Thứ Ba, 25 tháng 5, 2021

HỌC THUYẾT CỦA V.I.LÊNIN VỀ BẢO VỆ TỔ QUỐC XÃ HỘI CHỦ NGHĨA

Từ thực tiễn tình hình thế giới cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX và công cuộc đấu tranh chống xâm lược của chủ nghĩa đế quốc, bảo vệ chính quyền Xô viết non trẻ - Nhà nước xã hội chủ nghĩa đầu tiên trên thế giới; đồng thời, kế thừa tư tưởng vũ trang quần chúng bảo vệ thành quả cách mạng xã hội chủ nghĩa của C. Mác và Ph. Ăngghen, V.I. Lênin đã tổng kết, bổ sung, phát triển, xây dựng nên học thuyết bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Trong đó, Ông đã khái quát và luận giải những vấn đề có tính nguyên tắc đối với công cuộc bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa của giai cấp công nhân và nhân dân lao động, như: tính tất yếu khách quan, mục tiêu, nhiệm vụ, phương thức, lực lượng và sức mạnh bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa; vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản, sự quản lý của Nhà nước; xây dựng và củng cố khả năng quốc phòng; tổ chức, xây dựng quân đội kiểu mới; vấn đề vũ trang cho toàn dân; mối quan hệ giữa xây dựng với bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, v.v.

Theo V.I. Lênin, để bảo vệ thành quả cách mạng đã giành được, giai cấp vô sản tất yếu phải cầm vũ khí chiến đấu bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Người viết: “Không cầm vũ khí bảo vệ nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa, thì chúng ta không thể tồn tại được. Giai cấp thống trị không bao giờ nhường chính quyền cho giai cấp bị trị. Nhưng giai cấp bị trị phải chứng minh trên thực tế rằng họ không những có khả năng lật đổ bóc lột, mà còn có khả năng tự tổ chức, huy động hết thảy để tự bảo vệ lấy mình. Đồng thời, bảo vệ Tổ quốc bao giờ cũng gắn với bảo vệ Đảng Cộng sản, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa. Người chỉ rõ: “Chúng ta tán thành “bảo vệ tổ quốc”, nhưng cuộc chiến tranh giữ nước mà chúng ta đang đi tới, là một cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, bảo vệ chủ nghĩa xã hội với tính cách là tổ quốc, bảo vệ nước Cộng hòa Xô viết, với tính cách là một đơn vị trong đạo quân thế giới của chủ nghĩa xã hội.

Trong bối cảnh Nhà nước Xô viết vừa mới ra đời, để chống lại sự tấn công vũ trang của chủ nghĩa đế quốc và các thế lực phản động bên trong, V.I. Lênin nhấn mạnh phương thức đấu tranh bằng vũ trang của giai cấp vô sản và quần chúng lao động để bảo vệ Tổ quốc; phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn Đảng, toàn dân, của lực lượng quần chúng công - nông - binh, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, sự tổ chức, quản lý của Chính quyền Xô viết, trong đó lực lượng vũ trang làm nòng cốt. Trong đó, V.I. Lênin đặc biệt chú trọng đến việc xây dựng và phát huy nhân tố chính trị, tinh thần của quần chúng nhân dân lao động, Người chỉ rõ: “Trong mọi cuộc chiến tranh, rốt cuộc thắng lợi đều tùy thuộc vào tinh thần của quần chúng đang đổ máu trên chiến trường”3. Cùng với đó, V.I. Lênin luôn quan tâm đến xây dựng và củng cố quốc phòng cả về tiềm lực và thế trận, nâng cao khả năng phòng thủ đất nước. Người căn dặn, phải tranh thủ thời gian hòa bình, tận dụng mọi điều kiện thuận lợi, ra sức xây dựng các tiềm lực kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa, khoa học, kỹ thuật, quân sự và chuẩn bị đất nước sẵn sàng chiến đấu, động viên toàn Đảng, toàn dân, toàn quân biến các tiềm lực và thế trận quốc phòng thành sức mạnh hiện thực để bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Đó là trách nhiệm của toàn dân dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản và sự tổ chức, quản lý của Nhà nước chuyên chính vô sản. Người khẳng định: “Nghĩa vụ tuyệt đối của toàn thể quần chúng lao động là đem hết sức mình ra để khôi phục và tăng cường khả năng quốc phòng của đất nước”4 và “Chính vì chúng ta chủ trương bảo vệ Tổ quốc, nên chúng ta đòi hỏi phải có thái độ nghiêm túc đối với vấn đề khả năng quốc phòng và đối với vấn đề chuẩn bị chiến đấu của nước nhà”. Kết hợp chặt chẽ hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa là vấn đề được V.I. Lênin luôn quan tâm; là nguyên tắc trong quá trình tổ chức thực hiện. Người đã đề ra hệ thống lý luận, nguyên tắc về tổ chức, xây dựng và hoạt động của quân đội kiểu mới của giai cấp công nhân; đồng thời, yêu cầu Đảng Cộng sản, Nhà nước phải hết sức chăm lo xây dựng quân đội hùng mạnh, làm nòng cốt trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, trên cơ sở vũ trang toàn dân.

Thực tiễn công cuộc bảo vệ thành quả Cách mạng Tháng Mười Nga do V.I. Lênin và Đảng Bolshevik (Bôn-sê-vích) lãnh đạo và công cuộc bảo vệ Tổ quốc của các nước xã hội chủ nghĩa đã khẳng định những giá trị khoa học và cách mạng to lớn của học thuyết bảo vệ Tổ quốc của V.I. Lênin. Những tư tưởng đó, không những có giá trị lịch sử, mà còn có ý nghĩa hiện thực tiếp tục chỉ đạo công cuộc bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa hiện nay.

2 nhận xét:

  1. Bảo vệ Tổ quốc bao giờ cũng gắn với bảo vệ Đảng Cộng sản, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa.

    Trả lờiXóa