi hành kỷ luật ông Lê Viết Chữ bằng
hình thức cảnh cáo, Ủy ban Kiểm tra Trung ương quyết định thi hành kỷ luật bằng
hình thức cảnh cáo đối với ông Trần Ngọc Căng do những sai phạm mà hai vị cán bộ
này gây ra. Thế nhưng, kỳ lạ ở chỗ, vẫn có không ít ý kiến hoan nghênh, khen ngợi
hành động viết đơn từ chức của các vị cán bộ này.
Theo Đại tá, PGS, TS Đỗ Duy Môn, Khoa Tâm lý học quân sự, Học viện Chính
trị (Bộ Quốc phòng), sở dĩ xã hội vẫn có sự tán dương là bởi dù gì đi nữa thì
những cán bộ kia vẫn còn đủ can đảm để viết đơn xin từ chức khi biết mình có lỗi
trước tổ chức và nhân dân. Điều này khác xa với nhiều cán bộ, đảng viên dẫu có
vi phạm kỷ luật nghiêm trọng, dẫu chịu nhiều điều tiếng xã hội, nhưng vẫn chọn
cách im lặng né tránh dư luận, rồi tìm mọi cách cố thủ, cốt để tại vị.
Những năm qua, hàng loạt cán bộ cao cấp của Đảng, Nhà nước vi phạm nghiêm
trọng kỷ luật Đảng, pháp luật Nhà nước đã bị xử lý nghiêm minh... Ở phạm vi
toàn Đảng và hệ thống chính trị, tính trong nhiệm kỳ Đại hội XII, cấp ủy các cấp
kiểm tra hơn 264.000 tổ chức đảng và hơn 1,1 triệu đảng viên; ủy ban kiểm tra
các cấp kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với hơn 15.900 tổ chức đảng và hơn
47.700 đảng viên. Qua kiểm tra, cấp ủy các cấp thi hành kỷ luật hơn 1.300 tổ chức
đảng và 69.600 đảng viên; ủy ban kiểm tra các cấp thi hành kỷ luật 17.610 đảng
viên... Thế nhưng đáng suy nghĩ là nhiều người đứng đầu cơ quan, đơn vị liên
quan vẫn bình an trước những sự vụ, sự việc, vụ án mà đáng ra họ có trách nhiệm
liên đới.
Dư luận cho rằng, trước một thực trạng đáng lo ngại về tệ tham ô, tham
nhũng, suy thoái, biến chất về tư tưởng, đạo đức, lối sống và các biểu hiện “tự
diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ như thời gian qua, mà không thấy cán bộ
nào tự giác từ chức nên người dân sinh ra lo ngại, cảm nhận được vấn đề bất thường
của phần việc vốn được cho là bình thường trong công tác cán bộ.
Những người vi phạm kỷ luật không từ chức có lẽ là bởi tâm lý sợ pháp luật,
sợ dư luận phỉ báng, khinh rẻ. Họ cố thủ, cố “giữ ghế” vì nhiều lý do khác nhau,
bởi bản chất vốn dĩ của họ cũng chả tốt đẹp gì. Vậy tại sao cán bộ tốt, cán bộ
có tư cách trong Đảng lại không thể từ chức, chưa thực hành từ chức vì lợi ích
chung? Phải chăng ở Việt Nam, văn hóa từ chức chưa được hình thành trên thực tế.
Những câu hỏi nêu trên thật khó trả lời. Khó không phải vì không có đáp
án rõ mười mươi, mà khó vì sự tế nhị trong cách trả lời. Ở Việt Nam, ít thấy
cán bộ từ chức, trong khi không ít cán bộ gần tuổi nghỉ hưu, không đủ tiêu chí
giữ cương vị trong nhiệm kỳ mới, nhưng vẫn cố tình "vận động" để được
kéo dài. Lý do mà họ đưa ra là vì "khát vọng tiếp tục cống hiến",
"vì muốn lo toan cho cấp dưới và vì sợ thế hệ kế cận, kế tiếp chưa thật sự
đủ độ chín để cáng đáng vị trí công tác quan trọng". Chỉ nghe về những cán
bộ dù không vi phạm kỷ luật, nhưng uy tín thấp, năng lực kém, hiệu quả hoạt động
ở lĩnh vực, cơ quan, đơn vị phụ trách đạt kết quả chưa đáp ứng yêu cầu, nhưng vẫn
bằng mọi giá giữ ghế, tại vị bằng nhiều lý do khác nhau, dư luận đã dâng trào
những đợt sóng bất bình, lên án.
Có một điểm cần nói nữa là trong hệ thống chính trị thường chỉ mặc định
việc từ chức là của lãnh đạo, cán bộ chủ trì, chủ chốt, chứ đội ngũ cán bộ,
nhân viên thì lại không hề được nhắc tới. Trong khi có hàng vạn cá nhân khoác
lên mình bộ trang phục công sở, gắn mác công chức vẫn "sáng đi, chiều về,
đến tháng lĩnh lương", không đóng góp được gì cho tổ chức, thậm chí còn “rảnh
rỗi sinh nông nổi”, kéo bè kéo cánh, gây mất đoàn kết trong tập thể... Ấy vậy
mà chẳng thấy ai ngượng ngùng trước Đảng, trước dân, vẫn bám trụ cho bằng được
cái vị trí công chức dù Trung ương và các cấp đang quyết liệt tinh giản biên chế,
thải loại cán bộ kém và yếu.
Vậy nên, việc từ chức của cán bộ hiện nay vẫn được cho là “quý” và “hiếm”.
Quý là bởi từ chức là hành vi văn hóa của cán bộ mà Đảng, Nhà nước và toàn xã hội
đang mong được chứng kiến nhiều hơn, nhằm kết nên “văn hóa từ chức” mà chúng ta
đang ở điểm xuất phát ban đầu; “hiếm” là bởi nó diễn ra quá lẻ tẻ, ít ỏi đến độ
bất thường!
Trái với quy luật
Thực tế nêu trên quả là chuyện bất bình thường trong việc bình thường của
quy luật tự nhiên, xã hội và tư duy. Chuyện "có xuống-có lên, có vào-có
ra" là lẽ đương nhiên của cuộc sống và nhất là trong công tác cán bộ. Hôm
nay anh tốt, có năng lực thì được tin tưởng phó thác nhiệm vụ cao hơn; ngày mai
không phù hợp, hoặc thấy bản thân không thể cáng đáng thì xin xuống, để rèn luyện,
phấn đấu, làm công việc phù hợp với trình độ, năng lực của mình, miễn là có ích
cho xã hội. Ấy nhưng hình dạng phát triển theo “hình trôn ốc”, đúng với quy luật
“phủ định của phủ định” trong phát triển như chính các nhà lý luận Mác-xít đúc
rút lại không hiện hữu trong công tác cán bộ ở Việt Nam.
Nói như thế để thấy, chỉ ở nước ta mới có kiểu phát triển cán bộ theo “đường
tiến lên duy nhất” là chủ yếu. Khi một người dừng lại, hoặc “ôm ghế” thì kéo
theo là cả bộ máy bên dưới ì ạch, giậm chân tại chỗ, khó có thể "vượt mặt".
Trong khi, ở nhiều nước trên thế giới, việc từ chức của cán bộ quan chức thường
diễn ra phổ biến, thường xuyên. Vào đầu tháng 10-2021, Thủ tướng Áo Sebastian
Kurz thông báo từ chức, hay trước đó, cựu Thủ tướng Italy Giuseppe Conte, cựu
Thủ tướng Malaysia Muhyiddin Yassin hay cựu Thủ tướng Thụy Điển Stefan Lofven
đã có các quyết định tương tự... Ở Nhật Bản, không ít người rất ngạc nhiên khi
biết rằng, chỉ trong vòng 21 năm qua, Nhật Bản đã có tới 10 vị thủ tướng khác
nhau. Trong số đó, chỉ có ông Abe Shinzo và ông Junichiro Koizumi là hai vị thủ
tướng làm hết một nhiệm kỳ (3 năm), trong khi hầu hết các vị khác chỉ tại nhiệm
được trên dưới một năm.
Trong lịch sử dân tộc Việt Nam cũng có không ít bậc hiền tài quyết liệt từ
quan, từ chức, trở thành tấm gương sáng cho muôn đời sau, như: Chu Văn An, Nguyễn
Trãi, La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Công Trứ... Đó là
những bậc hiền tài sáng ngời về đạo đức, được sử sách ghi lại một cách trung thực
bằng sự kính trọng, suy tôn.
Thời đại Hồ Chí Minh, trong Đảng ta cũng đã có nhiều cán bộ, đảng viên
cao cấp xin rút khỏi (từ chức) các cơ quan lãnh đạo cấp cao sau khi phạm sai lầm
trong công tác quản lý, trở thành tấm gương sáng trong việc nêu gương của cán bộ.
Ví như, sau những sai lầm nghiêm trọng trong cải cách ruộng đất được kết luận,
đồng chí Hoàng Quốc Việt đã xin rút khỏi Bộ Chính trị, đồng chí Hồ Viết Thắng
xin rút khỏi Ban Chấp hành Trung ương và đặc biệt, đồng chí Trường Chinh xin từ
chức Tổng Bí thư của Đảng...
Vậy đấy. Nhìn ra thế giới nhận thấy các nước bạn đều đề cao văn hóa từ chức;
trước đây thế hệ cha anh cũng làm được điều này, vậy tại sao thời gian qua và ở
thời điểm hiện tại, đội ngũ cán bộ, đảng viên chưa làm được, chưa chủ động, tự
giác từ chức, thậm chí là không dám từ chức. Đây quả là vấn đề bất thường trong
cái bình thường, cần phải được xem xét một cách đồng bộ, toàn diện để có những
giải pháp vận hành công tác cán bộ đúng với quy luật khách quan!
Nguồn: qdnd.vn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét