Thứ Sáu, 14 tháng 5, 2021

NHÀ NƯỚC CỦA DÂN, DO DÂN, VÌ DÂN LÀ KẾT QUẢ VẬN ĐỘNG HỢP QUY LUẬT CỦA XÃ HỘI

Từ vận dụng phép biện chứng duy vật vào nghiên cứu lịch sử, C. Mác xem xã hội là một bộ phận của tự nhiên và đã tìm ra quy luật về sự phù hợp giữa lực lượng sản xuất với quan hệ sản xuất; quan hệ biện chứng giữa cơ sở hạ tầng và kiến trúc thượng tầng; giai cấp và đấu tranh giai cấp; nhà nước và cách mạng xã hội… Ông khẳng định: “Tôi coi sự phát triển của các hình thái kinh tế - xã hội là một quá trình lịch sử, tự nhiên”. Theo đó, khi mâu thuẫn giữa lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất đạt đến đỉnh điểm sẽ diễn ra cách mạng xã hội mở đường cho lực lượng sản xuất thoát khỏi “xiềng xích” của quan hệ sản xuất đã lạc hậu, đưa đến sự ra đời hình thái kinh tế - xã hội với đại diện là một giai cấp mới, thiết lập nhà nước và chế độ xã hội trên cơ sở kinh tế - xã hội mới, tiến bộ hơn; cứ như vậy làm cho xã hội luôn vận động, phát triển từ thấp đến cao. Đến nay, nhân loại đã và đang trải qua các kiểu nhà nước tương ứng với các giai cấp đại diện là: chiếm hữu nô lệ do giai cấp chủ nô đại diện; phong kiến với đại diện là giai cấp phong kiến, địa chủ; tư bản - đại diện là giai cấp tư sản và nhà nước xã hội chủ nghĩa do giai cấp vô sản, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản làm đại diện. Theo lý luận, nhà nước xã hội chủ nghĩa là nhà nước của giai cấp công nhân – giai cấp có sứ mệnh: xóa bỏ chế độ người bóc lột người, giải phóng giai cấp công nhân, nhân dân lao động và nhân loại khỏi mọi áp bức, bóc lột, nghèo nàn lạc hậu, xây dựng xã hội Cộng sản chủ nghĩa văn minh, “Thực hiện sự nghiệp giải phóng thế giới ấy - đó là sứ mệnh lịch sử của giai cấp vô sản hiện đại”. Để hoàn thành sứ mệnh đó, giai cấp công nhân phải thông qua đội tiền phong của mình là Đảng Cộng sản để lãnh đạo nhân dân tiến hành cách mạng vô sản thủ tiêu giai cấp tư sản, thiết lập chuyên chính vô sản, cải tạo xã hội cũ, xây dựng xã hội mới. Đến giai đoạn mà lao động trở thành nhu cầu cống hiến cao nhất, mọi cá nhân đều bình đẳng, được phát triển toàn diện “làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu”, nhà nước hết vai trò, sẽ tự tiêu vong. Như vậy, mục tiêu và lợi ích căn bản của giai cấp công nhân phù hợp với nguyện vọng, lợi ích của nhân dân lao động. Vì thế, ở giai đoạn xã hội chủ nghĩa, việc xây dựng nhà nước của dân, do dân, vì dân dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản là phù hợp với quy luật và lý luận chủ nghĩa Mác – Lênin. Thực tiễn cho thấy, sau Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917, Liên xô và một loạt các nước (bao gồm Việt Nam) đã thiết lập nhà nước xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản và đã trở thành hệ thống lớn mạnh, đe dọa sự diệt vong chế độ tư bản trên toàn thế giới. Đáng tiếc là, những năm cuối thế kỷ XX, do nhiều nguyên nhân khác nhau, mô hình xã hội chủ nghĩa ở Liên xô và các nước Đông Âu “chệch hướng” dẫn đến sụp đổ. Cùng thời điểm đó, Việt Nam và một số nước đã vận dụng, phát triển chủ nghĩa Mác – Lênin phù hợp thực tiễn, tiến hành đổi mới toàn diện đất nước và đã thu được nhiều thành tựu to lớn. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Bổ sung, phát triển năm 2011) ghi rõ: “Cuộc đấu tranh của nhân dân các nước vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ, phát triển và tiến bộ xã hội dù gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhưng sẽ có những bước tiến mới. Theo quy luật tiến hóa của lịch sử, loài người nhất định sẽ tiến tới chủ nghĩa xã hội”.

2 nhận xét: