Thời gian qua đã xuất hiện
nhiều vụ việc lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng. Các đối tượng tội
phạm mạng sử dụng phương thức, thủ đoạn cũ nhưng nội dung, thông tin theo cách
mới, nhằm làm cho người dân mất cảnh giác và dễ dàng mắc bẫy. Do đó người dân cần
nhận diện rõ một số thủ đoạn mà các đối tượng thường xuyên sử dụng như sau:
Đầu tiên là thủ đoạn lừa
đảo qua dịch vụ “Ship COD” (dịch vụ vận chuyển sẽ ứng số tiền hàng cho người
bán khi nhận hàng và thu lại tiền của người mua khi giao hàng). Đối tượng lừa đảo
giả là người mua, yêu cầu người bán nâng giá ghi trên phiếu mua hàng của sản phẩm
để thu khoản chênh lệch giá. Người bán cho rằng việc đó không ảnh hưởng gì đến
mình nên đồng ý và sử dụng dịch vụ “Ship COD” để giao nhận hàng. Sau khi đưa
hàng cho dịch vụ vận chuyển và nhận tiền ứng hàng từ shipper lớn hơn so với giá
trị sản phẩm, người bán chuyển khoản số tiền chênh lệnh lại cho người mua theo
thỏa thuận.
Tuy nhiên, khi shipper
thông báo không tìm thấy người nhận ở địa chỉ nhận hàng hoặc không có ai mang
tên như trên phiếu giao hàng thì người bán phải hoàn lại tiền ứng hàng cho
shipper vì không thể giao hàng. Như vậy, người bán đã bị lừa mất số tiền chênh
lệch giá.
Thủ đoạn thứ hai là các đối
tượng dùng ảnh chụp màn hình lệnh chuyển khoản giả: Rất nhiều người bán hàng bị
một nhóm trên mạng xã hội Facebook lừa vì tưởng nhầm khách đã chuyển tiền cho
mình. Theo đó, đối tượng giả làm khách đặt mua hàng qua mạng, đồng thời chụp
màn hình điện thoại về thông tin chuyển khoản số tiền phải thanh toán cho bên
bán thành công qua Internet Banking. Bên bán coi hình chụp màn hình điện thoại,
tưởng đó là thật nên nhờ dịch vụ giao nhận chuyển hàng cho khách. Khi shipper lấy
hàng đi rồi, tài khoản ngân hàng của người bán chưa nhận được tiền nên họ gọi
điện cho khách thì được trấn an là do ngân hàng bị lỗi mạng nên tiền chưa tới.
Phía dịch vụ vận chuyển giao hàng xong và cũng không thể lấy lại được (người
mua có thể sử dụng địa chỉ giả, các khu vực không rõ ràng để làm địa chỉ nhận
hàng).
Thủ đoạn thứ ba là các đối
tượng người nước ngoài sử dụng mạng xã hội (MXH) để kết bạn, một thời gian sau,
chúng thông báo gửi quà là tiền mặt hoặc tài sản có giá trị lớn qua đường hàng
không, yêu cầu người nhận phải nộp tiền thuế để nhận quà. Khi người bị hại
không còn khả năng tiếp tục chuyển tiền, các đối tượng sẽ xóa tài khoản MXH và
số điện thoại đã sử dụng để liên lạc. Ngoài ra, các đối tượng còn sử dụng MXH để
gửi tin nhắn thông báo trúng thưởng tài sản có giá trị lớn cho người bị hại,
sau đó, yêu cầu họ muốn nhận thưởng thì phải nạp tiền qua thẻ điện thoại hoặc
chuyển tiền qua tài khoản ngân hàng để chiếm đoạt.
Thủ đoạn thứ tư là các đối
tượng gọi điện tự xưng là nhân viên bưu điện thông báo về việc có bưu phẩm gửi ở
các bưu điện lâu ngày không đến nhận, thiếu nợ tiền ngân hàng hoặc liên quan đến
các vụ án... Sau đó, đối tượng nối máy cho người bị hại nói chuyện với đối tượng
khác giả danh cán bộ đang công tác tại cơ quan công an, viện kiểm sát, tòa án để
đe dọa, yêu cầu chuyển tiền hoặc khai thác thông tin cá nhân nhằm chiếm quyền sử
dụng tài khoản ngân hàng của nạn nhân.
Thủ đoạn thứ năm là hình
thức lừa đảo kinh doanh đa cấp qua các sàn giao dịch tiền ảo, sàn ngoại hối hoặc
đầu tư đào tiền kỹ thuật số diễn ra khá phổ biến. Thủ đoạn của các đối tượng là
lập ra các website đầu tư tài chính, sàn giao dịch nhị phân (Ugreengx, Wefinex,
Fxtradingmarket...) rồi sử dụng các chiêu trò hòng thu hút, lôi kéo nhiều người
tham gia. Các sàn đều được quảng cáo có nguồn gốc từ nước ngoài, cam kết người
chơi sẽ được hưởng mức lãi suất cao nhưng lại an toàn, có thể rút vốn bất kỳ
lúc nào, không cần đầu tư trí tuệ, thời gian khiến nhiều người dân tham gia dưới
hình thức đầu tư. Sau một thời gian, khi người tham gia muốn rút tiền, chúng
yêu cầu phải nộp thêm các khoản phí vay vốn ban đầu, tiền chênh lệch để thực hiện
rút tiền hoặc thông báo dừng hoạt động để bảo trì... khách hàng không đăng nhập
được để rút tiền hoặc bị mất hết tiền trong tài khoản.
Từ các thủ đoạn trên, người dân cần đề cao cảnh giác, không để các đối tượng xấu lợi dụng lừa đảo và thường xuyên theo dõi các trang thông tin chính thống của cơ quan nhà nước, nâng cao ý thức cảnh giác và cẩn trọng trong quá trình sử dụng các dịch vụ thanh toán trực tuyến, thương mại điện tử... Khi phát hiện các hành vi lợi dụng không gian mạng lừa đảo chiếm đoạt tài sản như trên, hướng dẫn người dân trình báo ngay cho Công an địa phương gần nhất hoặc gọi điện tổng đài 113.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét