Quốc hội khoá I - Quốc hội ra
đời từ lòng dân, bao gồm đầy đủ các tầng lớp, các giới, các đảng phái chính trị
ở cả 3 miền Bắc - Trung - Nam, gồm 333 đại biểu (trong đó, Bắc Bộ có 152 đại
biểu, Trung Bộ có 108 đại biểu, Nam Bộ có 73 đại biểu). Cùng với 70 đại biểu
không thông qua bầu cử, Quốc hội khoá I có 403 đại biểu, với đầy đủ các thành
phần công nhân, nông dân, trí thức, các nhà tư sản, người buôn bán… là hình ảnh
tượng trưng cho khối toàn dân đoàn kết, minh chứng hùng hồn cho việc thực hiện
tư tưởng Hồ Chí Minh về quyền lực của nhân dân.
Theo quy định, cơ quan quyền
lực nhà nước cao nhất của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - được gọi là Nghị
viện nhân dân có nhiệm kỳ là 3 năm (Điều 24, Hiến pháp 1946) và Quốc hội có
nhiệm kỳ 4 năm (Điều 45, Hiến pháp 1959). Tuy nhiên do điều kiện chiến tranh
kéo dài, vì vậy cuộc bầu cử Quốc hội khoá II (ngày 8/5/1960), khoá III (ngày
26/4/1964), khoá IV (ngày 11/4/1971) và khoá V (ngày 6/4/1975) chỉ được tiến
hành ở miền Bắc xã hội chủ nghĩa. Thực tế là, dù chỉ bầu cử ở miền Bắc, song
Quốc hội khoá II, III, IV, V vẫn là cơ quan đại diện quyền lực của nhân dân cả
nước, bởi số đại biểu miền Nam vẫn tiếp tục làm nhiệm vụ trong Quốc hội. Quyết
định lưu nhiệm các đại biểu Quốc hội miền Nam do nhân dân cả nước bầu ra trong
Tổng tuyển cử ngày 6/1/1946 thực sự là biểu tượng của sự đoàn kết, nhất trí
toàn dân tộc, kiên trì vì mục tiêu giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.
Từ cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc
hội khoá I cho đến ngày miền Nam được hoàn toàn giải phóng (1946 -1975), đất
nước ta đã trải qua nhiều biến cố và Quốc hội cũng đã nhiều lần được bầu lại.
Nhiệm vụ chính trị của Quốc hội ở mỗi thời kỳ tuy có khác nhau, song đó vẫn
thực sự là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Việt Nam Dân chủ Cộng
hòa như tâm nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Có thể nói, dù ở vào giai đoạn
lịch sử nào của đất nước, Quốc hội cũng đều thể hiện rõ chức năng “cơ quan đại
biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất”, “cơ quan duy
nhất có quyền lập hiến và lập pháp”...
Hiến pháp 1946, Hiến pháp 1959
đã trao cho Quốc hội những quyền hạn và nhiệm vụ rộng lớn, thể hiện tập trung
quyền của nhân dân lao động. Những quyền đó được ghi thành văn, với các điều
kiện bảo đảm thực hành như mọi nền dân chủ đạt trình độ cao trên thế giới.
Sau thắng lợi của cuộc Tổng
tiến công mùa xuân năm 1975, một đất nước Việt Nam hoà bình, thống nhất cùng đi
lên chủ nghĩa xã hội đã đặt ra cho Quốc hội - cơ quan đại biểu cao nhất của
nhân dân những trọng trách mới. Nhiệm vụ mới đòi hỏi Quốc hội phải có một cơ
cấu phản ánh được tính chất toàn dân tộc. Hội nghị Hiệp thương chính trị thống
nhất Tổ quốc, ngày 21/11/1975 đã nhất trí nhận định: cách mạng Việt Nam đã
chuyển sang một giai đoạn mới, giai đoạn cả nước cùng làm cách mạng xã hội chủ
nghĩa và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Đồng thời, Hội nghị nhất trí khẳng định
việc cần thiết phải tổ chức Tổng tuyển cử trên toàn bộ lãnh thổ Việt Nam để bầu
Quốc hội chung cho cả nước, vì: Thực hiện thống nhất nước nhà về mặt Nhà nước
là khâu then chốt, nó tạo điều kiện để thống nhất nước nhà về các mặt khác một
cách thuận lợi. Hội nghị không chỉ đạt được sự nhất trí cao về chủ trương,
phương hướng mà còn đề ra những biện pháp cụ thể để thực hiện ý nguyện của toàn
dân - đó là tiến hành Tổng tuyển cử bầu Quốc hội cho một nước Việt Nam thống
nhất. Theo quyết định, “cuộc Tổng tuyển cử sẽ tiến hành trong nửa đầu năm 1976,
theo đúng nguyên tắc dân chủ: phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín.
Số đại biểu Quốc hội sẽ tính theo số dân. Khoảng 100.00 dân sẽ được bầu 1 đại
biểu”.
Từ tháng 2/1976, công tác tuyên
truyền, vận động nhân dân tiến tới Tổng tuyển cử được triển khai trong phạm vi
cả nước. Ngày 25/4/1976, trong niềm vui chung “Bắc Nam sum họp một nhà, non
sông liền một dải”, nhân dân cả nước đã tham gia cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc
hội khoá VI của nước Việt Nam thống nhất. Đây là lần thứ hai cuộc Tổng tuyển cử
đước tiến hành trong cả nước, sau 30 năm kể từ cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên
(6/1/1946). Hơn 23 triệu cử tri (98,8% tổng số cử tri) đã đi bầu cử và bầu được
492 đại biểu vào Quốc hội khoá VI của nước Việt Nam hoà bình, thống nhất. Với
492 đại biểu, trong đó (có 80 người là công nhân, 100 người là nông dân, 6
người là tiểu thủ công nghiệp, 54 người là chiến sĩ quân đội nhân dân, 141
người là cán bộ chính trị, 98 người là trí thức và nhân sĩ, 13 người là các
thành phần tôn giáo), Quốc hội khoá VI là một thắng lợi có ý nghĩa quyết định
trên con đường tiến tới hoàn thành thống nhất về mặt nhà nước.
Tổng tuyển cử ngày 25/4/1976 là
một sự kiện trọng đại trong đời sống chính trị của nước ta. Lịch sử dân tộc ta
đã chuyển sang một bước ngoặt vĩ đại. Trong kỷ nguyên mới của đất nước, Quốc
hội khoá VI tiếp tục hoàn thành thống nhất đất nước trên tất cả các lĩnh vực
chính trị, tư tuởng, kinh tế, văn hoá, xã hội gắn với việc thực hiện những
nhiệm vụ của công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội trên phạm vi cả nước. Thực
hiện khát vọng của Người, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, nhân
dân cả nước quyết tâm xây dựng một nước Việt Nam đàng hoàng hơn, to đẹp hơn.
Tiếp tục một cách xứng đáng những thành tựu, những bài học kinh nghiệm của Quốc
hội các khóa I, II, III, IV, V, Quốc hội khoá VI - Quốc hội của nước Việt Nam
thống nhất đã trở thành nhân tố quan trọng trong hệ thống chính trị của đất
nước để tổ chức nhân dân xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Trong thời kỳ đổi mới và hội
nhập quốc tế, đặc biệt là từ sau Đại hội Đảng lần thứ VII (6/1991), khi Đảng
tuyên bố xây dựng nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa theo tư tưởng
Hồ Chí Minh thì vị trí, vai trò của Quốc hội ngày càng tăng lên mạnh mẽ. Điều
này không chỉ dừng ở việc chuẩn bị và tiến hành bầu cử Quốc hội ở các khoá (từ
khóa VII đến khóa XIV và chuẩn bị bầu cử Quốc hội khóa XV vào ngày 23/5/2021
sắp tới) mà còn thể hiện ở việc đổi mới tổ chức và hoạt động của Quốc hội trên
nhiều mặt. Cùng với Hiến pháp 1980, Hiến pháp 1992 và gần nhất là Hiến pháp
2013, việc ban hành nhiều văn bản pháp luật thiết thực, phù hợp với nhu cầu của
thực tiễn, đổi mới quy trình xây dựng pháp luật, nâng cao chất lượng các luật;
đổi mới các hoạt động giám sát để tăng cường hiệu lực, hiệu quả; chủ động xem
xét và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước; đồng thời, tăng cường
các hoạt động mở rộng quan hệ đối ngoại của Quốc hội với Quốc hội các nước, các
tổ chức quốc tế vì hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển… đã làm cho Quốc
hội ngày càng thể hiện rõ vai trò của cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất.
Nhìn lại quá trình ra đời và
phát triển của Quốc hội, có thể thấy rằng Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ đặc
biệt quan tâm đến cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội khoá I mà trong các kỳ bầu cử
tiếp theo, Người cũng chú trọng việc bầu cử để thành lập cơ quan đại diện quyền
lực của nhân dân. Thực hiện theo tư tưởng của Người, trong bất kỳ hoàn cảnh
nào, Quốc hội Việt Nam cũng hoạt động ngày càng hiệu quả để làm tròn một cách
vẻ vang nhiệm vụ là những người đại biểu của nhân dân, thực sự hết lòng vì dân,
vì nước; được nhân dân, cử tri cả nước tín nhiệm và đồng tình ủng hộ.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Quốc
hội Việt Nam đã không ngừng mở rộng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phát huy
dân chủ, thực hiện tốt chức năng là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, cơ
quan đại diện cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Truyền
thống đoàn kết, vì dân, vì nước của Quốc hội khoá I do Chủ tịch Hồ Chí Minh hết
lòng chăm lo xây dựng và phát triển đã đưa kháng chiến đến thắng lợi thì nhất
định vẫn sẽ là một trong những nhân tố quan trọng để Quốc hội Việt Nam khóa XIV
và các khóa tiếp theo đồng hành cùng dân tộc, thực hiện thành công sự nghiệp
đổi mới, vì một nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa phát triển phồn vinh và hạnh
phúc.
Bài viết rất hấp dẫn bạn đọc
Trả lờiXóaDưới sự lãnh đạo của Đảng, Quốc hội Việt Nam đã không ngừng mở rộng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phát huy dân chủ, thực hiện tốt chức năng là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, cơ quan đại diện cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Trả lờiXóa