Ngày 16/11/2021, Ban
Tuyên giáo Trung ương và Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật tổ chức Lễ ra
mắt cuốn sách “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường
đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam – Dư luận trong nước và quốc tế về bài viết
của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng” (cuốn sách về bài viết của Tổng Bí thư). Ngay
sau đó, mạng xã hội xuất hiện những thông tin xuyên tạc, bôi nhọ cuốn sách về
bài viết của Tổng Bí thư; mà một trong số đó là bài viết “Nguyễn Phú Trọng rút
cả tỉ đồng từ ngân sách quốc gia ra tập sách mới để làm gì?” của Âu Dương Thệ
đăng trên Danlambao ngày 22/11/2021.
Một là, trong bài viết
này, Âu Dương Thệ đã không chỉ bịa đặt, xuyên tạc nội dung, ý nghĩa bài viết “Một
số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ
nghĩa xã hội ở Việt Nam” (bài viết), ngày 16/5/2021, bẻ cong sự thật cuốn sách
về bài viết của Tổng Bí thư ngày 16/11/2021, mà còn bôi nhọ người đứng đầu Đảng
Cộng sản Việt Nam khi cho rằng trong khi ngân sách nhà nước “đang cạn kiệt, phải
hủy bỏ tăng lương cho công nhân viên” thì việc trích hàng tỷ đồng trong ngân
sách để in, phát hành và tuyên truyền cổ động cuốn sách này là “lấy tiền của
dân mua thuốc độc và bắt dân uống”; là “để thần thánh hóa Nguyễn Phú Trọng”.
Thực tế là, không chỉ với
bài viết này và cuốn sách này, mà mỗi khi các phần tử phản động, cơ hội đu theo
trend của các thế lực thù địch kêu gào chống phá Đảng Cộng sản Việt Nam, chế độ
xã hội chủ nghĩa đang xây dựng ở Việt Nam thì những luận điệu phản động thường
thấy chính là phê phán chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh- nền tảng tư
tưởng của Đảng; phê phán sự lựa chọn con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, gắn độc
lập dân tộc với chủ nghĩa xã hội của Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhân dân Việt
Nam; bôi nhọ vai trò cầm quyền/độc quyền lãnh đạo sự nghiệp cách mạng của Đảng
là “độc tài”, là “toàn trị”…
Cho nên, bài viết này của
Âu Dương Thệ cũng không ngoài những tiếng kêu rên ỉ ôi đã cũ như: Dù chủ nghĩa
cộng sản “đã bị phá sản ở ngay Liên xô và các nước đông Âu từ trên 30 năm,
nhưng Nguyễn Phú Trọng vẫn ca ngợi học thuyết sai lầm và vô nhân đạo Marx-
Lenin” và Tổng Bí thư “gồng mình ca ngợi chế độ độc tài toàn trị ở VN trong
khuôn mẫu Xã hội chủ nghĩa do chính ông cầm đầu hiện nay; trong đó trước sau
ĐCS vẫn độc quyền, đàn áp những người khác chính kiến” là để cố minh chứng rằng,
“các lãnh vực nhân quyền, dân chủ, tự do và đời sống vật chất cao của đại đa số
nhân dân các xã hội DÂN CHỦ ĐA NGUYÊN” trong các nước tư bản chủ nghĩa hơn hẳn
các nước xã hội chủ nghĩa nói chung, ở Việt Nam nói riêng.
Không dừng ở đó, Âu Dương
Thệ còn kích động lòng dân khi cho rằng việc Tổng Bí thư khẳng định: “Đi lên chủ
nghĩa xã hội là khát vọng của nhân dân ta, là sự lựa chọn đúng đắn của Đảng Cộng
sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, phù hợp với xu thế phát triển của lịch sử”
trong bài viết là “tiếp tục muốn cho nhân dân ăn bánh vẽ!”; là “cứ nhắm mắt đi
tìm thiên đàng XHCN, nhưng không biết nó ở đâu, như thế nào và bao giờ tới!”.
Theo Âu Dương Thệ, thì chủ nghĩa xã hội đã bị phá sản từ thế kỷ XX, nên con đường
mà nhân dân Việt Nam đang đi, cái đích mà dân tộc Việt Nam hướng đến là “mù tịt”;
trong khi đó, nhân dân Việt Nam lại “không biết Thiên đàng nằm ở đâu và người
chỉ đường lại không biết coi bản đồ!”.
Kiểu nói lấy được theo
quan điểm của những người “cuồng” chủ nghĩa tư bản này chả có gì lạ! Bởi với những
phần tử này, với những người ăn theo “bả” dân chủ phương Tây này thì dường như
họ chưa bao giờ thừa nhận sự ưu việt của chủ nghĩa xã hội và xu thế phát triển
tất yếu của nhân loại chính là chủ nghĩa cộng sản (mà chủ nghĩa xã hội là giai
đoạn đầu). Vì thế, trong họ chỉ có và nhất định phải là đa nguyên chính trị, đa
đảng đối lập; phải thực thi xã hội dân sự thì mới có tự do và dân chủ thực sự;
đồng thời, chỉ có tự do ứng cử và bầu cử không theo quy định của Hiến pháp và
pháp luật Việt Nam/không theo đúng Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội
đồng nhân dân năm 2015 của Việt Nam mới là dân chủ. Và cũng vì thế, Âu Dương Thệ
đã bẻ cong sự thật khi cho rằng bầu cử Quốc hội khóa XV ở Việt Nam không dân chủ,
bởi đó là “đảng cử dân bầu, dân chủ cuội, chỉ tốn tiền bạc của nhân dân. Nó chỉ
phản ảnh cách độc diễn của chế độ độc đảng từ ngay trong các Đại hội Đảng, chỉ
những người có quyền lực muốn độc quyền tiếp”.
Hai là, cuốn sách về bài
viết của Tổng Bí thư xuất bản sau bài viết “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn
về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” đúng nửa
năm. Trong cuốn sách này, ngoài bài viết của Tổng Bí thư còn có 162 bài viết,
trả lời phỏng vấn của nhiều nhà khoa học, chính khách… ở trong và ngoài nước. Lần
theo 824 trang của cuốn sách đó, người công tâm và khách quan nhất đều thấy, dù
tiếp cận ở chiều cạnh nào thì đó cũng đều là những ý kiến đánh giá đúng đắn,
xác thực về những vấn đề mà Tổng Bí thư đã trình bày như lý luận về chủ nghĩa
xã hội, giá trị và tính ưu việt của chủ nghĩa xã hội so với chủ nghĩa tư bản;
thực hiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa để vừa phát triển kinh
tế thị trường vừa thực hiện công bằng xã hội, lấy con người là trung tâm; con
đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam; mối quan hệ giữa lý luận và thực tiễn
xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam…
Hơn nữa, 162 bài viết đó
được chọn lọc từ các bài viết, các ý kiến, bình luận của cán bộ, đảng viên, đồng
bào dân tộc thiểu số, tôn giáo, các nhà nghiên cứu, nhà ngoại giao, trí thức,
văn nghệ sĩ, kiều bào và các nhà hoạt động chính trị ở nước ngoài về bài viết của
Tổng Bí thư đã được đăng tải trên các phương tiện truyền thông tin đại chúng…
Những ý kiến đó cho thấy giá trị khoa học và khách quan trong từng vấn đề mà Tổng
Bí thư đã trình bày, cho nên đó không phải là “bệnh cuồng tín” chủ nghĩa xã hội.
Đồng thời, càng không phải rằng, những bài viết trong cuốn sách “đều do những
thuộc hạ trong nước đội danh khoa bảng và một số đảng viên các đảng Cộng sản và
cảm tình ở nước ngoài” tung hô; và “tinh thần cầu thị và khoa học đã bị người cầm
đầu và kẻ dưới quyền dập nát để thay thế cho đạo đức giả, bệnh cao ngạo và xu nịnh!”
như Âu Dương Thệ quy chụp và xúc phạm Tổng Bí thư.
Thực tế, cuốn sách về bài
viết của Tổng Bí thư không chỉ cung cấp cho những người quan tâm nghiên cứu về
chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam; làm sâu sắc
hơn Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng mà còn là định hướng quan trọng giúp cán bộ,
đảng viên và các tầng lớp nhân dân hiểu rõ để quán triệt và tiếp tục kiên định
mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội mà Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và
nhân dân ta đã chọn từ thập niên 1930. Việc công bố bài viết ngày 16/5/2021 của
Tổng Bí thư là minh chứng cho thấy con đường phát triển của Việt Nam và sự kiên
định con đường đã chọn là quyết định đúng đắn. Việc xuất bản cuốn sách về bài
viết của Tổng Bí thư ngày 16/11/2021 là sự khẳng định giá trị lý luận và khoa học
về bài viết của Tổng Bí thư; đồng thời cũng cho thấy sự kiên định và sáng tạo của
Việt Nam trên con đường đi lên chủ nghĩa xã hội. Cho nên, khi Âu Dương Thệ cho
rằng Tổng Bí thư “thích nghe nịnh hót, tự tâng bốc” và “lợi dụng quyền hành” để
“bắt các nhà khoa bảng trong các viện gọi là “khoa học” và các nhà báo dưới quyền
phải giày xéo lương tâm, phải uốn cong ngòi bút viết bài ca ngợi” bài viết của
mình thì đó chính là sự quy chụp vô lương tri và xúc phạm nhân cách người đứng
đầu Đảng Cộng sản Việt Nam.
Ba là, cần phải khẳng
định với Âu Dương Thệ rằng: Việt Nam lựa chọn đi lên chủ nghĩa xã hội được khẳng
định từ Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam (2/1930). Kiên
định sự lựa chọn đó, nhân dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng và các Tổng Bí
thư của Đảng đã giành được những thắng lợi có ý nghĩa lịch sử; đã đưa dân tộc
Việt Nam từ một đất nước bị đắm chìm trong đêm trường nô lệ trở thành một quốc
gia xã hội chủ nghĩa hòa bình, độc lập, tự do, ngày một phát triển bền vững. Sự
lựa chọn đúng đắn này không chỉ phù hợp yêu cầu, nguyện vọng của nhân dân Việt
Nam, khẳng định ý nghĩa lịch sử, vai trò của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với việc
tìm ra con đường cứu nước đúng đắn cho dân tộc mà còn cho thấy giá trị có ý
nghĩa thời đại của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, của hai cuộc kháng chiến chống
thực dân Pháp và chống Mỹ, cứu nước, của sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc Việt
Nam xã hội chủ nghĩa trong tiến trình phát triển.
Đồng thời, vẫn phải nhắc lại với Âu Dương Thệ rằng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và cả Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chưa bao giờ “tự đề cao mình” bằng cách viết sách và “bắt người khác” viết về mình. Vì thế, những luận điệu Âu Dương Thệ bôi đen sự thật, xuyên tạc bài viết và cuốn sách về bài viết của Tổng Bí thư chỉ khiến nhân dân Việt Nam thêm một lần hiểu rõ bản chất phản động của người viết, để càng tin tưởng hơn và kiên định hơn trên con đường đi lên chủ nghĩa xã hội dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét