Thứ Năm, 2 tháng 12, 2021

ĐỒNG TIỀN, QUYỀN LỰC VÀ SỰ THOÁI HÓA

Phát biểu trước đội ngũ cán bộ, đảng viên, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng đặt câu hỏi: “Tiền bạc lắm làm gì, chết có mang đi được đâu. Danh dự mới là điều thiêng liêng, cao quý nhất”. Câu hỏi đặt ra là tại sao khi đã lên đến những đỉnh cao về chức vụ, quyền lực và tiền bạc thì không thiếu, mà không ít cán bộ vẫn liều lĩnh thực hiện các hành vi phạm pháp? Ma lực nào đã thúc đẩy họ?

Các vị từng là Ủy viên Trung ương Đảng, bộ trưởng, bí thư, chủ tịch UBND thành phố, một số người từng là anh hùng… vì dính vào tham nhũng, tiêu cực mà phải ngồi tù sẽ sống những năm tháng còn lại của cuộc đời trong dằn vặt, tủi hổ. Vậy, tại sao họ đánh đổi hoặc có thể nói là bán những thứ quý giá mà mình đang có, trong đó quan trọng nhất là danh dự, sự tôn trọng của xã hội đối với mình để lấy tiền?

Trong nền kinh tế thị trường, đồng tiền có sự chi phối rất lớn. Nền kinh tế càng phát triển thì vai trò của đồng tiền, giá trị của đồng tiền và sức hút của đồng tiền cũng ngày càng lớn hơn. Dân gian ta lan truyền câu cửa miệng: “Cái gì không mua được bằng tiền thì sẽ mua được bằng rất nhiều tiền”. Nhưng có thật tiền sẽ mua được mọi thứ? Và một xã hội tốt đẹp có nên để xảy ra tình trạng tiền mua được mọi thứ?

Giáo sư người Mỹ Michael J.Sandel đã đặt ra câu hỏi này trong cuốn: “Tiền không mua được gì?” (What money can’t buy?). Trong xã hội Mỹ-điển hình của một xã hội tư bản đề cao giá trị đồng tiền, Michael J. Sandel vẫn nhìn thấy những thứ mà không thể và không nên dùng tiền để mua. Ông viết: “Có những điều tốt đẹp trong cuộc sống sẽ bị xói mòn, bị hư hỏng nếu chúng bị coi là hàng hóa. Vì vậy, để xác định xem thị trường có thể tồn tại ở đâu, cái gì nên tránh xa thị trường thì chúng ta phải tìm ra cách thức đánh giá giá trị một số thứ, như: Sức khỏe, giáo dục, cuộc sống gia đình, tự nhiên, nghệ thuật, trách nhiệm công dân… Chúng đều là những vấn đề mang tính đạo đức và chính trị chứ không chỉ đơn thuần là kinh tế”.

Michael J.Sandel đã đề cập đến vấn đề đạo đức của đồng tiền, hay chính xác là đạo đức khi sử dụng đồng tiền. Bởi theo ông: “Cuộc tranh luận này (cuộc tranh luận về khía cạnh đạo đức của đồng tiền - PV) không hề tồn tại trong kỷ nguyên tôn vinh thị trường. Hậu quả là khi không nhận biết được vấn đề, không bao giờ nghĩ đến chuyện tranh luận về chúng, từ chỗ có một nền kinh tế thị trường, chúng ta đã trượt sang trạng thái trở thành một xã hội thị trường”. Cũng theo tác giả người Mỹ: “Nền kinh tế thị trường là một công cụ đáng giá và hiệu quả, giúp chúng ta tổ chức được hoạt động sản xuất. Còn xã hội thị trường là một phương thức sống mà trong đó, các giá trị thị trường thâm nhập vào mọi ngóc ngách của cuộc sống con người. Chúng ta muốn một nền kinh tế thị trường hay một xã hội thị trường? Làm sao chúng ta xác định được hàng hóa nào được phép mua bán, còn hàng hóa nào phải chịu sự chi phối của các giá trị phi thị trường? Chỗ nào không nên có vai trò của đồng tiền?”.

Như thế, đồng tiền chi phối xã hội, ảnh hưởng tới cách nghĩ, cách ứng xử và đạo đức xã hội là câu chuyện mà con người ở mọi quốc gia đều có thể cảm nhận được. Thế nhưng, tùy vào văn hóa xã hội và thể chế chính trị mà cách giải quyết vấn đề này rất khác nhau.

Chúng ta đang xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng XHCN và đang áp dụng ngày càng đầy đủ hơn các quy luật, nguyên tắc của kinh tế thị trường. Nếu không có “định hướng XHCN”, thì các đặc điểm kinh tế thị trường của chúng ta cũng giống như nền kinh tế thị trường của các quốc gia trên thế giới. Phần “định hướng XHCN” vì thế rất quan trọng để hạn chế mặt trái của đồng tiền. Nhưng định hướng XHCN của nền kinh tế thị trường là thứ mà chúng ta phải tốn nhiều công sức để thiết kế, định hình, nó bao gồm cả yếu tố thể chế và đạo đức.

Trong khi đó, mặt trái của kinh tế thị trường vẫn đang tác động hằng ngày, hằng giờ tới mỗi con người. Nền kinh tế càng phát triển thì lưu lượng tiền tệ trong nền kinh tế càng lớn và ý muốn dùng tiền để mua mọi thứ nếu không được phân tích, chỉ ra mặt trái, nếu không được kiểm soát thì có thể dần trở thành điều hiển nhiên của cuộc sống. Hệ lụy của nó là xã hội sẽ dần biến chất, đến mức những giá trị chuẩn mực đạo đức, nhân văn mang tính truyền thống của dân tộc, mang bản chất của xã hội XHCN sẽ bị thách thức. Ví như gần đây, chúng ta thấy có những ý kiến đòi phải công nhận mại dâm như một nghề chính thức trong xã hội, phải đóng thuế. Để giải quyết vấn đề này, chúng ta cần phải xác định rõ xem nhân phẩm của người phụ nữ có phải là thứ có thể mang ra mua bán, trao đổi hay không? Truyền thống văn hóa của chúng ta, bản chất xã hội XHCN của chúng ta có chấp nhận được việc mua bán đó không?…

Nếu ta để đồng tiền quyết định mọi vấn đề thì sẽ dẫn tới hệ lụy là người làm chính sách, nhà quản lý có thể hy sinh mọi thứ vì phát triển kinh tế. Vì phát triển kinh tế, chúng ta có thể hy sinh môi trường sống, vì kinh tế ta có thể hủy hoại cả nền văn hóa truyền thống của dân tộc, vì đồng tiền ta có thể hy sinh sức khỏe, vì đồng tiền ta có thể hy sinh các mối quan hệ trong gia đình… Để rồi cuối cùng, chúng ta sẽ không biết rõ mình là ai! Phát triển kinh tế, làm giàu kiểu như vậy thì thể hiện sự tàn phá hạnh phúc hơn là kiến thiết hạnh phúc.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét