Hoàn thiện cơ sở
pháp lý về quyền con người ở nước ta. Chúng ta đã tiến hành sửa đổi và ban hành
mới nhiều văn bản luật, trong đó có những bộ luật liên quan đến đảm bảo quyền
con người, như: Luật Báo chí; Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo; Luật Tiếp cận thông
tin; Luật An ninh mạng… Bằng việc tham gia đóng góp ý kiến vào quá trình
xây dựng luật pháp, nhân dân đã thực hiện các quyền tự do, dân chủ của mình; và
các văn bản pháp luật quan trọng đều thể hiện được ý chí, lợi ích và nguyện vọng
của nhân dân.
Quyền con người được
thể hiện trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Quyền làm chủ của người
dân Việt Nam được thể hiện rõ ở: quyền bầu cử và ứng cử; quyền tự do ngôn luận,
báo chí; quyền tự do tôn giáo… Nhằm bảo đảm quyền con người, quyền công dân và
thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội trong điều kiện cuộc cách mạng công nghiệp
4.0, Nhà nước ta đã thành lập Ủy ban quốc gia, đẩy nhanh tiến độ xây dựng
“Chính phủ điện tử”; Cổng thông tin điện tử của các cơ quan Nhà nước, nhằm cung
cấp dịch vụ công trực tuyến để cán bộ, cơ quan, tổ chức đối thoại trực tiếp với
nhân dân, nâng cao hiệu quả tiếp nhận phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh
nghiệp.
Xây dựng và triển
khai thực hiện thắng lợi nhiều chương trình phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm
ngày càng tốt hơn các quyền con người trong các lĩnh vực này. Tốc độ tăng trưởng
giai đoạn 2016-2019 đạt khá cao, bình quân 6,8%/năm. Năm 2020, mặc dù chịu ảnh
hưởng nặng nề của dịch bệnh, nhưng tăng trưởng cả năm vẫn đạt 2,91%; là một
trong những quốc gia tăng trưởng cao nhất trong khu vực và trên thế giới.
Một trong những
thành tựu nổi bật nhất của Việt Nam bảo đảm quyền con người là đạt được những
tiến bộ vượt bậc về xóa đói giảm nghèo, phát triển con người và chất lượng cuộc
sống. Tính đến cuối năm 2020 tỷ lệ hộ nghèo còn 2,75% (theo chuẩn nghèo tiếp cận
đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016-2020). Việt Nam là quốc gia đạt được kết quả
ấn tượng trong việc thực hiện mục tiêu thiên niên kỷ về giảm nghèo, được cộng đồng
quốc tế ghi nhận.
Lĩnh vực giáo dục
và chăm sóc sức khỏe cho người dân ngày càng được nâng cao. Đến nay 63 tỉnh,
thành phố đạt phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em năm tuổi và phổ cập giáo dục
tiểu học. Ngoài sự phát triển các dịch vụ y tế và chăm sóc sức khỏe trực tiếp,
Việt Nam còn thi hành nhiều biện pháp nhằm nâng cao sức khỏe của người dân,
ngăn ngừa bệnh tật từ xa như chương trình cung cấp nước sạch và vệ sinh nông
thôn. Tỷ lệ hộ gia đình sử dụng nước sạch tăng lên qua các năm. Bảo hiểm y tế
được phát triển, mở rộng. Số lượng người tham gia bảo hiểm y tế đã tăng từ 3,8
triệu (chiếm 5,4% dân số) năm 1993 lên gần 88 triệu người (gần 91% dân số) năm
2020.
Có nhiều chính sách chăm sóc, bảo đảm quyền của nhóm xã hội dễ bị tổn thương, bao gồm phụ nữ, trẻ em, người khuyết tật. Trong đó, trẻ em ngày càng được chăm sóc và bảo vệ tốt hơn để phát triển toàn diện về thể chất, trí tuệ, tinh thần; Tỷ lệ nữ giới được giáo dục ở mọi cấp tăng cao. Các chính sách đổi mới của Việt Nam đã tạo cơ hội cho phụ nữ tham gia ngày càng nhiều vào các hoạt động kinh tế-xã hội của đất nước. Lao động nữ được quan tâm nhiều hơn trong thời kỳ thai sản và tuổi nghỉ hưu. Người khuyết tật được quan tâm, giúp đỡ, tạo điều kiện thuận lợi để được học văn hóa, được ưu tiên bố trí việc làm...
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét