Cả lý luận và thực tiễn đều
chỉ ra rằng: không ở đâu và bao giờ một quần thể, một đám đông quần chúng hay
nhân dân tự mình đứng lên cầm quyền cả. Chỉ những kẻ mỵ dân và ấu trĩ về tri thức
chính trị mới cho rằng, vai trò cầm quyền của người dân là tự lập. Sự phân chia
giai cấp, phân tầng xã hội tất yếu sẽ dẫn đến việc ra đời các tổ chức chính trị,
những đảng chính trị. Những đảng chính trị này thông qua hiến pháp, pháp luật để
trở thành lực lượng lãnh đạo, cầm quyền nhà nước và xã hội; đồng thời, thiết lập
các cơ chế quản lý nhà nước và xã hội theo quan điểm của mình. Cơ chế đó bao gồm
tổ chức nhà nước: cơ quan quyền lực hay lập pháp (quốc hội), cơ quan hành pháp
(chính phủ), cơ quan tư pháp (kiểm sát, tòa án). Hiện nay, trên thế giới đã có
nhiều thể chế tổ chức nhà nước vận hành khác nhau, trong đó có chế định của hiến
pháp về bầu cử: đề ra những quy định chặt chẽ nhằm tìm được những người xứng
đáng đưa vào danh sách bầu cử. Trong tiến trình bầu cử, để có những ứng cử viên
chất lượng bầu vào quốc hội, ở mỗi quốc gia, các đảng chính trị giới thiệu đảng
viên của mình ra tranh cử và có cách thức tổ chức bầu cử riêng, tùy theo chế độ
chính trị, truyền thống, văn hóa, kinh tế của mình. Các nước đều đề ra các quy
phạm pháp luật, từ khẳng định nguyên tắc bầu cử, quy định số lượng đại biểu,… đến
công bố kết quả bầu cử để điều chỉnh việc tổ chức và trình tự các bước tiến
hành bầu cử. Riêng giới thiệu ứng cử viên, hầu hết đều do các đảng phái chính
trị thực hiện. Điển hình: ở Mỹ - quốc gia tự cho là “dân chủ nhất” - việc lựa
chọn ứng cử viên bầu cử tổng thống, thượng nghị sĩ, hạ nghị sĩ chủ yếu chỉ có đảng
Cộng hòa, hoặc đảng Dân chủ luôn cạnh tranh nhau; ở Cộng hòa Liên bang Đức, việc
giới thiệu ứng cử viên vào Nghị viện là độc quyền của các đảng chính trị, v.v.
Nhưng dù là ứng cử viên của các đảng phái hay ứng cử viên tự do, muốn được vào
danh sách bầu cử, đều phải do các cơ quan phụ trách bầu cử xem xét, nếu đủ điều
kiện mới được đưa vào lập danh sách bầu cử. Điều đó cho thấy, mỗi quốc gia đều
có cách thức tổ chức bầu cử khác nhau, có quy định riêng để lựa chọn, bầu được
người tài lãnh đạo đất nước. Các ứng cử viên hầu hết đều là người thuộc một đảng
phái nhất định. Vì thế, không thể áp đặt một “mô hình” bầu cử chung cho mọi quốc
gia.
Ở Việt Nam, các cuộc bầu
cử đại biểu Quốc hội và hội đồng nhân dân các cấp dựa trên thể chế chính trị do
Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, từ khi nhân dân ta giành được độc lập (năm
1945) đến nay. Việc tổ chức bầu cử được tiến hành theo Luật Bầu cử đại biểu Quốc
hội và đại biểu Hội đồng nhân dân (sau đây gọi tắt là Luật Bầu cử). Luật Bầu cử
xác định nguyên tắc bầu cử ở Việt Nam là: phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ
phiếu kín (Điều 1). Quyền bầu cử và quyền ứng cử của công dân được quy định: mọi
công dân Việt Nam đủ 18 tuổi trở lên có quyền bầu cử và đủ 21 tuổi trở lên có
quyền ứng cử vào Quốc hội, Hội đồng nhân dân (Điều 2). Đồng thời, quy định rõ
các nội dung và trình tự tiến hành bầu cử, như: cơ cấu, thành phần và phân bổ đại
biểu Quốc hội; xác định ngày bầu cử; phương thức tổ chức đơn vị bầu
cử; khu vực bỏ phiếu; tổ chức phụ trách bầu cử; lập danh sách cử
tri; ứng cử và hiệp thương giới thiệu người ứng cử; tổ chức vận động bầu
cử; trình tự bỏ phiếu; kiểm phiếu và xác định kết quả bầu cử.
Trình tự và nội dung đó được thực hiện công khai, dân chủ, với sự giám sát chặt
chẽ của cơ quan chức năng và nhân dân.
Thực tế minh chứng, nhiều
người không phải đảng viên nhưng cũng vẫn trúng cử đại biểu Quốc hội do nhân
dân bầu chọn, điển hình như: nhà sử học Dương Trung Quốc, bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu,
Thượng tọa Thích Bảo Nghiêm; khối người dân tộc thiểu số là đại biểu: Ka’H’Hoa
(dân tộc Mạ, giáo viên ở Đắk Nông), Triệu Thị Huyền (dân tộc Dao, nông dân ở
Yên Bái), v.v. Riêng Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV, có 15 đại biểu do
Trung ương giới thiệu nhưng không trúng cử. Sự thực trên chứng minh việc bầu cử
đại biểu Quốc hội Việt Nam là tôn trọng ý kiến của đa số cử tri; không phải là
“hình thức”, “trình diễn”, hay sự “sắp xếp ghế” như ai đó xuyên tạc.
Tự ứng cử đại biểu Quốc hội
và đại biểu Hội đồng nhân dân là quyền của công dân. Về thủ tục, hồ sơ, quy
trình dành cho ứng viên được giới thiệu hay tự ứng cử đều như nhau. Các cơ quan
nhà nước có trách nhiệm tạo điều kiện cho họ được tham gia vận động bầu cử. Việc
thẩm định hồ sơ với người tự ứng cử cũng thực hiện đồng thời với các đại biểu được
giới thiệu. Quy trình thẩm định như nhau, đều phải xem xét về tiêu chuẩn, lịch
sử chính trị,… những vấn đề liên quan đến pháp luật nếu có, hoặc những ý kiến
phản ánh của nhân dân đều được làm rõ.
Việc tổ chức vận động bầu
cử bảo đảm ba nguyên tắc cơ bản được quy định trong Luật Bầu cử, đó là: được tiến
hành dân chủ công khai, bình đẳng đúng pháp luật, bảo đảm trật tự và an toàn xã
hội; người ứng cử đại biểu Quốc hội, ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân ở đơn vị
bầu cử nào thì thực hiện vận động bầu cử tại đơn vị đó; các tổ chức phụ trách bầu
cử và thành viên của các tổ chức này không được vận động cho người ứng cử.
Theo quy định tại Điều 67
Luật Bầu cử, người ứng cử đại biểu Quốc hội trình bày với cử tri về dự kiến
chương trình hành động của mình nếu được bầu làm đại biểu Quốc hội thông qua trả
lời phỏng vấn trên các phương tiện thông tin đại chúng ở địa phương nơi mình ứng
cử và trên trang thông tin điện tử về bầu cử đại biểu Quốc hội của Hội đồng Bầu
cử Quốc gia. Hội đồng Bầu cử Quốc gia, Ủy ban Bầu cử có trách nhiệm chỉ đạo cơ
quan quản lý trang thông tin điện tử thực hiện đúng các quy định của pháp luật
về việc đăng tải nội dung vận động bầu cử. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức việc
đăng tải thông tin chương trình hành động của người ứng cử đại biểu Quốc hội, ứng
cử đại biểu Hội đồng nhân dân trên các phương tiện thông tin đại chúng của địa
phương.
Điều 68 Luật Bầu cử quy định
những hành vi bị cấm trong vận động bầu cử: (1). Cấm lợi dụng vận động bầu cử để
tuyên truyền trái với Hiến pháp và pháp luật hoặc làm tổn hại đến danh dự, nhân
phẩm, uy tín, quyền, lợi ích hợp pháp khác của tổ chức, cá nhân khác; (2). Lạm
dụng chức vụ, quyền hạn để sử dụng phương tiện thông tin đại chúng trong vận động
bầu cử; (3). Lợi dụng vận động bầu cử để vận động tài trợ, quyên góp ở trong nước
và nước ngoài cho tổ chức, cá nhân mình; (4). Sử dụng hoặc hứa tặng, cho, ủng hộ
tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất để lôi kéo, mua chuộc cử tri. Luật cũng quy
định Hội đồng bầu cử quốc gia, Ủy ban bầu cử, Ban bầu cử, Tổ bầu cử không được
vận động bầu cử cho những người ứng cử. Thành viên của các tổ chức phụ trách bầu
cử nói trên không được lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để vận động bầu cử
cho những người ứng cử nhằm bảo đảm sự công bằng, bình đẳng đối với những người
ứng cử. Theo khoản 1, Điều 26 và khoản 1, Điều 28 Nghị quyết liên tịch số
09/2021/NQLT-UBTVQH14-CP-ĐCTUBTWMTTQVN của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (khóa
XIV), Chính phủ và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam,
những trường hợp người ứng cử không đạt sự tín nhiệm trên 50% tổng số cử tri
tham dự tại Hội nghị cử tri nơi cư trú thì không đưa vào danh sách giới thiệu tại
Hội nghị hiệp thương lần thứ 3.
Thực hiện quy định đó, tại
Hội nghị cử tri, đối chiếu với tiêu chuẩn người ứng cử đại biểu Quốc hội, người
dân sẽ quyết định ai xứng đáng đưa vào danh sách bầu cử để bầu đại biểu Quốc hội.
Ở đó, mọi người đều bình đẳng; không có chuyện “phân biệt đối xử”, hay “đấu tố”
như ai đó rêu rao. Dù là đảng viên hay người ngoài Đảng, nếu đạo đức, phẩm chất,
tư cách kém, không vì mục tiêu phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân thì không được
cử tri lựa chọn. Đến nay, sau Hội nghị hiệp thương lần thứ 3, theo Hội đồng Bầu
cử quốc gia, cả nước có 868 người ứng cử bầu đại biểu Quốc hội khóa XV. Trong
đó: có 09 người tự ứng cử; số người ứng cử đại biểu Quốc hội do Trung ương giới
thiệu là 203, địa phương là 665; có 393 (tỷ lệ 45,28%) ứng cử viên là phụ nữ;
185 (tỷ lệ 21,31%) người dân tộc thiểu số; người ngoài Đảng là 74 (tỷ lệ
8,53%). Tất cả danh sách ứng cử bầu đại biểu Quốc hội khóa XV đều được niêm yết,
công bố công khai để cử tri lựa chọn bầu những người có đức, tài, xứng đáng,
thay mặt mình quyết định các vấn đề trọng đại của đất nước.
Sự thực hiển nhiên là thế,
nhưng với mưu toan phá hoại Cuộc bầu cử Quốc hội khóa XV và Hội đồng nhân dân
các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026, các thế lực thù địch và cơ hội chính trị vẫn tìm
mọi cách để phủ nhận. Họ tâng bốc bầu cử ở phương Tây để gièm pha bầu cử trong
nước; coi các quy định của pháp luật bầu cử ở Việt Nam là “Đảng cử, dân bầu, đã
được hệ thống quyền lực áp đặt trước”(!) Đây là luận điệu vu khống, xuyên tạc,
bịa đặt về quyền bầu cử dân chủ ở Việt Nam - một thủ đoạn chính trị xấu xa,
hòng phủ nhận bản chất của chế độ ta, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản
Việt Nam đối với Cuộc Bầu cử (ngày 23/5/2021) tới đây.
Bằng tinh thần cảnh giác
và kiên quyết, chúng ta cần đấu tranh, không để những âm mưu và hành động thâm
độc, nguy hiểm đó tồn tại làm vẩn đục bầu không khí bầu cử dân chủ ở nước ta -
Ngày hội của toàn dân.
Trước những luận điệu sai trái của các thế lực thù địch nhằm chống phá Đảng và Nhà nước ta; chúng ta cần bình tĩnh xem xét và xử lý thông tin chuẩn xác, tránh mắc mưu của chúng.
Trả lờiXóaMỗi công dân Việt Nam cần nêu cao tinh thần cảnh giác, nhận diện được âm mưu của của các thế lực thù địch và bọn phản động không để chúng lừa gạt, kích động, lôi kéo.
Trả lờiXóa