Thứ Năm, 27 tháng 5, 2021

NỰC CƯỜI VỚI KHẨU HIỆU “KHÔNG BIẾT KHÔNG BẦU”!

Ngày 23/5, cử tri cả nước đã tham gia cuộc bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XV và Đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Đây là sự kiện chính trị to lớn, có ý nghĩa rất quan trọng của đất nước ta. Tuy nhiên, càng gần tới ngày bầu cử, các thế lực phản động càng giở nhiều chiêu trò nhằm phá hoại sự thành công của cuộc bầu cử.

Trong thời gian trước và cả trong ngày bầu cử, nhiều trang mạng của các tổ chức chống phá liên tục tung ra luận điệu xuyên tạc, kích động người dân “tẩy chay”, không đi bầu cử. Giọng điệu của những đối tượng này quanh đi quẩn lại cũng chỉ là chưa bầu cử lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã thấy Quốc hội bầu Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch nước, các bộ trưởng rồi thì bầu cử có ý nghĩa gì; rồi thì ứng viên toàn “Đảng cử” không đại diện cho dân, bầu cử làm gì; nào là dịch bệnh Covid-19 đang hoành hành, Đảng, Chính phủ lo dập dịch đi, bầu cử làm gì…

Trên trang facebook Việt Tân còn đăng tải cái gọi là thông cáo báo chí về cuộc bầu cử. Chúng cho rằng cuộc bầu cử Quốc hội khoá XV là phi dân chủ. Chúng lộng ngôn rằng: “Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 bùng phát dữ dội, kinh tế ngưng trệ, đời sống nhân dân đang đối mặt với nhiều khó khăn, nhà cầm quyền CSVN dự toán chi ngân sách 3,700 tỷ đồng (tương đương 200 triệu Mỹ Kim) tổ chức bầu cử Quốc hội khóa XV vào ngày 23 Tháng Năm, 2021, cho thấy đảng coi trọng việc duy trì tính chính danh của chế độ hơn là vấn đề an toàn, an sinh của dân chúng” hay “Tại Việt Nam, Quốc hội chỉ là công cụ nhằm soạn ra những luật lệ để kiểm soát người dân dựa theo các quyết định của Trung ương đảng CSVN. Chính vì vậy việc lựa chọn các Đại biểu Quốc hội mang tính hình thức hơn là một cuộc bầu cử dân chủ”. Cuối cùng chúng kêu gọi người dân không biết không bầu.

Có thể thấy, sau sự thất bại thảm hại của “phong trào tự ứng cử” và trò chơi ảo “bỏ phiếu online”, các nhà dân chủ “có trách nhiệm” trong mạng lưới chống phá lại cuống cuồng “vớt vát” tình thế bằng chiêu trò vận động “không biết, không bầu”. Chúng kích động người dân tự mình tước bỏ quyền công dân thiêng liêng, mưu đồ cổ súy cho tư tưởng dân chủ cực đoan, vô lối, chủ nghĩa dân túy hòng khiến cho nhiều người lầm tưởng và hiểu sai lệch chế độ chính trị ở Việt Nam.

Những tiếng hô hào, “kêu gọi” kệch cỡm, cuối cùng cũng trở nên hoàn toàn lạc lõng trước sự tín nhiệm ngày càng cao của cử tri cho Đảng và Nhà nước. Và đáp lại sự tín nhiệm ấy, tất cả các cơ quan bầu cử đều liên tục tự đổi mới, cải tiến cách thức làm việc nhằm tăng cường dân chủ, công khai, minh bạch, nâng cao hiệu quả làm việc và thể hiện đúng ý chí, nguyện vọng của cử tri, nhân dân cả nước. Không ai có thể phủ nhận được bầu không khí dân chủ, đoàn kết, phấn khởi, tin tưởng đang bao trùm trên khắp đất nước và toàn xã hội. Bất kỳ kẻ xảo ngôn cho rằng giữa Đảng với dân “có vấn đề”, nhân dân “thờ ơ”, “không quan tâm” đến Đại hội là một lời bịa đặt trắng trợn với động cơ đen tối.

Bầu cử Đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp là ngày hội non sông, thể hiện quyền làm chủ, quyền quyết định của chính nhân dân Việt Nam. Đảng chỉ định hướng, giới thiệu chứ không thể làm thay, không thể tự mình bỏ phiếu cho mình, người làm việc đó là công dân Việt Nam. Bầu ai, bỏ ai là quyền của dân, dựa trên cơ sở sự tín nhiệm và niềm tin mà họ đặt vào người sẽ đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của mình. Không ai có quyền sửa chữa, thay đổi lá phiếu của các cử tri. Đồng thời, không ai có thể làm thay đổi kết quả bỏ phiếu của cử tri.

Tiền thuế dành cho bầu cử với mục đích không gì khác là bầu ra người đủ đức, đủ tài để phụng sự tổ quốc, phục vụ nhân dân. Lấy của dân để phục vụ tổ quốc, nhân dân thì có gì là sai sao? Ở một số nước, bầu cử là cuộc chơi mà các Đại cử tri, các trùm tài phiệt thao túng phiếu bầu. Người chết hàng chục năm vẫn đi bầu cử như vừa rồi thì mới là “chính danh, chính nghĩa”?

Khi mỗi cử tri thể hiện trách nhiệm với lá phiếu, với sự lựa chọn của mình để góp phần làm cho cuộc bầu cử thành công. Đó cũng chính là hành động yêu nước cụ thể, thiết thực nhất, đập tan mọi âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, phản động.

2 nhận xét:

  1. Chúng ta phải nhận diện được âm mưu thủ đoạn của các thế lực thù địch, chỉ rõ những phương thức chống phá của chúng; đồng thời nâng cao sức đề kháng cho cán bộ đảng viên và người dân để chống lại luận điệu xuyên tạc của chúng.

    Trả lờiXóa
  2. Hiện nay có rất nhiều kẻ phản động vì những đồng tiền dơ bẩn đã xuyên tạc và chống phá đất nước; chúng ta phải vạch trần và đấu tranh loại bỏ thủ đoạn của chúng

    Trả lờiXóa