Chúng ta không thể phủ nhận
một hiện thực là sự sụp đổ của chủ nghĩa xã hội hiện thực ở Liên Xô và Đông Âu
là một bước lùi lịch sử của phong trào cộng sản và công nhân toàn thế giới. Đó
cũng là một tổn thất to lớn cho phong trào đấu tranh cho những mục tiêu cao cả
và tốt đẹp của nhân loại: hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ, tiến bộ xã hội và
hạnh phúc của con người. Ngay cả khi chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và Đông Âu
lâm vào thoái trào rồi khủng hoảng, sụp đổ vào những năm 90 của thế kỷ XX, Đảng
ta vẫn luôn vững vàng niềm tin về tương lai của lịch sử loài người là chủ nghĩa
xã hội: “Lịch sử thế giới đang trải qua những bước quanh co; song, loài
người cuối cùng nhất định sẽ tiến tới chủ nghĩa xã hội vì đó là quy luật tiến
hoá của lịch sử”; “Đi lên chủ nghĩa xã hội là khát vọng của nhân dân ta, là sự
lựa chọn đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, phù hợp với
xu thế phát triển của lịch sử”.
Trong bài viết, đồng
chí Tổng Bí thư đã khẳng định: “Trong những năm tiến hành công cuộc đổi mới,
từ tổng kết thực tiễn và nghiên cứu lý luận, Đảng Cộng sản Việt Nam từng bước
nhận thức ngày càng đúng đắn hơn, sâu sắc hơn về chủ nghĩa xã hội và thời kỳ
quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội; từng bước khắc phục một số quan niệm đơn giản
trước đây”. Điều này chứng tỏ, chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa
xã hội ở Việt Nam là một hành trình trong cả nhận thức và bước đi, trong cả tư
duy lý luận và thực tiễn vận động, phát triển. Bài viết đã cô đọng, khái quát lại
những đặc trưng cơ bản của chế độ xã hội chủ nghĩa mà Đảng và nhân dân ta đang
xây dựng. Đó là một xã hội dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn
minh; do nhân dân làm chủ; có nền kinh tế phát triển cao, dựa trên lực lượng sản
xuất hiện đại và quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp; có nền văn hoá tiên tiến, đậm
đà bản sắc dân tộc; con người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện
phát triển toàn diện; các dân tộc trong cộng đồng Việt Nam bình đẳng, đoàn kết,
tôn trọng và giúp đỡ nhau cùng phát triển; có Nhà nước pháp quyền xã hội chủ
nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân do Đảng Cộng sản lãnh đạo; có quan
hệ hữu nghị và hợp tác với các nước trên thế giới.
Bài viết còn nhấn mạnh lại
những vấn đề cơ bản về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, trong đó
có việc bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa. Ở Đại hội IX, Đảng ta đã đưa ra nội hàm
rất cụ thể, rõ ràng về việc “bỏ qua”: “Con đường đi lên của nước ta là sự
phát triển quá độ lên chủ nghĩa xã hội, bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa, tức là
bỏ qua việc xác lập vị trí thống trị của quan hệ sản xuất và kiến trúc thượng tầng
tư bản chủ nghĩa nhưng tiếp thu, kế thừa những thành tựu mà nhân loại đã đạt được
dưới chế độ tư bản chủ nghĩa, đặc biệt về khoa học và công nghệ để phát triển
nhanh lực lượng sản xuất, xây dựng kinh tế hiện đại. Xây dựng chủ nghĩa xã hội
bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa, tạo sự biến đổi về chất của xã hội trên các
lĩnh vực là sự nghiệp rất khó khăn, phức tạp, cho nên phải trải qua một thời kỳ
quá độ lâu dài với nhiều chặng đường, nhiều hình thức tổ chức kinh tế, xã hội
có tính chất quá độ”. Tuy nhiên, phần là do mơ hồ về nhận thức, song cũng
phần lớn do có tư tưởng chống phá, nhiều đối tượng đã cố tình bóp méo, xuyên tạc
về việc bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa ở Việt Nam. Họ cho rằng “việc Đảng Cộng
sản Việt Nam nói về vấn đề bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa là chủ quan, duy ý
chí, trái với quy luật khách quan”. Vì vậy trong bài viết, đồng chí Tổng Bí thư
đã khẳng định rõ ràng thêm: “Nói bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa là bỏ qua chế độ
áp bức, bất công, bóc lột tư bản chủ nghĩa; bỏ qua những thói hư tật xấu, những
thiết chế, thể chế chính trị không phù hợp với chế độ xã hội chủ nghĩa, chứ
không phải bỏ qua cả những thành tựu, giá trị văn minh mà nhân loại đã đạt được
trong thời kỳ phát triển chủ nghĩa tư bản. Đương nhiên, việc kế thừa những
thành tựu này phải có chọn lọc trên quan điểm khoa học, phát triển”. Luận
điểm này không chỉ tiếp tục khẳng định, làm rõ hơn quan điểm của Đảng ở Đại hội
IX mà đề ra nguyên tắc quan trọng trong việc kế thừa những thành tựu của chủ
nghĩa tư bản trong xây dựng ở Việt Nam. Đó là phải dựa trên quan điểm khoa
học và phát triển.
Bài viết cũng đã chỉ ra
những kết quả to lớn, có ý nghĩa lịch sử trên tất cả những phương diện mà nước
ta đã đạt được qua 35 năm tiến hành đổi mới, đặc biệt là những kết quả,
thành tích đặc biệt mà Việt Nam đã đạt được trong bối cảnh đại dịch
Covid-19 và suy thoái kinh tế toàn cầu trong năm 2020. Từ đó, đồng chí Tổng
Bí thư khẳng định lại nhận định của Đại hội XIII khi đánh giá những kết quả mà
đất nước ta, nhân dân ta đã đạt được qua 35 năm đổi mới và 3o năm thực hiện
Cương lĩnh 1991: Qua 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới, 30 năm thực hiện
Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, lý luận
về đường lối đổi mới, về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở
nước ta ngày càng được hoàn thiện và từng bước được hiện thực hoá.
Bên cạnh đó, bài viết
cũng chỉ ra những khuyết điểm, hạn chế và những thách thức mới phải đối mặt
trong quá trình phát triển đất nước. Bài viết khẳng định những hạn chế, khuyết
điểm đó là không thể tránh khỏi nên “cần được xem xét một cách tỉnh táo và xử
lý một cách kịp thời, hiệu quả”. Qua bài viết, đồng chí Tổng Bí thư vẫn tiếp tục
khẳng định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam là một tất yếu khách
quan, thành công hay thất bại phụ thuộc phần lớn vào sự đúng đắn của đường lối,
bản lĩnh chính trị, năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng Cộng sản Việt
Nam: “Đi lên theo định hướng xã hội chủ nghĩa là một quá trình không ngừng củng
cố, tăng cường, phát huy các nhân tố xã hội chủ nghĩa để các nhân tố đó ngày
càng chi phối, áp đảo và chiến thắng. Thành công hay thất bại là phụ thuộc trước
hết vào sự đúng đắn của đường lối, bản lĩnh chính trị, năng lực lãnh đạo và sức
chiến đấu của Đảng”. Đây là một luận điểm quan trọng đã chỉ ra cách thức,
nguyên tắc trong xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Đó là không ngừng củng cố,
tăng cường, phát huy các nhân tố xã hội chủ nghĩa, để cho những nhân tố đó ngày
càng chiếm ưu thế và đi đến chiến thắng trong các mặt của đời sống xã hội. Để
làm được điểu đó cần phải có đường lối lãnh đạo đúng đắn, năng lực lãnh đạo, sức
chiến đấu của Đảng. Đây là một trong những nguyên tắc phương pháp luận quan trọng
đã được đồng chí Tổng Bí thư chỉ ra trong bài viết. Đó không chỉ là kết quả của
quá trình phát triển lý luận mà còn cả tổng kết thực tiễn từ công tác lãnh đạo,
chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư đối với sự nghiệp đổi mới và phát triển của Việt
Nam trong những năm gần đây.
Từ việc nhận định: “Cả lý
luận và thực tiễn đều cho thấy, xây dựng chủ nghĩa xã hội là kiến tạo một kiểu
xã hội mới về chất, hoàn toàn không hề đơn giản, dễ dàng. Đây là cả một sự nghiệp
sáng tạo vĩ đại, đầy thử thách, khó khăn, một sự nghiệp tự giác, liên tục, hướng
đích lâu dài, không thể nóng vội”, bài viết đã chỉ ra những cách thức, giải
pháp để xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam hiện nay. Theo đồng chí Tổng Bí
thư, điều quan trọng nhất là phải luôn luôn kiên định và vững vàng trên nền
tảng tư tưởng lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin - học thuyết khoa học và cách mạng
của giai cấp công nhân và quần chúng lao động. Ngoài ra, cần tiếp
thu, bổ sung một cách có chọn lọc trên tinh thần phê phán và sáng tạo những
thành tựu mới nhất về tư tưởng và khoa học để chủ nghĩa, học thuyết của chúng ta
luôn luôn tươi mới, luôn luôn được tiếp thêm sinh lực mới, mang hơi thở của thời
đại, không rơi vào xơ cứng, trì trệ, lạc hậu so với cuộc sống. Luận điểm
này của đồng chí Tổng Bí thư đã nhấn mạnh thêm, làm sáng tỏ thêm quan điểm của
Đại hội XIII về việc kiên định, vận dụng và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin,
tư tưởng Hồ Chí Minh vào thực tiễn Việt Nam trong giai đoạn mới: “Kiên định,
vững vàng trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đồng thời
không ngừng bổ sung, phát triển sáng tạo, phù hợp với thực tiễn Việt Nam”.
Có thể khẳng định, bài viết
của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có ý nghĩa rất quan trọng đối với đất
nước ta trong giai đoạn hiện nay. Trong bối cảnh Đảng ta đang đẩy mạnh tuyên
truyền, quán triệt, đưa Nghị quyết Đại hội XIII vào cuộc sống, bài viết của đồng
chí Tổng Bí thư vừa có ý nghĩa quan trọng trong việc thống nhất nhận thức, tư
tưởng về những nội dung của Nghị quyết Đại hội XIII, vừa trực diện đấu tranh,
phản bác những quan điểm sai trái, thù địch về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội
ở Việt Nam, đồng thời tiếp thêm niềm tin, sức mạnh, tỏa sáng những giá trị văn
hóa, con người Việt Nam trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Đúng như bài viết khẳng định,
con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam tuy còn rất lâu dài với nhiều khó
khăn, thử thách; các nhân tố xã hội chủ nghĩa được hình thành, xác lập và
phát triển đan xen, cạnh tranh với các nhân tố phi xã hội chủ nghĩa, gồm cả các
nhân tố tư bản chủ nghĩa trên một số lĩnh vực. Mặt khác, các thế lực thù địch
lại thường xuyên phủ nhận, chống phá con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước
ta. Tuy nhiên, với lập trường kiên định, bản lĩnh vững vàng, quyết tâm cao, nỗ
lực lớn và sự đồng sức, đồng lòng của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân, con đường
đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam sẽ ngày càng rõ nét hơn, sự nghiệp đổi mới
và phát triển ở Việt Nam sẽ ngày càng đạt được những thành tựu to lớn hơn. Chủ
nghĩa xã hội sẽ vẫn luôn là tương lai của lịch sử loài người./.
Đảng ta rất sáng suốt
Trả lờiXóaChủ nghĩa xã hội sẽ vẫn luôn là tương lai của lịch sử loài người.
Trả lờiXóa