Thứ Sáu, 14 tháng 5, 2021

XÂY DỰNG NHÀ NƯỚC CỦA DÂN, DO DÂN, VÌ DÂN LÀ NGUYỆN VỌNG CỦA NHÂN DÂN

Có thể nói, nguyện vọng lớn nhất của mỗi người dân Việt Nam trước năm 1945 là: đất nước được độc lập, nhân dân được tự do, có cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Đáp ứng ước nguyện đó, Chính phủ nước Việt Nam dân chủ cộng hòa (nay là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam) ra đời; ngày 06/01/1946, mỗi người dân Việt Nam từ đủ 18 tuổi trở lên được tự tay cầm lá phiếu bầu ra Quốc hội - cơ quan quyền lực cao nhất của Nhà nước kiểu mới và bước vào cải tạo xã hội cũ, xây dựng xã hội mới. Nhưng mấy chục năm sau đó, thực dân Pháp, đế quốc Mỹ đã thay nhau xâm lược nước ta (1946 - 1975), với quyết tâm: “Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”, Đảng, Nhà nước đã tập hợp, lãnh đạo Nhân dân ta đoàn kết “vừa kháng chiến vừa kiến quốc” và đã làm lên Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (07/5/1954) “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, Đại thắng Mùa Xuân (30/4/1975) thống nhất đất nước. Bước vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trên phạm vi cả nước, nhất là từ khi đổi mới đến nay, vai trò, quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân ngày càng sáng tỏ: “Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân... tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức. Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp”.

Thực tế là, thành viên trong bộ máy nhà nước từ Trung ương đến cơ sở đều do Nhân dân trực tiếp hoặc gián tiếp (thông qua đại diện) bầu ra và bãi miễn khi họ không còn xứng đáng. Mọi hoạt động của nhà nước đều hướng tới: dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; chính sách và chất lượng các lĩnh vực: y tế, giáo dục, an sinh xã hội... ngày càng hoàn thiện, nâng lên. Hiếm có quốc gia nào, mà Nhà nước phát động phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau”, tỉ lệ xóa đói, giảm nghèo, các mục tiêu thiên niên kỷ đều đạt và vượt chỉ tiêu được thế giới ca ngợi. Để hạn chế ảnh hưởng tiêu cực bởi đại dịch Covid -19 và thảm họa thiên tai ở các tỉnh miền Trung năm 2020, Nhà nước chi hàng trăm nghìn tỷ đồng hỗ trợ nhân dân, lao động mất việc, khắc phục hậu quả thiên tai… Việc cải cách hành chính, xây dựng Chính phủ điện tử “liêm chính, kiến tạo”, chuyển đổi số... đã và đang giúp người dân trực tiếp tương tác với Chính phủ ngày càng nhiều hơn, Chính phủ quản lý, điều hành, phục vụ Nhân dân ngày càng tốt hơn. Mọi người được tham gia đóng góp ý kiến vào các văn bản hoạch định đường lối lãnh đạo trình Đại hội của Đảng, cũng như quá trình xây dựng, sửa đổi bổ sung Hiến pháp, pháp luật. Nhân dân ta ngày càng phát huy vai trò, trách nhiệm trong kiểm tra, giám sát hoạt động của hệ thống chính trị, phát hiện, tố giác những hành vi vi phạm của tổ chức, cá nhân, góp phần giữ vững kỷ cương, tăng cường pháp chế. Công tác điều tra, xét xử bảo đảm đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, công khai, bình đẳng “không có vùng cấm”, góp phần giữ vững niềm tin của Nhân dân với Đảng, Nhà nước và chế độ.

Xây dựng nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, dưới sự lãnh đạo của Đảng là quá trình vận động, phát triển hợp quy luật, phù hợp tiến bộ xã hội đã được thực tiễn Việt Nam kiểm nghiệm, mọi luận điệu trái với đường lối này đều cần nhận diện, đấu tranh bác bỏ.

1 nhận xét: