Cuộc bầu cử Quốc hội
và Hội đồng nhân dân các cấp vừa diễn ra thắng lợi, thực sự là
ngày hội của toàn dân. Thành công của bầu cử tiếp tục chứng minh
sức mạnh vĩ đại của nhân dân, nhân dân chính là người làm nên lịch
sử và Đảng Cộng sản Việt Nam đã kế thừa xuất sắc bài học “lấy dân
làm gốc” đã được cha ông ta tổng kết trong suốt chiều dài lịch sử
dựng nước và giữ nước.
Trong suốt chiều dài lịch
sử hàng ngàn năm qua, ông cha ta đã kiên cường đối chọi với nhiều kẻ thù hung bạo
mạnh hơn mình gấp nhiều lần để giữ vững toàn vẹn chủ quyền quốc gia, lãnh thổ
và để lại giang sơn gấm vóc cho con cháu hôm nay. Cũng bởi hàng nghìn năm phải
chống chọi với ngoại xâm đô hộ, với thiên tai khắc nghiệt, cha ông chúng ta đã
thấu hiểu một chân lí rằng sức mạnh vĩ đại nhất để chiến thắng kẻ thù, để khắc
chế thiên tai chính là sức mạnh của lòng dân chứ không phải ở vũ khí tối tân
hay ở thành cao, hào sâu, lũy dày…
Các anh hùng dân tộc, những
cá nhân kiệt xuất trong lịch sử là những người đầu tiên thấy được vai trò của
nhân dân trong đấu tranh giải phóng dân tộc. Họ đã sớm nhận thấy vai trò của cá
nhân anh hùng và quần chúng nhân dân gắn bó với nhau mật thiết, thống nhất lại
thành một sức mạnh quyết định sự phát triển của lịch sử, như Nguyễn Trãi đã kết
luận: “Lật thuyền mới biết sức dân như nước” cho nên “việc nhân nghĩa cốt ở yên
dân”, cùng với đó, triều đình cần phải có những chính sách đối nội, đối ngoại hợp
lòng dân. Khi được vua Lê Thái Tông sai soạn lễ nhạc cung đình (nhã nhạc), Nguyễn
Trãi tâu, xin nhà vua hãy chăm dân “Sao cho khắp thôn cùng xóm vắng không một
tiếng hờn giận oán sầu” và ông cho rằng, đó chính là “gốc của nhạc”.
Thế kỷ thứ XIII, vó ngựa
của quân Mông - Nguyên dày xéo, xâm chiếm hầu như khắp các châu lục thì quân
dân Đại Việt nhà Trần đã 3 lần buộc đội quân hung bạo ấy phải dừng chân. Tổng kết
cả 3 lần chiến thắng ấy, Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn đã đúc kết đó là chiến
thắng của “Vua tôi đồng lòng, anh em hòa mục, cả nước giúp sức”. Vì vậy, theo
ông "khoan thư sức dân để làm kế sâu rễ, bền gốc ” là “thượng sách giữ
nước” phải gắn bó với nhân dân và phát huy sức mạnh của nhân dân, phải coi trọng
sức mạnh của cộng đồng.
Nguyễn Bỉnh Khiêm kế thừa
tư tưởng thân dân của dân tộc, có cuộc sống gắn bó với nhân dân nên tư tưởng trị
nước của ông có nội dung lấy dân làm gốc. Ông chỉ ra rằng: “Cổ lai quốc dĩ dân
vi bản. Đắc quốc ưng tri tại đắc dân” (Xưa nay nước lấy dân làm gốc. Được nước
nên hay bởi được dân.)
Từ xưa đến nay dân bao giờ
cũng là gốc của nước, có dân mới có nước, có nước mới có vua, ý dân là ý trời,
được lòng dân là được lòng trời. Lòng dân là yếu tố quyết định sự thịnh suy, tồn
vong của vương triều. Trong nước, khi chính sự khắc nghiệt, thuế khóa nặng nề,
quan lại tham nhũng, trăm họ phiêu bạt, dân tình đói khát khiến lòng dân bất an
chính là cái thế nguy hiểm cho vương triều. Tuy nhiên, làm thế nào để có dân
làm gốc là vấn đề không phải lúc nào người cầm quyền cũng có thể thực hiện được.
Dưới chế độ tư hữu phong kiến, lợi ích vật chất gắn liền với địa vị, điều đó đã
làm cho các bậc vua chúa, tầng lớp quan lại lợi dụng chức quyền, vơ vét của cải
để làm giàu. Khái quát lịch sử, Nguyễn Bỉnh Khiêm khuyên nhà cầm quyền: không
được tham lam; đừng vì tiền bạc mà mất lòng dân; phải quan tâm đến dân. Lê
Thánh Tông quan tâm đến nhân dân thông qua chủ trương “quả dục”. “Quả dục” là
phải tu dưỡng sao cho ít tham vọng cá nhân để khỏi làm hại đến lợi ích của dân,
của nhà nước phong kiến.
Nhìn lại lịch sử, nhà Hồ
là triều đại phong kiến đã xây dựng được đội quân đông đảo nhưng đây cũng là
triều đình đã để nước Việt mất về tay quân thù nhanh nhất. Sau khi lên ngôi, Hồ
Quý Ly đặc biệt chú trọng đến việc tổ chức lại quân đội, mở xưởng rèn đúc vũ
khí, đóng tàu thuyền, xây đắp hệ thống thành lũy, củng cố các nơi hiểm yếu để
phòng thủ đất nước. Tuy nhiên, khi nhà Minh tiến hành xâm lược nước ta (1406),
chưa đầy một năm chống giặc, mặc dù nhà Hồ đã có nhiều cố gắng xây thành cao,
hào sâu, sản xuất nhiều vũ khí,.. để chống lại kẻ thù nhưng vẫn bị thất bại. Lấy
được ngôi từ nhà Trần, nhà Hồ đã để mất lòng dân khi không dựa vào sức mạnh của
nhân dân để chống giặc mà lại ỷ vào thành cao, hào sâu. Vì vậy, trong suốt cuộc
chiến đấu ngắn ngủi ấy, “Nhà Hồ đánh giặc một mình” (Nguyễn Trãi). Dẫu nhà Hồ
có thành cao hào sâu, có vũ khí tối tân là súng thần công thì cũng không thể
ngăn được quân thù. Tả tướng quốc Hồ Nguyên Trừng - con trai cả của Hồ Quý Ly
cũng nhận ra điều này, khi cay đắng mà thừa nhận “Thần không sợ đánh, chỉ sợ
lòng dân không theo mà thôi”. Thua trận rồi mới hiểu cái gì là gốc, cái gì là
ngọn, nguyên nhân thất bại của nhà Hồ chính là không được lòng dân, như Nguyễn
Trãi đã đánh giá rất sâu sắc: “Vì họ Hồ chính sự phiền hà, để đến nỗi lòng người
oán hận”.
Từ bài học thành công
cũng như thất bại trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta cho thấy,
trong mọi hoạt động, người lãnh đạo phải quán triệt sâu sắc quan điểm dân là gốc,
khơi dậy sức sáng tạo, sự ủng hộ của nhân dân, tôn trọng, bảo vệ quyền và lợi
ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân.
Ý thức sâu sắc về vai trò
của nhân dân trong lịch sử, về bài học lòng dân là nhân tố quyết định thành
công của cách mạng, với quan điểm chắc chắn về sự nghiệp cách mạng là của quần
chúng nhân dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra vai trò là gốc, là chủ cách mạng
của nhân dân, nó được thể hiện trong tất cả các mặt: trong lao động sản xuất,
trong sáng tạo ra các giá trị văn hoá và tinh thần, trong đấu tranh cách mạng.
Vì thế, Người thường xuyên nhắc nhở cán bộ phải luôn luôn gần gũi nhân dân, dựa
vào lượng vô cùng tận của nhân dân, như lời Người đã dạy: “Gốc có vững cây mới
bền. Xây lầu thắng lợi trên nền nhân dân”, bởi vậy "Việc gì lợi cho dân,
ta phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân ta phải hết sức tránh".
Những năm gần đây, việc học
tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đã giúp cho đội ngũ
cán bộ lãnh đạo, quản lý xây dựng được phong cách làm việc ngày càng “gần dân,
hiểu dân, hỏi dân” hơn. Phần lớn cán bộ lãnh đạo quản lý đã nhận thức rõ được vị
trí, vai trò làm chủ của nhân dân, phát huy dân chủ, chú trọng chăm lo đời sống
cho nhân dân, ý thức vì dân, tôn trọng nhân dân của các cấp ủy đảng, chính quyền,
đoàn thể có chuyển biến rõ nét. Nhiều người đứng đầu các tỉnh, thành phố, quận,
huyện trực tiếp gặp gỡ, đối thoại với dân, tháo gỡ nhiều vướng mắc. Các địa
phương đồng loạt vào cuộc với tinh thần cải cách mạnh mẽ.
Tuy nhiên, vẫn còn một bộ
phận không nhỏ cán bộ lãnh đạo quản lý bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập trong cách
làm việc với nhân dân. Những hạn chế, yếu kém này đã được Nghị quyết Hội nghị lần
thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn
Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống,
những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ chỉ rõ: “Nhiều cán
bộ, đảng viên, trong đó có người đứng đầu chưa thể hiện tính tiên phong, gương
mẫu; còn biểu hiện quan liêu, cửa quyền, chưa thực sự sâu sát thực tế, cơ sở; rồi
“Quan liêu, xa rời quần chúng, không sâu sát cơ sở, thiếu kiểm tra, đôn đốc,
không nắm chắc tình hình địa phương, cơ quan, đơn vị mình; thờ ơ, vô cảm, thiếu
trách nhiệm trước những khó khăn, bức xúc và đòi hỏi chính đáng của nhân dân.”
Với quan điểm "lấy
dân làm gốc", dân làm nên thắng lợi vĩ đại của các cuộc cách mạng, dân xây
dựng và bảo vệ đất nước, dân xây dựng Đảng… kể từ khi ra đời, Đảng ta đã luôn
thấu suốt và vận dụng bài học ấy trong suốt hơn 90 năm qua, nó trở thành quan hệ
máu thịt, sự sống còn của Đảng và của dân tộc. Bài học lòng dân - vận nước cần
phải được khắc sâu, ghi nhớ, phát huy và giữ gìn trên cơ sở Đảng phải luôn
trong sạch, vững mạnh, phải vì dân, vì nước. Biết lấy dân làm gốc Đảng sẽ trường
tồn, đất nước sẽ thịnh vượng, nhân dân hạnh phúc.
Trước yêu cầu mới của sự
nghiệp cách mạng, bài học về sức mạnh của lòng dân vẫn còn nguyên giá trị cho đến
hôm nay để các tổ chức trong hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở cần
phát huy dân chủ rộng rãi, thực hiện tốt phương châm “Dân biết, dân bàn, dân
làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” gắn với tăng cường kỷ cương,
pháp luật. Đặc biệt, để nhân dân tin Đảng, đi theo Đảng cần phải lựa chọn và
xây dựng được đội ngũ cán bộ thật sự tài năng, tâm huyết; phải chống được quan
liêu, tham nhũng, lãng phí thì mới góp phần củng cố niềm tin của nhân dân vào
sự lãnh đạo của Đảng.
Nhân dân ta hết lòng ủng hộ Đảng CSVN
Trả lờiXóaĐể nhân dân tin Đảng, đi theo Đảng cần phải lựa chọn và xây dựng được đội ngũ cán bộ thật sự tài năng, tâm huyết; phải chống được quan liêu, tham nhũng, lãng phí thì mới góp phần củng cố niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng.
Trả lờiXóa