Trong gần 35 năm đổi mới, tư
tưởng dân chủ của Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tục được vận dụng sáng tạo để củng
cố mối quan hệ giữa Nhà nước và nhân dân trong bối cảnh phát triển kinh tế thị
trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và
hội nhập quốc tế. Vấn đề thực hành dân chủ, tăng cường mối quan hệ giữa Nhà
nước và nhân dân trong thời kỳ đổi mới theo tư tưởng Hồ Chí Minh đã đạt được
một số kết quả quan trọng.
Thứ nhất, thể chế hóa tư tưởng
Hồ Chí Minh về dân chủ, bảo đảm sự gắn bó mật thiết giữa Nhà nước với nhân dân
từng bước được tiến hành một cách đồng bộ, toàn diện.
Điều 69 Hiến pháp năm 2013 quy
định: “Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, cơ quan quyền lực
cao nhất của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Quốc hội thực hiện quyền
lập hiến, quyền lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám
sát tối cao đối với hoạt động của Nhà nước”. Theo đó, nhân dân thực hiện
quyền lực nhà nước bằng dân chủ trực tiếp và dân chủ đại diện thông qua Quốc
hội, hội đồng nhân dân các cấp và các cơ quan khác của Nhà nước. Hiến pháp năm
2013 đã chế định hóa đầy đủ về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của
công dân, đồng thời chế định thêm một số quyền mới như: Quyền sống (Điều 19);
các quyền về nghiên cứu khoa học và công nghệ; sáng tạo văn học, nghệ thuật và
thụ hưởng lợi ích từ hoạt động đó (Điều 40); quyền hưởng thụ và tiếp cận các
giá trị văn hóa, tham gia vào đời sống văn hóa, sử dụng các cơ sở văn hóa (Điều
41); quyền xác định dân tộc, sử dụng ngôn ngữ mẹ đẻ, lựa chọn ngôn ngữ giao
tiếp (Điều 42); quyền được sống trong môi trường trong lành (Điều 43); quyền
không bị trục xuất, giao nộp cho nhà nước khác (Khoản 2, Điều 17). Với tư cách
là một bộ phận cấu thành nên bộ máy quyền lực nhà nước, Quốc hội, đại biểu Quốc
hội trở thành cầu nối gắn kết chặt chẽ mối quan hệ giữa Nhà nước và nhân dân.
Do đó, Hiến pháp năm 2013 khẳng định: “Đại biểu Quốc hội là người đại diện cho
ý chí, nguyện vọng của nhân dân ở đơn vị bầu cử ra mình và của Nhân dân cả
nước” (Khoản 1, Điều 79). Bảo đảm sự tham gia của nhân dân vào công việc
quản lý của Nhà nước không chỉ được khẳng định trong Hiến pháp mà còn được cụ
thể hóa trong các luật.
Chính phủ với tư cách là cơ
quan “thực hiện quyền hành pháp”, cơ quan hành chính cao nhất và là cơ quan
chấp hành của Quốc hội đã chú trọng đề cao tính dân chủ và tính pháp quyền
trong điều hành, hướng đến xây dựng nền hành chính thống nhất, thông suốt,
trong sạch, vững mạnh, có hiệu lực và hiệu quả. Trong gần 35 năm đổi mới, Chính
phủ tập trung đổi mới, cải cách thể chế, bộ máy, công chức và tài chính công
theo hướng dân chủ, khoa học, hiện đại, chuyên nghiệp. Chương trình tổng thể
cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2001 - 2010 và giai đoạn 2011 - 2020 đã
được tiến hành nhằm xây dựng một nền hành chính chuyên nghiệp, hiện đại, văn
minh. Theo đó, một loạt các văn bản quy phạm pháp luật được ban hành(10); đồng
thời, Chính phủ từng bước đổi mới phương thức hoạt động, chuyển từ cơ chế quản
lý bằng mệnh lệnh, cơ chế xin - cho sang quản lý bằng pháp luật, đề cao trách
nhiệm phục vụ nhân dân.
Thứ hai, sự tham gia của nhân
dân vào đời sống chính trị và quản lý nhà nước ngày càng gia tăng.
Trên cơ sở triển khai thực
hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa
xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) và Hiến pháp năm 2013, Mặt trận
Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội đã tổ chức vận động nhân dân
tham gia tích cực vào việc thực hiện Hiến pháp và pháp luật; đồng thời, không
ngừng đổi mới phương thức, nội dung giám sát, phản biện xã hội, tham gia xây
dựng Đảng, Nhà nước. Các luật về tổ chức chính trị - xã hội, như Luật Công
đoàn, Luật Thanh niên, Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam... đã cụ thể hóa vai trò
của các tổ chức chính trị - xã hội được quy định trong Hiến pháp đối với công
việc quản lý nhà nước, giám sát và phản biện xã hội, góp phần quan trọng vào
xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Thông qua Nghị định số
29/1998/NĐ-CP, ngày 11-5-1998, của Chính phủ “Về việc ban hành Quy chế
thực hiện dân chủ ở xã”; Nghị định số 71/1998/NĐ-CP, ngày 08-9-1998, của
Chính phủ, về “Ban hành Quy chế thực hiện dân chủ trong hoạt động của
cơ quan”, Chính phủ đã bổ sung thêm cơ sở pháp lý để phương châm “Dân
biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” đi vào cuộc sống. Như vậy, thông qua các
thể chế pháp luật và các hoạt động của các tổ chức chính trị - xã hội, nhân dân
ngày càng tích cực, chủ động tham gia vào công việc của Nhà nước, đóng góp trí
tuệ, nhân tài, vật lực để xây dựng Nhà nước vững mạnh, bảo đảm sự gắn bó mật
thiết giữa Nhà nước với nhân dân.
Thứ ba, việc xây dựng đội ngũ
cán bộ, công chức, viên chức có sự phát triển đồng bộ cả về năng lực và phẩm
chất, góp phần quan trọng vào xây dựng Nhà nước trong sạch, vững mạnh.
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, cán
bộ là cái gốc của mọi công việc. Vì vậy, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức,
viên chức có đủ năng lực và phẩm chất tham gia vào bộ máy quản lý nhà nước
trong thời kỳ đổi mới đã được Đảng và Nhà nước ta hết sức quan tâm. Hội nghị
Trung ương 3 khóa VIII ban hành Nghị quyết số 03-NQ/TW, ngày 18/6/1997,
về “Chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa
đất nước”. Tiếp đó, Hội nghị Trung ương 9 khóa X ban hành Kết
luận “Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chiến lược cán bộ từ nay đến năm
2020”. Gần đây nhất, Hội nghị Trung ương 7 khóa XII ban hành Nghị
quyết “Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược,
đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ”. Luật Sửa đổi, bổ
sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức gần đây đã bổ
sung, làm rõ trách nhiệm của cán bộ, công chức và viên chức trong việc thực
hành công vụ, đưa ra những quy định tăng cường kỷ luật đối với công chức, viên
chức, xóa bỏ quan niệm “hạ cánh an toàn” của cán bộ, công chức về hưu mắc sai
lầm, khuyết điểm trước đó, cán bộ, công chức tham nhũng bị buộc thôi việc; xóa
bỏ chế độ “biên chế suốt đời” với viên chức; công khai kết quả đánh giá cán bộ,
công chức tại nơi làm việc...
Những vấn đề đặt ra:
Bên cạnh những thành tựu đạt
được, chúng ta có thể nhận thấy một số vấn đề đặt ra cần được tiếp tục giải
quyết như:
Một là, nhận thức về vai trò,
địa vị của nhân dân trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội vẫn còn chưa đầy
đủ và toàn diện. Quyền tiếp cận thông tin của nhân dân được luật hóa; tuy nhiên,
trong nhiều lĩnh vực hoạt động cũng như ở một số cơ quan nhà nước, kể cả ở
Trung ương và địa phương, vấn đề minh bạch hóa thông tin, nhất là trong công
tác tổ chức cán bộ, thi tuyển, bổ nhiệm cán bộ, công khai hóa các dự án để đấu
thầu, minh bạch hóa tài sản và thu nhập cá nhân, quản lý tài nguyên, môi
trường, quản lý tài chính công vẫn còn hạn chế. Trách nhiệm giải trình và xử lý
sau giải trình thông qua các kỳ họp Quốc hội và hội đồng nhân dân các cấp cho
thấy hiệu quả chưa cao, chưa đồng bộ. Vai trò kiểm tra, giám sát quyền lực nhà
nước của Quốc hội, hội đồng nhân dân các cấp và vai trò phản biện, giám sát xã
hội của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên chưa đạt được hiệu quả như
mong muốn. Các phương thức thực hiện quyền làm chủ trực tiếp còn hạn chế. Vấn
đề “bảo đảm để nhân dân tham gia ở tất cả các khâu của quá trình đưa ra những
quyết định liên quan đến lợi ích, cuộc sống của nhân dân” còn bất cập. Hơn nữa,
vấn đề quan tâm đến việc hưởng thụ các thành quả lao động
sáng tạo của nhân dân còn bộc lộ nhiều thiếu sót, dẫn đến tình trạng phân hóa
xã hội, lợi ích nhóm gia tăng, nguy cơ nghèo và tái nghèo tiềm ẩn cao.
Hai là, khoảng cách giữa việc ban hành luật pháp và thực hiện luật pháp chưa được rút ngắn. Trong quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam vừa qua, độ chênh giữa việc ban hành và thực hiện pháp luật còn có khoảng cách khá rõ. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do người dân chưa nhận thức rõ được vai trò của từng văn bản quy phạm pháp luật mà Nhà nước ban hành liên quan trực tiếp đến cuộc sống của họ.
Ba là, thực hành dân chủ đi đôi với giữ vững kỷ cương, kỷ luật còn nhiều bất cập. Trên thực tế, tình trạng “vừa thiếu dân chủ”, “vừa thiếu kỷ cương” chậm được khắc phục. Trong hoạt động của cơ quan nhà nước, còn không ít các biểu hiện mất dân chủ hoặc dân chủ cực đoan; việc thực hành dân chủ ở nhiều nơi, nhiều lúc còn mang tính hình thức, thực hiện pháp luật, kỷ cương không nghiêm. Quyền hạn và trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan công quyền chưa được quy định rõ ràng, thực hiện chưa nghiêm. Còn thiếu các chế tài bảo đảm thực thi dân chủ, giữ vững kỷ cương, kỷ luật.
Bài viết rất hữu ích
Trả lờiXóaChúng ta thật tự hào là người con của Việt Nam, là con cháu Bác Hồ; chúng ta nguyện sẽ suốt đời học tập và làm theo tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh
Trả lờiXóa