“Công bộc ma-nơ-canh” không hiếm trong tổ chức
đảng và hệ thống chính trị các cấp hiện nay. Nhiệm vụ phòng, chống dịch
COVID-19 gian khổ, khốc liệt vừa qua như một cuộc sát hạch lớn, làm lộ ra chân
tướng của không ít ma-nơ-canh trong hàng ngũ cán bộ, nhất là người đứng đầu ở một
số cơ quan, đơn vị, địa phương. Nhiều người trong số đó đã bị xử lý kỷ luật,
đình chỉ công tác, cách chức hoặc điều chuyển sang vị trí khác.
Những cuộc họp
trực tuyến và những chuyến thị sát thực tế ở cơ sở liên tục của Thủ tướng trong
cao điểm chống dịch vừa qua cho thấy, không ít cán bộ, người đứng đầu ở các cơ
quan, đơn vị, địa phương rất bàng quan, thụ động, lơ là trong thực hiện chức
trách, nhiệm vụ được giao. Nhiều cán bộ không nắm được tình hình dịch bệnh của
địa phương mình dẫn đến lúng túng, chậm trễ trong chỉ đạo, tổ chức chống dịch.
Đây là một trong những nguyên nhân khiến dịch bệnh bùng phát, diễn biến phức tạp...
Thực tế cho thấy,
không ít cán bộ chủ chốt suy thoái phẩm chất đạo đức, lối sống kéo dài, nhưng cấp
ủy, tổ chức đảng không phát huy được vai trò giám sát, đấu tranh, ngăn chặn. Một
phần lỗi là do cấp trên trực tiếp thiếu phương pháp làm việc bao quát, cụ thể,
thường chỉ nghe cấp dưới báo cáo một chiều. Thực trạng này dẫn đến sự lây nhiễm
“virus ma-nơ-canh” từ dưới lên trên, trùm từ trên xuống dưới, rất nguy hại cho
môi trường văn hóa trong Đảng và hệ thống chính trị.
Phương pháp làm
việc của người đứng đầu Chính phủ trong chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 vừa
qua gợi mở cho cán bộ các cấp, các địa phương rất nhiều vấn đề. Trước hết đó là
sự sâu sát, kịp thời, nhạy bén, linh hoạt trong chỉ đạo. Đứng trước những thử
thách, khó khăn, cán bộ phải có tầm nhìn vừa bao quát vừa cụ thể thì mới có thể
chỉ đạo đúng và trúng các vấn đề thực tiễn đặt ra. Ở phương diện xây dựng, chỉnh
đốn Đảng, sự sâu sát, cụ thể, quyết liệt của người đứng đầu và cấp trên sẽ giúp
tổ chức đảng nhận diện rõ những "biểu hiện ma-nơ-canh” trong nội bộ. Khi
chân tướng của những chiêu trò, thủ đoạn tô hồng, đánh bóng bản thân hay kiểu sống
thu mình, “vo tròn” vì sợ trách nhiệm bị phơi bày, thông qua môi trường dân chủ,
đấu tranh phê bình và tự phê bình trong tổ chức đảng sẽ giúp cán bộ “tự rửa mặt”
để khắc phục hạn chế, khuyết điểm, xứng đáng hơn với cương vị, chức trách được
giao.
Điều 11, Quy định
số 37-QĐ/TW về những điều đảng viên không được làm đã chỉ rõ: “Vi phạm đạo
đức công vụ, bao che, báo cáo sai sự thật khi thực hiện nhiệm vụ; thiếu trách
nhiệm để cơ quan, đơn vị, địa phương, cá nhân do mình trực tiếp quản lý xảy ra
tình trạng mất đoàn kết, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực và các vi phạm khác”...
Quy định số
41-QĐ/TW về việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ cũng nêu rõ: Những cán
bộ “bị cơ quan có thẩm quyền kết luận suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức,
lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; vi phạm những điều đảng viên không
được làm; vi phạm trách nhiệm nêu gương, ảnh hưởng xấu đến uy tín của bản thân
và cơ quan, đơn vị nơi đang công tác” là căn cứ để xem xét miễn nhiệm, từ chức.
Như vậy, kỷ luật
trong Đảng, hành lang pháp lý để xử lý những cán bộ vi phạm ngày càng được Đảng
ta coi trọng, hoàn thiện bằng những quy định rất cụ thể. Đó chính là những căn
cứ, đồng thời là giải pháp để chấn chỉnh, xử lý nghiêm minh các biểu hiện suy
thoái của những dạng “công bộc ma-nơ-canh”./.
Lữ Ngàn (qdnd.vn)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét