Năm 2021, đánh dấu chặng
đường 35 năm đổi mới của đất nước. Những thành quả đạt được từ trong quá trình
xây dựng, phát triển đất nước đã cho phép Đảng, Nhà nước và toàn thể dân tộc Việt
Nam hướng đến khát vọng lớn hơn là phồn vinh, hạnh phúc. Khát vọng phồn vinh, hạnh
phúc chính là sự kết tinh bản lĩnh, trí tuệ của Đảng dựa trên sự đúc kết những
kinh nghiệm từ quá trình lãnh đạo xây dựng, phát triển đất nước. Đó không phải
là khát vọng giản đơn, xuôi chiều, mà được bồi đắp trên cơ sở phân tích, dự
báo, lường đoán kỹ lưỡng những thời cơ, thuận lợi có thể nắm bắt, phát huy; đồng
thời tỉnh táo cân nhắc, tính toán những khó khăn, thách thức bên ngoài, những yếu
kém, trở ngại bên trong cần phải kiên quyết khắc phục, thích ứng, vượt qua. Đó
cũng là sự vận dụng phương châm dĩ bất biến ứng vạn biến, nhạy bén chớp thời
cơ, chủ động ứng phó với nguy cơ, chuyển hóa nguy cơ thành vận hội phát triển.
Khát vọng phát triển đất
nước phồn vinh, hạnh phúc mang sức sống hiện thực được hình thành, bồi đắp trên
một cơ tầng khoa học về lộ trình hướng đích, bước đi được dự liệu rõ ràng và là
sự kế thừa, hoàn thiện những mục tiêu đã được xác định từ những giai đoạn trước.
Khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúcgắn liền với quá trình xây dựng
và phát huy hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa và giá trị chuẩn mực, cùng
sức mạnh con người Việt Nam trong thời kỳ mới gắn liền với phát huy đồng bộ hệ
động lực phát triển: Dân chủ xã hội chủ nghĩa; đại đoàn kết toàn dân tộc; sức mạnh
tổng hợp của hệ thống chính trị; nguồn nhân lực chất lượng cao, nhân tài; khoa
học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Thành công của Đại hội đại
biểu toàn quốc lần thứ XIII và cuộc bầu cử đại biểu quốc hội và đại biểu hội đồng
nhân dân các cấp cho thấy, quần chúng nhân dân đã sẵn sàng hành trang, tâm thế
để cùng Đảng, Nhà nước bước vào vận hội mới. Do vậy, để phát huy được tối đa sức
mạnh niềm tin của nhân dân vào quá trình hiện thực hoá khát vọng phát triển đất
nước phồn vinh, hạnh phúc, thiết nghĩ cần phải chú trọng đến các định hướng cụ
thể sau:
Thứ nhất, cần nâng tầm và
đặt đúng vai trò, vị trí của niềm tin nhân dân trong chiến lược phát triển. Phải
xem sức mạnh niềm tin nhân dân là động lực của sự phát triển quốc gia. Động lực
này không chỉ là kết quả từ sự kiến tạo niềm tin của nhân dân, của mỗi người
lao động, của các doanh nghiệp đối với sự lãnh đạo của Đảng và sự quản lí, quản
trị hiệu lực, hiệu quả của Nhà nước; mà còn là sự kiến tạo niềm tin và trách
nhiệm cao cả của Nhà nước đối với nhân dân với tư cách là chủ nhân, chủ thể
phát triển của xã hội, của đất nước. Đó còn là sự kiến tạo niềm tin dựa trên
các mối quan hệ tốt đẹp giữa con người với con người, giữa các chủ thể với nhau
trong cộng đồng quốc gia, dân tộc, kết tụ ở việc luôn đặt lợi ích quốc gia –
dân tộc lên trên hết.
Động lực này sẽ được xác
lập dựa trên những nền tảng đường lối, chủ trương, định hướng phát triển đúng đắn
của của Đảng, Nhà nước vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng,
văn minh”; trên nền tảng một Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa thực sự của
dân, do dân, vì dân, một hệ thống luật pháp và cơ chế, chính sách quản lí, quản
trị phát triển hiệu lực, hiệu quả, công khai, minh bạch; một nền hành chính
liêm chính, tinh thần trách nhiệm cao trước dân; trên nền tảng một đội ngũ cán
bộ, đảng viên, công chức “thực đức, thực tài”, thực sự công bộc, đặt lợi ích của
nhân dân, lợi ích phát triển của đất nước lên trên hết. Động lực này sẽ phát
huy cao độ khi thực hành dân chủ xã hội rộng rãi gắn liền với thực thi kỉ cương
phép nước, “sống, làm việc theo Hiến pháp và pháp luật”; tôn trọng, bảo vệ quyền
lợi ích chính đáng của của mỗi con người, của nhân dân và của tất cả các chủ thể
trong xã hội. Có được động lực niềm tin thì tất cả mọi người dân trong xã hội mới
vững tâm mang tất cả tâm huyết, nguồn lực, trí tuệ, tài năng của mình ra để cống
hiến cho sự phát triển chung của đất nước và dân tộc. Động lực này cũng là sự kết
tinh, kết tụ lòng yêu nước, tinh thần dân tộc, trách nhiệm công dân, trách nhiệm
xã hội khát vọng chấn hưng đất nước của mỗi con người, của toàn dân tộc với sự
lãnh đạo của Đảng và quản lí của Nhà nước. Có thể nói, niềm tin của quần chúng
nhân dân chính là thước đo quý giá nhất đối với năng lực lãnh đạo của Đảng, khả
năng quản lí đất nước của Chính phủ và là một động lực to lớn nhất, chính yếu
nhất cho sự phát triển nhanh, bền vững đất nước.
Thứ hai, cần chú trọng
xây dựng cơ sở để nhân dân kí thác niềm tin và thể hiện tình yêu đối với đất nước.
Xưa nay, niềm tin và tình yêu Tổ quốc luôn sẵn có nơi mỗi người dân Việt và nó
được duy trì, phát triển dựa trên tư duy của nhà quản lí. Tuy nhiên nếu niềm
tin và lòng yêu nước không được định hình dựa trên nền tảng, quan điểm và cả những
định hướng cụ thể thì sẽ rất dễ bị tổn thương và lợi dụng. Trường hợp nêu trên
đã từng xảy ra trong lịch sử Việt Nam và rõ nhất là qua âm mưu của các nhà truyền
giáo ở thời kì cận đại… Và ngày nay trong công cuộc xây dựng và phát triển đất
nước, niềm tin và tình yêu quê hương, đất nước cũng cần phải được định hình dựa
trên những cơ sở thật sự cụ thể nếu ko sẽ bị lợi dụng để phục vụ cho các toan
tính cá nhân hoặc các tổ chức đối lập, chống đối. Điều này sẽ tạo nên những hệ
lụy và hậu quả vô cùng to lớn đối với sự an nguy của đất nước.
Để xây dựng môi trường
cho niềm tin hình thành và phát triển, thì trước hết phải được bắt nguồn từ việc
Đảng, Nhà nước cần có những cơ chế, chính sách thực sự đúng đắn và phù hợp.
Chúng ta cần quan tâm hơn nữa lợi ích, nguyện vọng của nhân dân; lấy lợi ích của
quốc gia, dân tộc và quyền lợi căn bản của công dân làm mẫu số chung cho quá
trình phát triển; phải xem trọng nhân dân với tư cách là chủ thể của việc tạo lập
niềm tin trong xã hội… Phải chăm lo xây dựng con người phát triển toàn diện
theo hướng trọng tâm là bồi dưỡng tinh thần yêu nước, ý chí, lòng tự hào dân tộc,
đạo đức, lối sống và nhân cách. Phải tạo nên được những sự chuyển biến mạnh mẽ
về nhận thức, ý thức tôn trọng pháp luật, niềm tin sâu sắc vào truyền thống lịch
sử, vào văn hóa dân tộc. Phải gắn việc xây dựng, rèn luyện đạo đức với thực hiện
quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân. Phải nâng cao trí lực,
bồi dưỡng tri thức, khát vọng con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế
thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và chủ động, tích cực hội nhập quốc tế…
Thứ ba, cần gắn chặt vấn đề xây dựng, phát huy sức mạnh niềm tin với việc củng cố và tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân. Có niềm tin mới có đoàn kết dân tộc. Sự phát triển hay suy giảm niềm tin luôn kéo theo tỉ lệ thuận tương ứng của tinh thần đoàn kết dân tộc. Do đó cần đặt mục tiêu xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc với việc củng cố và phát huy niềm tin trong quần chúng nhân dân. Việc gắn chặt niềm tin với tinh thần đoàn kết không chỉ cho phép tăng thêm sức mạnh nội lực trong quá trình phát triển, hội nhập sâu rộng với thế giới mà còn làm gia tăng thêm sức đề kháng cho quốc gia trong việc đập tan các hành động xâm lấn của kẻ thù và cả những âm mưu chống đối, chống phá nhà nước. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết, thành công, thành công, đại thành công”, chỉ có sức mạnh của tinh thần đoàn kết mới mang lại cho dân tộc một sự phát triển ổn định và thịnh vượng, mới giúp dân tộc thành công trên con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội. Và niềm tin chính là mẫu số chung có giá trị cao nhất để thúc đẩy các thành viên trong xã hội xích lại gần nhau, đoàn kết, gắn bó keo sơn với nhau trong một chỉnh thể nhà nước, quốc gia thống nhất./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét