Thứ Năm, 9 tháng 12, 2021

GHI NHỚ LỜI BÁC VỀ ĐẠI ĐOÀN KẾT

Từ khi Đảng cộng sản Việt Nam được thành lập (ngày 3-2-1930) đến nay, trong các chỉ thị, nghị quyết, phương pháp cách mạng của Đảng…, vấn đề đoàn kết trong Đảng, đại đoàn kết toàn dân tộc luôn được xác định là một chiến lược của cách mạng, được tổ chức lãnh đạo phát triển đến đỉnh cao, tập trung sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc.

“Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết…”  là vấn đề có ý nghĩa chiến lược, cơ bản, nhất quán và lâu dài, xuyên suốt tiến trình cách mạng, là nội dung quan trọng, chủ đạo hợp thành hệ thống tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tinh thần yêu nước, trọng nhân nghĩa, khoan dung, sự cố kết, chia sẻ, đùm bọc yêu thương đã thấm sâu trong tư tưởng, tình cảm, tâm hồn, cốt cách của mỗi người dân, trở thành lẽ sống, chất kết dính, gắn bó bền vững các thành viên từ trong mỗi gia đình, làng quê, xóm phố và trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng huấn thị: “Mục đích của Đảng có thể bao gồm trong 8 chữ là: Đoàn kết toàn dân, phụng sự Tổ quốc”. Người nói: “Ngày nay, sự đoàn kết trong Đảng là quan trọng hơn bao giờ hết, nhất là sự đoàn kết chặt chẽ giữa các cán bộ lãnh đạo”.

Trước lúc đi xa, trong Di chúc thiêng liêng, Bác căn dặn: “Đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và của dân ta. Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần phải giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình”.

Đại hội XIII của Đảng khẳng định quan điểm: “Khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”. Quán triệt tinh thần đó, cần xác định: Đoàn kết toàn dân nói chung, đoàn kết trong mỗi tổ chức của hệ thống chính trị, tổ chức xã hội nói riêng, phải nhằm thực hiện tốt đường lối quan điểm của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước.

Điều này hoàn toàn trái ngược với những cá nhân, những nhóm người nhân danh tổ chức, lợi dụng chức quyền, vị trí công tác để gây bè, kéo cánh để tham nhũng, tham ô tài sản của Nhà nước, của nhân dân. Nguy hiểm hơn, một số cá nhân lại sử dụng đồng tiền bất chính đó để chạy chọt, “mua quan bán chức”, nhằm chui sâu, leo cao để mưu danh, mưu lợi cho riêng mình.

Cùng với đó, họ sử dụng những thủ đoạn hết sức tinh vi, như nhận tiền hối lộ, cài cắm người nhà, người thân, đồng hương, những kẻ cơ hội, bất tài… vào các vị trí công tác quan trọng thuộc các cơ quan công quyền, nhằm tạo cánh hẩu, ê kíp, chân rết... bảo vệ lẫn nhau, cùng nhau trục lợi, tham ô, tham nhũng, tiêu cực…

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét