Thứ Hai, 31 tháng 5, 2021

MỘT SỐ GIẢI PHÁP ĐẤU TRANH, PHẢN BÁC CÁC QUAN ĐIỂM SAI TRÁI, THÙ ĐỊCH TRÊN INTERNET VÀ MẠNG XÃ HỘI HIỆN NAY

Nghị quyết 35-NQ/TW, ngày 22/10/2018 của Bộ Chính trị (khóa XII) xác định: “Bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác có hiệu quả các quan điểm sai trái, thù địch là một nội dung cơ bản, hệ trọng, sống còn của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân”. Do đó, việc nâng cao khả năng tự "đề kháng" của cán bộ, đảng viên và nhân dân, vạch trần bản chất và kiên quyết đấu tranh ngăn chặn, phản bác những luận điệu xuyên tạc, các quan điểm sai trái, thù địch trên môi trường internet và mạng xã hội là nhiệm vụ cấp thiết hiện nay.

Để đấu tranh làm thất bại âm mưu thủ đoạn của các thế lực thù địch cần thực hiện một số giải pháp thiết thực sau:

Thứ nhất, phát huy tốt vai trò của cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu nhất là vai trò, trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, quản lý chặt chẽ tình hình chính trị nội bộ, xử lý kịp thời những vấn đề tư tưởng nảy sinh.

Thứ hai, thường xuyên chủ động bám sát các vấn đề, sự kiện, cung cấp thông tin, định hướng tư tưởng trên internet, mạng xã hội. Với phương châm chỉ đạo công tác tư tưởng phải đi trước, đón đầu, hệ thống báo chí, phát thanh - truyền hình, truyền thanh các cấp chủ động thông tin đầy đủ, kịp thời chủ trương của Đảng và Nhà nước; tình hình của địa phương, trong nước và thế giới, nhất là các sự kiện chính trị, kinh tế, văn hóa quan trọng, những vấn đề nhạy cảm mới nảy sinh để đáp ứng nhu cầu nhận thức, thị hiếu chính đáng của nhân dân.

Thứ ba, tăng cường tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm, bản lĩnh chính trị cho cán bộ, đảng viên và nhân dân. Mỗi cán bộ, đảng viên và người dân phải chủ động nâng cao kiến thức mọi mặt nhằm tạo cho mình có nhận thức chính trị đúng đắn, ý thức kỷ luật khi tiếp xúc thông tin; nhận rõ tính chất nguy hại của thông tin xấu độc; chọn lọc khi tiếp cận các thông tin trên mạng xã hội.

Thứ tư, tăng cường quản lý, chủ động sử dụng các biện pháp kỹ thuật, ngăn chặn việc truy cập vào các trang mạng “độc hại” một cách hiệu quả.

Đấu tranh chống các quan điểm sai trái, thù địch trên internet và mạng xã hội là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng đối với các cấp ủy, tổ chức đảng, của hệ thống chính trị và mọi cán bộ, đảng viên. Các chủ trương, giải pháp cơ bản cần được triển khai đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm và có hệ thống có vậy mới ngăn chặn, bác bỏ các luận điệu xuyên tạc, quan điểm sai trái của các thế lực phản động, góp phần bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng./.

2 nhận xét:

  1. Các giải pháp này rất hay, cần thực hiện nghiêm túc

    Trả lờiXóa
  2. Chúng ta không nên tin các tổ chức thù địch; chúng chỉ xuyên tạc để chống phá Việt Nam mà thôi

    Trả lờiXóa