Một câu chuyện ý nghĩa vừa
diễn vào ngày 27-11, tại trụ sở Trung ương Đảng. Hôm ấy, Tổng Bí thư Nguyễn Phú
Trọng và nhiều đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước cùng dự buổi trao quyết định
nghỉ chế độ đối với 6 đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng
khóa XII, không tái cử khóa XIII.
Đáng nói là không khí
“chia tay” diễn ra hết sức thân tình, gần gũi, chân thành. Các đại biểu cùng
nhau hàn huyên chuyện cũ, gửi trao tâm huyết về những chặng đường đã qua và kỳ
vọng vào tương lai tươi sáng.
Càng thú vị hơn khi giây
phút bịn rịn, quyến luyến, lại được sưởi ấm và trở nên vui nhộn bởi những tiết
mục văn nghệ do chính những người trong cuộc thể hiện. Điệu múa, lời hát, nụ cười,
tiếng vỗ tay... như xua đi sự trầm lắng vốn dĩ của một buổi “chia tay”.
Và cũng với bầu không khí
ấy, chiều 29-11, Bộ Chính trị, Ban Bí thư tiếp tục tổ chức trao quyết định nghỉ
chế độ đối với 28 đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng khóa XII, không tham gia tái
cử khóa XIII. Buổi “chia tay” thực sự làm ấm lòng những người rời nhiệm sở;
minh chứng cho sự luyến lưu, sẻ chia cùng nhau trong dấu ấn cuộc đời của những
đồng chí từng nhiều năm tháng gắn bó, cùng thực hiện bổn phận “công bộc” của
dân.
Dưới góc độ tâm lý học, bất
kỳ ai khi nhận quyết định nghỉ hưu, nghỉ chế độ cũng đều sẽ thoáng qua ít nhiều
nỗi niềm tâm tư, trăn trở. Thế nhưng, khi được những đồng chí đương chức trao tặng
tình cảm, trao gửi niềm tin và cùng cam kết, hứa với nhau những lời tâm huyết
và trách nhiệm phụng sự dân tộc thì thật đáng quý biết bao!
Người “ở lại” bày tỏ mong
muốn, những đồng chí khi đã hoàn thành nhiệm vụ chung, trở về đời thường sẽ tiếp
tục phát huy phẩm chất cách mạng, cùng đồng hành, cống hiến xây dựng quê hương,
đất nước theo cách của công dân Việt Nam ưu tú, chân chính. Những người rời nhiệm
sở lại trao gửi niềm tin, mong muốn anh em đương chức không ngừng nỗ lực, làm
tròn nghĩa vụ với Đảng, với dân. Đó là những lời hứa từ sâu thẳm tâm can, gửi đến
Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư; cũng đồng thời là lời hứa với dân được
trao gửi qua báo chí, truyền thông đến với đông đảo đồng chí, đồng bào.
Thực hiện những lời hứa
trên, chắc hẳn mỗi cán bộ sẽ tự dặn lòng không ngừng nỗ lực, phấn đấu bằng danh
dự, phẩm giá. Phải làm bằng được điều đó, vì trước đây từng có người lúc làm
cán bộ thì nghiêm cẩn, chuẩn mực, nhưng khi trở về cuộc sống đời thường lại có
những biểu hiện chưa thật chuẩn mực trong phát ngôn và thực hành đạo đức xã hội.
Thậm chí, không ít cán bộ hưu trí bị rơi vào vòng xoáy dư luận và cuộc sống,
sinh ra bệnh này, tật nọ... khiến đồng chí, đồng nghiệp và nhân dân phải phiền
lòng.
Qua câu chuyện dung dị kể
trên, chúng ta có thêm một ánh nhìn đầy đủ, giàu tính nhân văn trong tiến hành
công tác cán bộ. Thực tế cho thấy, ở nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương vẫn chưa
thật sự coi trọng việc tổ chức các hoạt động ghi nhận, “chia tay” và chúc mừng
những cán bộ đã hoàn thành nhiệm vụ trên cương vị, chức trách. Thậm chí, có nơi
chỉ tổ chức theo kiểu chiếu lệ, hình thức, nặng nghi thức lễ tân cho... xong
chuyện.
Từ thực tế đó, sắp tới, rất
mong và rất cần sự vào cuộc có trách nhiệm nhiều hơn của cấp ủy, chỉ huy, nhất
là người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong “ứng xử”, đối đãi, đãi ngộ đối với những
cán bộ lúc về hưu, nghỉ chế độ. Dù cán bộ có chức sắc, hay một nhân viên bình
thường, dù đóng góp của họ là lớn lao hay khiêm tốn, dù quá trình công tác có mặt
mạnh hay yếu khuyết phải phê bình... thì sau tất cả vẫn đọng lại là tình đồng
chí, đồng nghiệp và những giá trị văn hóa, đạo đức công vụ. Do đó, phần việc
này cần được quan tâm thích đáng như một lẽ đương nhiên trong công tác cán bộ.
Hãy trao đi tình cảm, sự ghi nhận và lòng biết ơn của tập thể để mỗi cá nhân
khi rời nhiệm sở càng thêm tự tin, an yên và nhận rõ trách nhiệm tiếp tục cống
hiến, sống đẹp, sống có ích đối với đất nước và dân tộc.
NGUYỄN TẤN TUÂN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét