“Dân là gốc của nước, nước lấy
dân làm gốc” là tư tưởng và phương châm hành động của các bậc hiền minh từ Đông
sang Tây, từ cổ chí kim. Trên tinh thần kế thừa và phát triển tinh hoa văn hóa
dân tộc và nhân loại, Hồ Chí Minh đã nâng tư tưởng “Lấy dân làm gốc” lên một
tầm cao mới. Tư tưởng của Người vừa có sự chung đúc với tiền nhân, vừa có nét
độc đáo, sáng tạo. Đáng chú ý nhất là một số quan điểm sau đây.
Thứ nhất, Hồ Chí Minh đưa ra quan niệm mới về quần chúng nhân dân. Nói
đến dân là nói đến những người đứng ngoài bộ máy cai trị, chịu tác động từ
chính sách của nhà cầm quyền. Nếu trong quan niệm của giai cấp phong kiến, dân
chỉ là “thần dân”, “thảo dân”, tức tầng lớp “bị trị” thấp hèn thì đối với Hồ
Chí Minh, “trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân. Trong thế giới không gì
mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân”. Quan niệm về nhân dân của Hồ Chí
Minh có điểm khác biệt so với chủ nghĩa Mác - Lênin. Nếu Lênin nhấn mạnh tính giai cấp khi coi “quần chúng là đa số, và hơn
thế nữa chẳng những đa số công nhân, mà là đa số những người bị bóc lột” thì
Hồ Chí Minh nhấn mạnh tính dân tộc khi
định nghĩa: “Nhân dân là bốn giai cấp công, nông, tiểu tư sản, tư sản dân tộc
và những phần tử yêu nước khác”(3). Việc mở rộng nội hàm “Nhân dân”
của Hồ Chí Minh hoàn toàn phù hợp với đặc điểm của xã hội Việt Nam. Mặt khác,
quan niệm của Người về nhân dân cũng khác biệt so với ông cha
khi Người đứng trên lập trường của giai cấp công nhân để khẳng định “công -
nông là gốc của cách mạng”.
Thứ hai, Hồ Chí Minh luận
giải một cách khoa học “vì sao dân là gốc của nước”. Dân là “gốc” của nước
bởi “lực lượng của dân rất to”, rất đông, rất mạnh. Dân là “gốc” của nước bởi
“dân rất tốt”, trong mỗi người dân đều có phẩm chất cao quý nhất là lòng yêu
nước và tinh thần dân tộc. Dân là “gốc” của nước còn bởi “dân rất thông minh”,
biết “giải quyết nhiều vấn đề một cách đơn giản, mau chóng, đầy đủ, mà
những người tài giỏi, những đoàn thể to lớn, nghĩ mãi không ra”.
Chính của cải, sức mạnh, đạo đức, tài năng, lòng tin của dân đã tạo nên “cái
gốc” của nước. Nhận thức sâu sắc về cái “gốc” đó, Hồ Chí Minh đúc kết: “Nước
lấy dân làm gốc… Gốc có vững, cây mới bền/Xây lầu thắng lợi trên nền nhân dân”.
Như vậy, lòng dân chính là “vận nước”.
Thứ ba, Hồ Chí Minh khẳng định vai trò
của dân trong sự nghiệp cách mạng và vị thế của dân trong chế độ mới. Nếu
giai cấp phong kiến, giai cấp tư sản coi nhân dân chỉ là động lực, phương tiện
cần huy động cho các cuộc đấu tranh thì Hồ Chí Minh khẳng định nhân dân
là chủ thể và là mục tiêu của
cách mạng. Người nhấn mạnh: Làm cách mạng phải dựa vào dân nhưng làm cách mạng
để mang lại hạnh phúc cho dân.
Người còn nâng quan điểm “Dân
vi bản” và truyền thống “thân dân” thành quan điểm “dân là chủ và làm chủ”.
Người khẳng định: Trong chế độ dân chủ, nhân dân mới là chủ sở hữu mọi quyền
lực. Nếu cụm từ “Dân là chủ” nói đến địa vị cao nhất của dân trong xã hội thì
cụm từ “Dân làm chủ” nói đến trách nhiệm và nghĩa vụ làm chủ của dân. Sự nghiệp
cách mạng không chỉ của dân mà còn do dân; cho
nên, bản thân quần chúng nhân dân phải có đạo đức và trách nhiệm công dân.
Mặt khác, khi dân đã là chủ thì
tất cả cán bộ, kể cả Chủ tịch nước, đều là đầy tớ của dân. Hồ Chí Minh yêu cầu
cán bộ, đảng viên phải nhận thức rõ vai trò “kép” của mình: Vừa là người đầy tớ
trung thành, vừa là người lãnh đạo sáng suốt nhưng “lãnh đạo là làm đày tớ cho
nhân dân và phải làm cho tốt”.
Thứ tư, Hồ Chí Minh nhấn mạnh
yêu cầu tất cả cán bộ, đảng viên phải gần dân, trọng dân, học dân, thật thà
trước dân và yêu dân.
Dân tộc Việt Nam đã tồn tại hàng ngàn năm nhưng Đảng thì mới ra đời vào năm
1930. Điều đó có nghĩa là “lòng dân” có trước “ý Đảng”. Dân là “gốc” của nước,
là cội nguồn sức mạnh của Đảng nên muốn lãnh đạo dân, Đảng phải gần dân,
lắng nghe dân, thấu hiểu dân để đề ra chủ trương, chính sách hợp lòng
dân. Coi xa dân, quan liêu là những căn bệnh lớn nhất của đảng cầm quyền
nên Hồ Chí Minh đã viết: “Đề nghị các vị Bộ trưởng nên luyện cho mình đôi chân
hay đi, đôi mắt hay nhìn, cái óc hay nghĩ, không nên chỉ ngồi bàn giấy, theo
kiểu “đạo nhân phòng thủ”. Không chỉ nhấn mạnh phương thức hoạt động của
Đảng là “phải từ trong quần chúng ra, trở lại nơi quần
chúng”, Người còn cảnh báo: Nếu xa cách dân
chúng thì nhất định thất bại. Sự “gần dân” trong quan niệm của Hồ Chí
Minh không chỉ là gần về khoảng cách địa lý, tức là cán bộ phải bám sát cơ sở
mà còn phải “gần” về lối sống, mức sống, thậm chí là cán bộ, đảng viên phải có
tinh thần “tiên ưu hậu lạc”. Chỉ như thế nhân dân mới thấy đây là người đại
diện của mình và cán bộ cũng mới hiểu rõ dân sinh, dân ý, dân tình.
Dân là “gốc” của nước nên Hồ
Chí Minh yêu cầu cán bộ, đảng viên phải thực hành văn hóa trọng dân,
trước hết là tôn trọng ý nguyện và quyền làm chủ của dân. Người căn dặn “ý dân
là ý trời”, dân muốn gì ta phải làm nấy. Sự tín nhiệm của dân luôn thể hiện chính xác năng lực, phẩm chất của cán bộ
nên Đảng phải tôn trọng đánh giá của dân về từng cán bộ để làm tốt
công tác tổ chức.
Do lực lượng của dân rất đông,
trí tuệ của dân là vô tận nên cán bộ, đảng viên phải thực sự cầu
thị, khiêm tốn, học hỏi dân chúng. Dân chính là người
chịu tác động của mọi chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước nên việc xây
dựng đường lối phải dựa trên ý nguyện của dân, tuyệt đối không được chủ quan,
duy ý chí; nếu “nghị quyết gì mà dân chúng cho là không hợp thì đề nghị họ
sửa chữa”.
Trong công tác lãnh đạo dân chúng, nếu cán bộ “có khuyết điểm thì thật thà
tự phê bình trước nhân dân và hoan nghênh nhân dân phê bình mình”. Sự
thành thực của cán bộ không chỉ làm dân thông cảm, tin yêu mà
còn là cơ sở để Đảng khắc phục hạn chế, ngày càng trưởng
thành hơn. Mọi tình cảm bền vững phải dựa trên nguyên tắc 2 chiều
nên Hồ Chí Minh đã căn dặn cán bộ là, “chúng ta phải yêu dân, kính dân thì dân
mới yêu ta, kính ta”.
Thứ năm, cán bộ, đảng viên của
Đảng phải thực sự dựa vào dân để vì dân. “Cách mạng là sự nghiệp của
quần chúng” vì vậy, cho dù Đảng Cộng sản là lực lượng dẫn đường nhưng “những
người cộng sản chỉ là một giọt nước trong đại dương, một giọt nước trong đại
dương nhân dân”. Muốn thực hiện bất cứ chiến lược nào, Đảng đều phải bàn
bạc với dân, dựa vào dân, huy động sức mạnh trong nhân dân.
Không chỉ dựa vào dân, quan
trọng hơn là Hồ Chí Minh đã coi lợi ích của dân là mục tiêu của cách mạng, lý
tưởng của Đảng. Người nói rõ “Đảng không phải là một tổ chức để làm quan
phát tài. Nó phải làm tròn nhiệm vụ giải phóng dân tộc, làm cho Tổ quốc giàu
mạnh, đồng bào sung sướng”. Vì dân là “gốc” nên việc gì có lợi cho dân dù
nhỏ nhất vẫn phải làm, việc gì có hại cho dân dù nhỏ nhất cũng phải tránh. “Dân
dĩ thực vi thiên”, khi trở thành Đảng cầm quyền, tất cả đường lối, phương châm,
chính sách của Đảng đều phải nhằm vào mục tiêu nâng
cao đời sống của nhân dân, trước hết là làm cho dân có ăn, có mặc, có chỗ ở,
được học hành.
Chúng ta làm tất cả đều vì nhân dân
Trả lờiXóa