Thứ Ba, 18 tháng 5, 2021

CÔNG TÁC TƯ TƯỞNG LÀ QUAN TRỌNG NHẤT

Đặc biệt đánh giá cao vị trí, vai trò và tầm quan trọng của công tác tư tưởng trong tiến trình lãnh đạo cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh coi công tác lãnh đạo tư tưởng là quan trọng nhất, là bộ phận trọng yếu của công tác xây dựng Đảng, là nhân tố cấu thành quan trọng hàng đầu trong sự lãnh đạo của Đảng đối với xã hội. Trong tư duy và hành động của Người, sinh mệnh của Đảng, sự thành bại của cách mạng có quan hệ trực tiếp với hoạt động tư tưởng của Đảng. Vì thế, thấm nhuần quan điểm của C. Mác: “Vũ khí của sự phê phán cố nhiên không thay thế được sự phê phán của vũ khí, lực lượng vật chất chỉ có thể bị đánh đổ bằng lực lượng vật chất, nhưng lý luận cũng sẽ trở thành lực lượng vật chất một khi nó xâm nhập vào quần chúng”, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Giáo dục tư tưởng và lãnh đạo tư tưởng là việc quan trọng nhất của Đảng, phải kiên quyết chống cái thói xem nhẹ tư tưởng”. Theo đó, cán bộ lãnh đạo và cán bộ các ngành, tư tưởng phải thông, phải thật thông. Phải có quyết tâm khắc phục khó khăn, làm tròn nhiệm vụ”; đồng thời, “phải đánh thông tư tưởng và động viên sáng kiến và lực lượng của toàn Đảng, toàn dân. Mọi người quyết tâm làm cho được và tin tưởng làm nhất định được”.

Gắn liền với quá trình dự báo và định hướng, Chủ tịch Hồ Chí Minh coi công tác tư tưởng là một mặt trận thuộc lĩnh vực tinh thần. Trong tổ chức thực hiện, bao giờ công tác tư tưởng cũng phải đi trước một bước, phải không ngừng đổi mới để phù hợp với những điều kiện cụ thể của hoàn cảnh, đối tượng, phục vụ cho sự nghiệp chung của cách mạng. Theo Người, công tác tư tưởng có đối tượng tác động là tư tưởng và tình cảm của con người, nhằm trang bị nhận thức, hình thành niềm tin và chỉ đạo hành động cách mạng cho quần chúng. Khi tiến hành làm công tác tư tưởng, chủ yếu lấy giáo dục, thuyết phục làm chính, không dùng biện pháp hành chính, nên yêu cầu mọi cán bộ, đảng viên của Đảng, nhất là người làm công tác tư tưởng phải là chiến sĩ xung kích trên mặt trận ấy, phải thấu hiểu sâu sắc rằng: “Tuyên truyền là đem một việc gì nói cho dân hiểu, dân nhớ, dân theo, dân làm. Nếu không đạt được mục đích đó, là tuyên truyền thất bại”. Vì vậy, vừa không thể xem nhẹ, vừa đòi hỏi chủ thể của công tác tư tưởng phải thấu hiểu mục đích, nội dung và đối tượng định tuyên truyền.

Vì công tác tư tưởng có đặc thù chuyên môn là một nhiệm vụ khó khăn, phức tạp, phải tiến hành mọi nơi, mọi lúc, với mọi đối tượng, nên để đạt được hiệu quả cao; để cho chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đi vào thực tiễn cuộc sống; để đảm bảo cho con người được tuyên truyền có niềm tin, giữ vững niềm tin, hành động tích cực, sáng tạo đúng mục đích của Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu người cán bộ làm công tác tư tưởng phải là những người “vừa hồng vừa chuyên”. Đó phải là những người trung thành, kiên định với những nguyên lý của học thuyết Mác Lênin và đường lối, quan điểm của Đảng; có bản lĩnh chính trị vững vàng, “quyết tâm suốt đời đấu tranh cho Đảng, cho cách mạng. Đó là điều chủ chốt nhất”... Người làm công tác tư tưởng phải học tập không ngừng và học tập ở mọi nơi, mọi lúc để làm giàu vốn tri thức của mình. Mỗi người đều phải “học chính trị, học văn hóa, học kỹ thuật nghiệp vụ. Ngoài cách học ở trường, ở lớp, học trên sách báo… có một cách học rất tốt ai cũng có thể tham gia hằng ngày. Đó là cách học tập ngay trong sản xuất, học tập những người, những tổ, những đơn vị tiên tiến”, để có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ không lạc hậu, thoái bộ so với yêu cầu của thực tiễn. Cùng với đó là sự tâm huyết với công việc, tinh thần trách nhiệm cao và luôn gương mẫu về đạo đức cách mạng, thực hành “cần kiệm, liêm chính, chí công, vô tư”, trung thực, thẳng thắn, lời nói phải đi đôi với việc làm; đồng thời, phải luôn rèn luyện bản lĩnh chính trị, nâng cao trình độ lý luận, gắn liền công tác lý luận với thực tiễn cách mạng, phải sâu sát thực tế và liên hệ mật thiết với quần chúng… Đó chính là yêu cầu về tài và đức - những nhân tố làm nên thành công của người làm công tác tư tưởng.

Để công tác tư tưởng đạt được hiệu quả thiết thực, luôn hướng về cơ sở, phản ánh thực tiễn sinh động của cơ sở, thì cán bộ làm công tác tư tưởng - công tác tuyên giáo phải chú trọng tuyên truyền. Khi viết hay nói, bao giờ cũng phải tự hỏi: Viết cho ai xem? Nói cho ai nghe? Nói và viết thế nào cho dễ nghe, dễ hiểu?... để “mỗi tư tưởng, mỗi câu nói, mỗi chữ viết, phải tỏ rõ cái tư tưởng và lòng ước ao của quần chúng”. Hơn nữa, vì đối tượng tuyên truyền ở các địa bàn, vùng miền khác nhau; giới tính, độ tuổi, trình độ, giai tầng khác nhau, nên khi tuyên truyền, người cán bộ làm công tác tư tưởng phải điều tra, phân tách, nghiên cứu, để nắm bắt và hiểu rõ tâm tư, nguyện vọng của đối tượng, từ đó chọn cách nói phù hợp (khi sắc sảo, lập luận chặt chẽ, khi giản đơn, rõ ràng, thiết thực, có đầu, có đuôi, sao cho ai cũng hiểu được, nhớ được…). Hơn bao giờ hết, để hoàn thành trọng trách là vũ khí sắc bén của Đảng; trang bị nhận thức, hình thành niềm tin và chỉ đạo hành động cách mạng cho quần chúng; góp phần đấu tranh, bảo vệ và phát triển chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; góp phần xây dựng đạo đức cách mạng, lối sống xã hội chủ nghĩa cho quần chúng nhân dân, người làm công tác tư tưởng không thể lơ là, giản đơn nhiệm vụ của mình. Trong mọi thời điểm, phải khắc phục tình trạng ở “nhiều địa phương, anh em thông tin tuyên truyền lầm tưởng mình là công chức, làm việc theo cách bàn giấy mà quên nhiệm vụ của mình là tuyên truyền, cổ động, giải thích và huấn luyện cho nhân dân”…

Thực tiễn cho thấy, ở mỗi giai đoạn cách mạng có những nhiệm vụ chính trị khác nhau, do đó công tác tư tưởng có những mục tiêu khác nhau, nhằm góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ từng thời kỳ. Song, để hoàn thành trọng trách của mình, đảm bảo cho công tác tư tưởng có sức sống, sức thuyết phục, thì người làm công tác tư tưởng phải luôn rèn đức, luyện tài để thuyết phục quần chúng từ hiểu chưa đúng đến hiểu đúng, từ chưa tin yêu đến tin tưởng, đảm bảo cho quần chúng hành động tích cực, sáng tạo, đúng mục đích.

2 nhận xét: