Việt Nam nói chung và Đảng
Cộng sản Việt Nam nói riêng phải phân tích kỹ quá trình sụp đổ của Liên Xô. Đó
là ý kiến của ông Grigory Trofimchuk, chuyên gia Nga trong lĩnh vực chính sách
đối ngoại, quốc phòng và an ninh, Chủ tịch Hội đồng Chuyên gia Quỹ nghiên cứu
Á-Âu, khi trả lời phỏng vấn Báo Quân đội nhân dân Điện tử nhân sự kiện 30 năm
ngày thông qua tuyên bố chấm dứt sự tồn tại của Liên Xô (26-12-1991/
26-12-2021).
Phóng viên (PV): Nhiều ý
kiến cho rằng, chính dân chủ phương Tây, chủ nghĩa dân tộc và việc phá hoại
quân đội là những nguyên nhân khiến Liên Xô sụp đổ. Ông có nhận định như thế
nào về ý kiến này?
Chuyên gia Trofimchuk: Có
hai yếu tố chính dẫn đến sự sụp đổ của Liên Xô. Yếu tố thứ nhất, đó là con người,
khi Mikhail Gorbachev trở thành Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng
sản Liên Xô, người không phù hợp với vị trí như vậy. Yếu tố thứ hai là sự phổ
biến của lối sống phương Tây trong dân chúng, gồm thời trang, âm nhạc, hàng
tiêu dùng…
Ngày nay, một số chuyên
gia kinh tế cho rằng, Liên Xô dường như sụp đổ là do giá dầu thấp. Điều này
không đúng, bởi nền kinh tế Liên Xô được xây dựng theo cách mà nó không quá phụ
thuộc vào những nguyên liệu thô bán ra nước ngoài.
Chủ nghĩa dân tộc nở rộ
khi cơ cấu và sức mạnh của Liên Xô bắt đầu sụp đổ một cách rõ ràng. Đó là nhiều
phần tử cực đoan nhận thấy mọi thứ đều có thể xảy ra, kiểm soát xã hội bị suy yếu
và ảnh hưởng chính quyền trung ương sụt giảm mạnh. Mọi việc bắt đầu từ những cuộc
nổi lên của người Tatar ở Crimea và làn sóng bất bình ở Kazakhstan liên quan đến
việc bổ nhiệm một người dân tộc Nga giữ chức vụ đứng đầu Cộng hòa Crimea.
Sau đó, Karabakh “nổ
tung”, mà trên thực tế nó đã làm nổ tung lan ra cả nước. Hơn nữa, chuỗi biểu
tình toàn quốc này không thể dừng lại được nữa. Tiếp đó diễn ra theo dây chuyền
các cuộc đấu tranh mang sắc thái dân tộc ở các nước cộng hòa vùng Baltic,
Gruzia, Transnistria, nội chiến ở Tajikistan…
Trong khi đó, Mikhail
Gorbachev ngay từ đầu tỏ ra mình như “người ngoài cuộc”, không liên quan gì đến
những cuộc đụng độ đang diễn ra ở các nước cộng hòa. Chính điều này càng làm
kích động thêm những diễn biến tiêu cực, kích động lòng hận thù lan rộng. Khi
có ý kiến cho rằng, Gorbachev dường như đã có kế hoạch cải tổ, thì điều này
cũng không phù hợp với thực tế, vì hệ thống dưới thời ông ta đã bắt đầu sa sút,
trong khi ông ta đã tự ý áp dụng một số giải pháp.
Về vấn đề hệ tư tưởng, tức
là dân chủ, công khai hóa và cải tổ, thì đó là một chủ đề riêng biệt. Chính vì
điều này mà rất nhiều người dân Liên Xô trong nhiều thập kỷ sau đó đã căm ghét
thuật ngữ “dân chủ”, cho rằng nó liên quan trực tiếp với những kẻ đã làm sụp đổ
một cường quốc rộng lớn, những kẻ không đem lại điều gì bình thường và đã cướp
bóc những thứ còn sót lại của đất nước. Đối với hàng chục triệu người dân, những
“nhà dân chủ” tượng trưng cho sự sụp đổ.
Quân đội và các cơ quan sức
mạnh đã hiểu tất cả và cố gắng ngăn chặn sự sụp đổ vào tháng 8-1991. Tuy nhiên,
người dân của đất nước đang trên đà tan rã lúc đó đã chống lại họ với lập luận
rằng, những cơ quan đó bảo vệ chế độ cũ kỹ, lỗi thời, trong khi phía trước là một
nền dân chủ tỏa sáng và là lối thoát khỏi “bức màn sắt”. Thậm chí khi đó còn
không ai hiểu, không thể hình dung được nền dân chủ phương Tây sẽ mang lại điều
gì trên thực tế.
PV: Ông có suy nghĩ như
thế nào về những sai lầm trong việc quản lý văn hóa - tư tưởng và báo chí, cũng
như về việc bỏ dạy học chủ nghĩa Mác-Lênin trong nhà trường, bởi những điều này
cũng đã góp phần đáng kể khiến Liên Xô tan rã?
Chuyên gia Trofimchuk: Bộ
máy tuyên truyền của Liên Xô luôn từng là một trong những bộ máy mạnh nhất trên
thế giới, cũng như trong lịch sử nhân loại nói chung. Đây là một thực tế không
thể chối cãi và được công nhận rộng rãi.
Tuy nhiên, công tác tuyên
truyền cũng cần phải thay đổi theo thời gian, theo nhu cầu từng giai đoạn,
trong đó có thực trạng và sự phát triển văn hóa đại chúng ở phương Tây. Chẳng hạn,
nếu Liên Xô không ngăn cấm dòng nhạc mới và thời trang, mà ngược lại, nên củng
cố và phát triển xu hướng này, thì Liên Xô đã cho thấy rằng, không chỉ trong ngành
không gian vũ trụ, mà còn trong những lĩnh vực này họ là nước tiên phong trên
thế giới.
Liên Xô lẽ ra phải đi đầu
trong mọi lĩnh vực, bởi chế độ của nó được coi là đã ở thời kỳ tốt nhất vào thời
điểm đó. Chẳng hạn, trong những thập niên từ 1960 đến 1980, nước này đã sản xuất
những bộ phim hay nhất được đưa vào quỹ văn hóa thế giới vàng.
Thậm chí ngày nay, nhiều
người say sưa xem những bộ phim này, có người còn xem đi xem lại rất nhiều lần.
Nhưng cuối cùng, thời trang và âm nhạc phương Tây đã lấn át mọi thứ. Đối với
thiếu niên Liên Xô, việc nghe nhạc trong nước hay đi dạo trong trang phục Liên
Xô là mất thể diện.
Nói đến tư tưởng chính trị,
thì phải công nhận rằng, lãnh đạo Liên Xô cũng đã cố gắng quan tâm đến mong muốn
thực sự của người dân. Chẳng hạn, dưới thời Tổng bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô
Leonid Brezhnev, hình ảnh của Stalin đã xuất hiện trong các tác phẩm văn học
nghệ thuật, đặc biệt là trong các bộ phim, và điều này đã gây ấn tượng mạnh.
Nhưng về tổng thể thì hệ
thống này đã bị hủy hoại bởi một điều mà không ai ngờ tới, đó là sự qua đời của
3 Tổng bí thư liên tiếp chỉ trong vòng 3 năm, gồm Brezhnev, Andropov và
Chernenko. Và sau đó thì xuất hiện Mikhail Gorbachev. Nhưng điều đã xảy ra thì
không thể thay đổi được nữa, vì không ai có thể trở về quá khứ.
Học thuyết Mác-Lênin nhất
định phải được phát triển có tính đến những thay đổi diễn ra trên thế giới,
nhưng hiện không ai làm điều này và cũng không có những nhà tư tưởng như vậy để
làm. Nhưng Lênin vẫn không ở lại phía sau chúng ta, mà là đang ở phía trước. Rồi
thời đại của Người chắc chắn sẽ quay trở lại sau bao năm bị lãng quên, cố tình
im lặng về nhân vật vĩ đại nhất trong lịch sử nước Nga này.
PV: Việt Nam cần rút ra
những bài học gì cho mình từ sự kiện Liên Xô sụp đổ, thưa ông?
Chuyên gia Trofimchuk: Việt
Nam nói chung và Đảng Cộng sản Việt Nam nói riêng phải phân tích kỹ quá trình sụp
đổ của Liên Xô. Nhưng điều quan trọng nhất là phải rút ra được bài học chính
xác nhất về nguyên nhân thực sự dẫn đến sự sụp đổ của cường quốc vĩ đại, đất nước
từng có gần một thế kỷ đi đầu về hệ tư tưởng tiên tiến nhất thế giới. Vấn đề
chính ở đây là công tác nhân sự, là những con người cụ thể nắm giữ các vị trí
lãnh đạo.
Khi nhà nước không tìm kiếm,
không chuẩn bị kỹ đội ngũ cán bộ, cũng không chú trọng đến yếu tố quan trọng nhất
là con người trong bộ máy của mình, thì chắc chắn nhà nước đó sẽ bị hủy hoại.
Thậm chí sẽ còn tệ hơn nữa, khi những người cơ hội bằng cách nào đó ngồi vào những
vị trí cấp cao.
Ngạn ngữ Nga có câu: “Cha
đạo thế nào, giáo xứ thế đó”, hay “Người đánh cá từ xa đã nhận ra nhau”. Câu ngạn
ngữ này ý nói là, người ở vị trí cao sẽ luôn chọn những người tương tự mình.
Đây là bài học lớn và nghiêm khắc nhất mà Việt Nam cần rút ra. Cần phải có chế
tài nghiêm khắc cho những ai không xứng đáng với sự tín nhiệm dành cho anh ta.
Với những việc làm do chính bàn tay mình tạo ra, thì Gorbachev đã không xứng
đáng với lịch sử và nhân dân. Những việc làm đó đi ngược lại mọi chuẩn mực cơ bản
về đạo đức và trách nhiệm, mà trước hết là trong xã hội Nga.
Hiện Việt Nam đứng trước
trọng trách lịch sử to lớn, đó là phải chứng tỏ được rằng, sự sụp đổ của Liên
Xô không liên quan gì đến hệ tư tưởng và cũng hoàn toàn không phải vì hệ tư tưởng
mà dẫn đến sự sụp đổ đó.
PV: Xin cám ơn ông về cuộc
phỏng vấn này!
QUỐC KHÁNH (thực hiện)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét