Thứ Sáu, 21 tháng 5, 2021

TRÁCH NHIỆM CỦA CÁN BỘ, ĐẢNG VIÊN TRONG NGÀY BẦU CỬ

Kỳ bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 diễn ra từ 7 giờ đến 19 giờ ngày chủ nhật, 23/5/2021. Ngày bầu cử được coi là “ngày hội toàn dân”, là “ngày hội non sông”, là dịp để cử tri phát huy quyền và nghĩa vụ của công dân, lựa chọn bầu ra những người tiêu biểu, xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của mình trong cơ quan quyền lực nhà nước ở trung ương và địa phương, đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân.

Với tính chất quan trọng của cuộc bầu cử, đây là lúc để mỗi cán bộ, công chức, viên chức, đảng viên, đoàn viên, hội viên, chiến sĩ lực lượng vũ trang… (gọi chung là cán bộ, đảng viên) thể hiện vai trò, trách nhiệm và tính nêu gương của mình, để góp phần vào thành công chung của kỳ bầu cử.

Trước hết, mỗi cán bộ, đảng viên cần thực hiện tốt vai trò cử tri của mình. Đó là tích cực đi bầu cử và lựa chọn những người xứng đáng bầu vào các cơ quan dân cử. Mỗi cán bộ, đảng viên cần nghiên cứu kỹ tiểu sử, chương trình hành động và các thông tin khác liên quan đến các ứng cử viên để lựa chọn những người mà mình cho là tiêu biểu nhất, xứng đáng nhất. Đó là chú ý bầu đủ số lượng theo quy định (thí dụ: danh sách ứng cử viên có 5 người, bầu lấy 3 người thì nên gạch bỏ 2 người trong danh sách đó; tránh gạch chỉ 1 người hoặc gạch bỏ cả 5 người thì sẽ làm phiếu không hợp lệ). Đó là thực hiện quyền cử tri của mình đúng quy định, như chấp hành các quy định tại nơi bỏ phiếu, không xâm phạm đến quyền bầu cử của người khác, không bầu thay, bầu hộ, trừ các trường hợp phù hợp quy định của pháp luật…

Các cán bộ, đảng viên chú ý vận động người thân, những người xung quanh tham gia bỏ phiếu và thực hiện quyền bầu cử đúng quy định. Trừ người già yếu, tàn tật không thể tự mình đến nơi bỏ phiếu và cần đến thùng phiếu phụ thì các trường hợp khác nên vận động họ trực tiếp đến điểm bỏ phiếu và thực hiện quyền cử tri của mình. Nhất là ở các khu nhà trọ, khu lưu trú của sinh viên và công nhân, cán bộ, đảng viên nên vận động chủ nhà trọ động viên mọi người chủ động và tích cực sắp xếp thời gian, công việc để tham gia bầu cử.

Bên cạnh vai trò của cán bộ, nhân viên tổ bầu cử và những người khác có trách nhiệm tại điểm bỏ phiếu, cán bộ, đảng viên tham gia bầu cử cũng nên chủ động vận động, giải đáp, hỗ trợ các cử tri khác trong điều kiện cho phép và theo quy định của pháp luật. Chẳng hạn, trong lúc tham khảo tiểu sử, chương trình hành động của các ứng cử viên, có cử tri lớn tuổi không đọc rõ hoặc chưa hiểu đầy đủ các thông tin, cách thức bỏ phiếu, cán bộ, đảng viên nên quan tâm giải thích, hỗ trợ nhưng không xâm phạm đến quyền bầu cử của cử tri đó và không làm ảnh hưởng đến việc bỏ phiếu của các cử tri khác.

Hiện nay, tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp. Ủy ban Bầu cử quốc gia và các địa phương đã chuẩn bị nhiều phương án để ứng phó nhằm bảo đảm cuộc bầu cử diễn ra an toàn, đúng quy định. Để đạt được điều đó, mỗi cử tri cần thực hiện đúng các quy định của ngành y tế về phòng chống dịch, như triệt để chấp hành việc đeo khẩu trang, khử khuẩn, giữ khoảng cách, hạn chế tiếp xúc với người khác nếu không thực sự cần thiết, rời nhanh khu vực bầu cử ngay sau khi bỏ phiếu, lựa chọn khung giờ phù hợp để tránh tập trung quá đông người và chờ đợi lâu…

Bên cạnh đó, các cán bộ, đảng viên nên chú ý đến những vấn đề khác liên quan đến cuộc bầu cử, liên quan đến việc tổ chức bỏ phiếu, liên quan đến việc thực hiện quyền cử tri tại điểm bỏ phiếu hoặc tại địa phương nơi cư trú và phản ánh đến người có trách nhiệm để kịp thời xử lý. Chẳng hạn, tại địa phương, nếu phát hiện khẩu hiệu về bầu cử bị hư rách hoặc bị phá hoại thì cần báo ngay chính quyền để khắc phục và xử lý người có hành vi sai trái. Hay khi phát hiện trên không gian mạng có nội dung, hình ảnh sai trái, xuyên tạc về bầu cử thì nên báo cho cấp ủy, người đứng đầu đơn vị để thông tin đến các cơ quan có trách nhiệm xử lý kịp thời. Hoặc trong quá trình bỏ phiếu, thấy có hiện tượng vi phạm quy định của pháp luật về bầu cử… thì nên báo với người có trách nhiệm tại điểm bỏ phiếu để nhắc nhở…

Ngoài ra, với những người tham gia mạng xã hội, nên tích cực tham gia công tác tuyên truyền về bầu cử như chia sẻ các thông tin chính thức và chính thống về bầu cử, đổi ảnh đại diện vận động bỏ phiếu, đưa các thông tin, hình ảnh tích cực về công tác bầu cử… Dĩ nhiên, việc đưa thông tin cần chọn lọc kỹ để tránh những thông tin chưa phù hợp, đồng thời tránh vì quá tập trung vào việc đăng các cập nhật trạng thái về bầu cử mà thực hiện việc ghi hình, chụp ảnh không đúng quy định…

Như vậy, trong ngày bầu cử, ngoài trách nhiệm của cử tri, cán bộ, đảng viên còn chú ý phát huy tính tiên phong, gương mẫu của mình để góp phần làm cho ngày hội lớn được thành công tốt đẹp.

2 nhận xét:

  1. Toàn dân đi bầu cử để thực hiện trách nhiệm của mình trước đất nước

    Trả lờiXóa
  2. Cán bộ, đảng viên cần phát huy tính tiên phong, gương mẫu của mình để góp phần làm cho ngày hội lớn được thành công tốt đẹp.

    Trả lờiXóa