Thứ Năm, 2 tháng 12, 2021

“4 KHÔNG” TRONG PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG

Thực hiện “4 không” trong PCTN đã được nhắc tới nhiều lần trong thời gian qua. Cụ thể, Đảng, Nhà nước xây dựng các quy định về phòng ngừa để cán bộ “không thể tham nhũng”; quy định về răn đe, trừng trị nghiêm khắc để “không dám tham nhũng’’; tuyên truyền, giáo dục để “không muốn tham nhũng”; quy định về bảo đảm để “không cần tham nhũng”.

Nhìn rộng ra, các nước trong khu vực cũng như trên thế giới đều phải đưa ra nhiều giải pháp để chống tham nhũng. Trong đó, Singapore cũng đã đưa ra giải pháp “4 không”, bao gồm: Không dám tham nhũng, không thể tham nhũng, không cần tham nhũng, không được tham nhũng. Kết quả chống tham nhũng của Singapore rất tích cực khi đã kết hợp tốt các cơ chế minh bạch về tài sản công chức; kiểm soát chặt các tài sản tăng thêm và buộc công chức phải giải trình, không giải trình được thì sẽ bị nhà nước trưng thu.

Theo quy định của Chính phủ Singapore, công chức chỉ được nhận mức quà tặng với giá trị 100 đô la Singapore trở xuống. Nếu trên mức đó, người được tặng phải tìm cách từ chối hoặc muốn nhận thì phải xin phép lãnh đạo trực tiếp có ý kiến cho phép thì mới được nhận, nếu không phần nhận dư ra sẽ bị trưng thu. Cùng với đó, lương công chức của Singapore bảo đảm đủ cho mức sống tại nước này.

Phương hướng, giải pháp như trên cũng đã được đưa vào chủ trương, chính sách, trong quy định của pháp luật Việt Nam, thậm chí ở mức cao hơn. Ví dụ, Điều 25, Nghị định số 59/2019/NĐ-CP ngày 1-7-2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật PCTN quy định cán bộ, công chức, viên chức không được trực tiếp hoặc gián tiếp nhận quà tặng dưới mọi hình thức của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan đến công việc do mình giải quyết hoặc thuộc phạm vi quản lý của mình.

Trường hợp không từ chối được thì phải báo cáo thủ trưởng cơ quan, tổ chức, đơn vị mình hoặc thủ trưởng cơ quan, tổ chức, đơn vị cấp trên trực tiếp và nộp lại quà tặng để xử lý theo quy định trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được quà tặng. Đối với trường hợp cán bộ, công chức vi phạm quy định trên sẽ bị xử lý ở nhiều mức, trong đó có cả cách chức, buộc thôi việc. Đảng, Nhà nước ta cũng đề ra yêu cầu, lộ trình tăng lương cho cán bộ, công chức. Tuy nhiên, giữa mong muốn và kết quả đạt được chưa tương xứng, giữa quy định của luật pháp và việc thực thi luật pháp tại Việt Nam trong vấn đề này vẫn còn khoảng cách.

Ngay trong việc kê khai tài sản cán bộ, công chức, mặc dù đã rất cụ thể về cách thức kê khai, đơn vị giám sát, kiểm soát ở các cấp, thế nhưng, do các cơ chế, công cụ kiểm soát tại Việt Nam chưa đầy đủ nên để xác định tính chính xác của các bản kê khai tài sản của cán bộ là không hề dễ dàng.

Ngày 23-11-2021, trong buổi tiếp xúc cử tri các quận: Hải Châu, Thanh Khê, Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn (TP Đà Nẵng), nói về việc PCTN, tiêu cực, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng cho rằng: “Hình phạt phải đúng mức, người ta mới không dám tham nhũng. Còn với không thể tham nhũng thì cơ chế, chính sách phải chặt chẽ, minh bạch; sự giám sát của người dân phải được tăng cường một cách hiệu quả để cán bộ thấy rằng làm việc gì người dân cũng biết.

Ở mức độ cao hơn là không cần tham nhũng, không muốn tham nhũng thì cần có thời gian”. Thường trực Ban Bí thư cho rằng, không hẳn cứ tăng lương là cán bộ không cần tham nhũng. Vì ở những nước giàu có, thu nhập rất cao vẫn xảy ra tham nhũng. “Trong thực tế, khi chúng ta xử lý cán bộ, giải quyết các vụ án liên quan đến tham nhũng thì những cán bộ tham nhũng không phải do nghèo khó. Thậm chí những cán bộ đó có điều kiện sống tốt hơn nhiều người khác”, đồng chí Võ Văn Thưởng nói.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét