Tư tưởng dân chủ của Chủ tịch
Hồ Chí Minh không chỉ phản ánh tầm nhìn bao quát, sâu rộng về giá trị phổ quát
này, mà còn là tư tưởng để thực hành trong thực tiễn nhằm xây dựng chế độ dân
chủ trên một đất nước vừa được giải phóng khỏi sự xâm lược của chủ nghĩa thực
dân và chủ nghĩa đế quốc cách đây 75 năm. Nội dung tư tưởng Hồ Chí Minh về dân
chủ được phản ánh một cách chắt lọc, cô đọng, cụ thể, dễ hiểu, dễ thực hành,
biểu hiện ở ba vấn đề cốt lõi sau:
Thứ nhất, khẳng định vai trò,
địa vị của nhân dân trong chế độ chính trị dân chủ.
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, dân
chủ là của quý báu nhất của nhân dân. Nó được hình thành trong quá trình dựng
nước và giữ nước của dân tộc. Đồng thời, nó phản ánh mối quan hệ cơ bản giữa
Nhà nước và nhân dân trong chế độ chính trị - xã hội nhất định. Ngay sau khi
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xác định xây dựng
một Nhà nước Việt Nam kiểu mới, đó là nước “Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Độc lập
- Tự do - Hạnh phúc”. Người tuyên bố dứt khoát: “Chế độ ta là chế độ dân chủ,
nghĩa là nhân dân làm chủ”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng
định: “Nước ta là nước dân chủ, địa vị cao nhất là dân, vì dân là chủ”. Theo
Người, ở nước ta, mọi quyền hành và lực lượng đều là của nhân dân, từ nhân dân
mà ra. Người nhấn mạnh rằng: “NƯỚC TA LÀ NƯỚC DÂN CHỦ. Bao nhiêu lợi ích
đều vì dân. Bao nhiêu quyền hạn đều của dân. Công
việc đổi mới, xây dựng là trách nhiệm của dân. Sự nghiệp kháng
chiến, kiến quốc là công việc của dân. Chính quyền từ xã đến
Chính phủ Trung ương do dân cử ra. Đoàn thể từ Trung ương đến
xã do dân tổ chức nên. Nói tóm lại, quyền hành và lực lượng đều
ở nơi dân”. Như vậy, nội dung cơ bản và cốt lõi nhất trong
tư tưởng Hồ Chí Minh về dân chủ là: Nhân dân là chủ thể của quyền lực chính
trị - xã hội, thể chế chính trị dân chủ phải bảo đảm quyền lực thực sự thuộc
về nhân dân, nhân dân là người có quyền quyết định vận mệnh của quốc gia - dân
tộc; nhân dân phải có trách nhiệm và nghĩa vụ xây dựng, củng cố và thực hành
quyền lực của mình thông qua hệ thống chính trị và thể chế chính trị dân chủ,
xây dựng và củng cố bộ máy quản lý nhà nước nhằm hướng tới phục vụ lợi ích của mình.
Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Chúng ta phải hiểu rằng, các cơ quan Chính
phủ từ toàn quốc cho đến các làng, đều là công bộc của dân... Việc gì có lợi
cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì có hại đến dân, ta phải hết sức tránh.
Chúng ta phải yêu dân, kính dân thì dân mới yêu ta, kính ta”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xác
định rõ mối quan hệ giữa nhân dân và Nhà nước: “Nếu không có nhân dân thì Chính
phủ không đủ lực lượng. Nếu không có Chính phủ, thì nhân dân không ai dẫn
đường. Vậy nên Chính phủ với nhân dân phải đoàn kết thành một khối. Ngày nay,
chúng ta đã xây dựng nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Nhưng nếu nước độc lập
mà dân không hưởng hạnh phúc, tự do, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì”.
Thứ hai, xây dựng Nhà nước của
nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân.
Ngay từ năm 1927, trong cuốn “Đường
Kách mệnh”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xác định: “Chúng ta đã hy sinh
làm cách mệnh, thì nên làm cho đến nơi, nghĩa là làm sao cách mệnh rồi thì
quyền giao cho dân chúng số nhiều, chớ để trong tay một bọn ít người. Thế mới
khỏi hy sinh nhiều lần, thế dân chúng mới được hạnh phúc”. Sau khi Cách mạng
Tháng Tám thành công, Nhà nước cách mạng được thành lập, Người nhấn mạnh: “Nước
ta là nước dân chủ. Bao nhiêu quyền hạn đều của dân, bao nhiêu
lợi ích đều vì dân... Nói tóm lại, quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân”. Đây
là điểm khác biệt về bản chất giữa nhà nước dân chủ nhân dân với các nhà nước
của giai cấp bóc lột từng tồn tại trong lịch sử.
Theo Chủ tịch Hồ Chí
Minh, Nhà nước của dân là nhà nước mà ở đó tất cả quyền lực
thuộc về nhân dân, nhân dân là chủ thể của quyền lực nhà
nước. Nhân dân là gốc, là chủ của quyền lực nhà nước, bao nhiêu quyền hạn của
Nhà nước đều là của nhân dân. Do đó, đội ngũ cán bộ của chính quyền các cấp là
đầy tớ trung thành của nhân dân, là công bộc của nhân dân, chứ không phải là
cha mẹ dân, cai trị dân như nhà nước của chế độ bóc lột trước đây. Nhân dân là
người có quyền quyết định các vấn đề hệ trọng liên quan đến vận mệnh quốc gia
dân tộc. Ngay trong Điều 32 Hiến pháp năm 1946 đã nêu rõ: “Những việc liên quan
đến vận mệnh quốc gia sẽ đưa ra cho nhân dân phúc quyết”. Thực chất ở đây là
trưng cầu ý dân, một hình thức dân chủ trực tiếp được đề ra ở nước ta khá sớm.
Nhân dân bầu ra Quốc hội và chính quyền các cấp, có quyền kiểm soát nhà nước,
giám sát và có quyền bãi miễn đại biểu Quốc hội và hội đồng nhân dân các cấp.
Nhân dân là chủ thể của quyền lực nhà nước cho nên nhân dân có quyền kiểm soát
quyền lực nhà nước.
Nhà nước do dân là nhà nước do nhân dân
lựa chọn, bầu ra những đại biểu của mình, những đại biểu này thay mặt nhân dân
tổ chức, điều hành các cơ quan nhà nước từ Trung ương đến địa phương thông qua
chế độ tổng tuyển cử phổ thông đầu phiếu. Đồng thời, Nhà nước do dân cũng là
nhà nước mà nhân dân tham gia vào công việc của Nhà nước, ủng hộ, giúp đỡ cả về
vật chất và tinh thần cho hoạt động của bộ máy nhà nước, thực hiện các nghĩa vụ
và quyền hạn đối với Nhà nước trong khuôn khổ pháp luật cho phép. Mặt khác,
nhân dân tham gia góp ý xây dựng Nhà nước, kiểm soát và giám sát quyền lực của
Nhà nước. “Nếu Chính phủ làm hại dân thì dân có quyền đuổi Chính phủ”, nghĩa là
Nhà nước không đáp ứng được nhu cầu và lợi ích chính đáng của nhân dân thì nhân
dân có quyền bãi miễn Chính phủ.
Nhà nước vì dân là nhà nước phục vụ lợi
ích và nguyện vọng chính đáng của nhân dân, lấy hạnh phúc của nhân dân làm mục
tiêu phấn đấu. Nhà nước không có đặc quyền, đặc lợi, đứng trên nhân dân mà phải
thực sự trong sạch, cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư. Chủ tịch Hồ Chí
Minh đã nhiều lần nhắc nhở: Việc gì có lợi cho dân thì dù nhỏ cũng cố gắng làm.
Việc gì có hại cho dân thì dù nhỏ cũng cố gắng tránh. Nhà nước vì dân là Nhà
nước luôn đề cao ý thức trách nhiệm chính trị trước nhân dân. Người cho rằng:
Nếu dân đói, Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân rét là Đảng và Chính phủ có lỗi;
nếu dân dốt, Đảng và Chính phủ có lỗi.
Thứ ba, giải quyết mối quan hệ
giữa Nhà nước và nhân dân trên tinh thần dân chủ.
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, mối
quan hệ giữa Nhà nước và nhân dân là mối quan hệ mật thiết, gắn bó chặt chẽ với
nhau. Nhân dân cần Nhà nước để lãnh đạo và tổ chức lực lượng xây dựng, phát
triển đất nước. Mặt khác, Nhà nước phải dựa vào mọi nguồn lực của nhân dân để
phục vụ nhân dân. Trong tư tưởng của Người, nguyên tắc cơ bản trong hoạt động
của Nhà nước là nguyên tắc tập trung dân chủ. Nhà nước phát
huy dân chủ đến cao độ mới động viên được tất cả các lực lượng của nhân dân đưa
cách mạng tiến lên. Đồng thời, phải tập trung cao độ để thống nhất lãnh đạo
nhân dân xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Bên cạnh việc đề cao dân chủ,
Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng nêu rõ vai trò của chuyên chính: Chế độ nào cũng có
chuyên chính. Vấn đề là chuyên chính với ai? Dân chủ là của quý báu của nhân
dân, chuyên chính là cái khóa, cái cửa để đề phòng kẻ phá hoại... Có dân chủ
thì cũng cần phải có chuyên chính để giữ gìn dân chủ. Chính vì lẽ đó, Chủ tịch
Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến xây dựng một Nhà nước pháp quyền có
hiệu lực pháp lý mạnh mẽ. Sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, Chủ tịch Hồ
Chí Minh đã thay mặt Chính phủ lâm thời đọc Tuyên ngôn độc lập, tuyên bố với
quốc dân đồng bào cả nước và toàn thế giới về sự ra đời của nước Việt Nam Dân
chủ Cộng hòa, khẳng định tính hợp pháp của Chính phủ lâm thời. Sau đó, Người
tiến hành xây dựng Hiến pháp dân chủ, tổ chức Tổng tuyển cử với chế độ phổ
thông đầu phiếu, thành lập Ủy ban dự thảo Hiến pháp của nước Việt Nam Dân chủ
Cộng hòa. Ngày 2-3-1946, Quốc hội họp phiên đầu tiên và bầu Hồ Chí Minh làm Chủ
tịch Chính phủ Liên hiệp kháng chiến. Đây là Chính phủ hợp hiến đầu tiên do
nhân dân bầu ra, có đầy đủ tư cách và hiệu lực trong việc giải quyết mọi vấn đề
đối nội và đối ngoại của đất nước. Cũng vào năm 1946, bản Hiến pháp đầu tiên ra
đời, Chủ tịch Hồ Chí Minh chú trọng đến việc xây dựng luật pháp, quản lý đất
nước bằng luật pháp và làm cho luật pháp có hiệu lực trong thực tế. Theo Người,
trong Nhà nước dân chủ nhân dân, dân chủ và pháp luật phải đi đôi với nhau, bảo
đảm cho chính quyền hoạt động có hiệu lực, hiệu quả.
Một nội dung rất quan trọng
trong tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng Nhà nước pháp quyền của nhân dân, do
nhân dân, vì nhân dân là tập trung xây dựng một nền pháp chế xã hội
chủ nghĩa, bảo đảm thực hiện quyền lực của nhân dân. Để xây dựng một nền
pháp chế xã hội chủ nghĩa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến việc đội
ngũ cán bộ, công chức, viên chức phải được đào tạo chính quy, am hiểu pháp
luật, thành thạo nghiệp vụ quản lý hành chính ở tất cả các lĩnh vực khác nhau
của đời sống xã hội. Năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 197 thành
lập Ban Pháp lý học tại Trường Đại học Việt Nam; năm 1950, ký Sắc lệnh số 76
ban hành “Quy chế công chức” để bảo đảm công bằng trong thi tuyển, bổ nhiệm vào
ngạch bậc hành chính. Đây là cơ sở quan trọng để xây dựng nền móng cho pháp
quyền Việt Nam.
Bên cạnh việc tập trung xây
dựng thể chế quản lý đất nước thông qua pháp luật, xây dựng đội ngũ cán bộ,
công chức, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng chú ý đến công tác tuyên truyền, phổ biến,
giáo dục pháp luật, nâng cao trình độ giác ngộ và chấp hành pháp luật của nhân
dân, nhấn mạnh sự nêu gương của đội ngũ thực thi pháp luật. Trong thư gửi Hội
nghị tư pháp toàn quốc (tháng 1 -1946), Người căn dặn: Các bạn là những người
thi hành pháp luật, lẽ tất nhiên các bạn phải nêu cao tấm gương “Phụng công,
thủ pháp, chí công, vô tư!”.
Việt Nam làm gì cũng đều vì nhân dân cả
Trả lờiXóaChúng ta phải tích cực học tập, rèn luyện theo tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh
Trả lờiXóa