Thứ Hai, 6 tháng 12, 2021

NHÌN THẲNG - NÓI THẬT: BỆNH HÌNH THỨC TRONG KIỂM TRA

Vào những tháng cuối năm thường có nhiều đoàn cấp trên đến kiểm tra cấp dưới. Thời bao cấp, nhiều người dân và một bộ phận cán bộ, nhân viên cấp dưới cảm thấy ám ảnh khi nghe tin có đoàn kiểm tra cấp trên đến địa phương, cơ sở mình.

Bởi, mỗi khi cấp trên đến kiểm tra, cấp dưới không chỉ lo lắng ngày đêm chuẩn bị văn bản báo cáo cho "ra môn ra khoai" mà còn phải nháo nhào chạy đi chạy lại lo ăn ở chu đáo cho thượng cấp. Trong tâm lý của cấp dưới, nếu không ứng xử mặn mà, hậu hĩnh khi cấp trên đến kiểm tra thì nguy cơ bị “vạch lá tìm sâu”, khui ra khuyết điểm nhiều hơn ưu điểm là nhãn tiền. Thế nên, trong dân gian mới truyền tai nhau bài thơ trào phúng nghe mà ai oán: “Bộ về, thì tỉnh mổ trâu/ Tỉnh lên, bộ hỏi đi đâu thế này?/ Tỉnh về, thì huyện giết cầy/ Huyện lên, tỉnh hỏi chú mày đấy a?/ Huyện về, thì xã thịt gà/ Xã lên, huyện hỏi bỏ nhà đi đâu?”.

Xã hội văn minh lên từng ngày, những năm gần đây, công tác kiểm tra của cấp trên đối với cấp dưới ngày càng đi vào nền nếp, thực chất hơn. Nhiều nơi, cấp dưới cũng không còn tâm lý quá lo ngại, sợ sệt khi cấp trên đến kiểm tra, bởi ai nấy đều hiểu rằng, một trong những chức năng cơ bản của hoạt động lãnh đạo, quản lý là công tác kiểm tra. Không có công tác kiểm tra thì hoạt động lãnh đạo, quản lý sẽ không hiệu lực, hiệu quả, thậm chí bị vô hiệu hóa. Kiểm tra-vì thế được coi là chế độ, công việc bình thường trong hoạt động lãnh đạo, quản lý.

Tuy nhiên, không hẳn mọi nơi, mọi chuyện về hoạt động kiểm tra đều sáng rõ như ban ngày. Những khúc quanh, góc khuất, nốt trầm trong công tác kiểm tra vẫn là điều khiến dư luận xã hội chưa hết băn khoăn, trăn trở. Bản chất của kiểm tra là tra xét kỹ lưỡng xem có đúng hay không. Kiểm tra còn là điều kiện để cấp trên bồi dưỡng giúp cấp dưới nâng cao trình độ nghiệp vụ. Nếu cấp trên, cơ quan chức năng kiểm tra cấp dưới thực hiện các nguyên tắc, quy trình, quy định bảo đảm chặt chẽ, khách quan, minh bạch, nhận định chính xác, đánh giá công tâm, công bố công khai thì hiệu lực, hiệu quả kiểm tra mới trở nên hiện hữu trong thực tế. Ngược lại, nếu kiểm tra qua loa, đại khái, không truy tìm gốc gác của những sai sót, khuyết điểm của đối tượng được kiểm tra, hoặc có thái độ nể nang, xuề xòa, dĩ hòa vi quý thì sẽ triệt tiêu tác dụng của công tác kiểm tra.

Điều đáng quan ngại của hoạt động kiểm tra ở một số nơi hiện nay là rơi vào bệnh hình thức. Tức là sau khi cấp trên có công văn dấu đỏ áp xuống, cấp dưới phải chuẩn bị đủ thứ văn bản, giấy tờ hành chính để báo cáo cấp trên. Mà thời đại 4.0, công nghệ sao-chép, đánh bóng hồ sơ, làm đẹp văn bản, vuốt ve thành tích... vốn là một trong những “kỹ năng điêu luyện” ở nhiều nơi, nhiều bộ phận, nhiều cán bộ, nhân viên. Trong khi cấp trên đến làm việc, kiểm tra lại chỉ thích ngồi trong phòng lạnh để nghe cấp dưới trình bày báo cáo, rồi kết luận dăm câu ba điều chung chung theo kiểu "phát huy ưu điểm, khắc phục tồn tại, khuyết điểm" thì lại... hòa cả làng!

Sự hình thức trong hoạt động kiểm tra có vẻ như làm lợi cả đôi đường, tức là cấp trên kiểm tra thì được tiếng là bao dung, độ lượng, sẻ chia với cấp dưới, không làm mất lòng cấp dưới; còn cấp bị kiểm tra thì cảm thấy "mát lòng mát dạ" vì cấp trên đã “giơ cao đánh khẽ”, khuyết điểm ít bị khui ra, sai phạm ít bị đụng tới. Nhưng hậu quả là hiệu lực, hiệu quả của công tác kiểm tra bị giảm sút, thậm chí bị tê liệt; phẩm chất trung thực, tinh thần liêm chính của tổ chức/cá nhân có thẩm quyền kiểm tra bị nhạt phai, thậm chí vẩn đục; còn tổ chức/cá nhân bị kiểm tra thì sinh ra chủ quan, tự mãn và cũng từ đó có thể tự đưa mình trượt dài trên con đường thoái hóa, biến chất. Nói thế để thấy, nếu còn bệnh hình thức trong hoạt động kiểm tra thì đây chính là một trong những tác nhân làm mọt ruỗng văn hóa chính trị, lung lay đạo đức công vụ từ gốc rễ.

Báo QĐND

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét