Thứ Năm, 13 tháng 5, 2021

LẤY HẠNH PHÚC CỦA NHÂN DÂN LÀ MỤC ĐÍCH TỐI THƯỢNG GẮN LIỀN VỚI LỢI ÍCH QUỐC GIA DÂN TỘC TRONG XU THẾ HỘI NHẬP QUỐC TẾ THEO TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH

Quan điểm cơ bản nhất của phương pháp luận Hồ Chí Minh chính là câu nói đanh thép của Người trong cuốn sách Đường Cách mệnh (1927): Cách mệnh! Cách mệnh! Cách mệnh! Hiểu rộng ra, đó là cuộc đấu tranh kiên cường và bền bỉ nhằm xóa chế dộ áp bức, bóc lột, thiết lập chế độ không có áp bức, bóc lột. Con người, nhân dân, các dân tộc làm chủ vận mệnh của mình, xóa bỏ nghèo nàn và lạc hậu, đem lại ánh sáng, tự do và hạnh phúc của con người.

Quan điểm dân sinh và triết lý nhân sinh trong chủ nghĩa nhân văn Hồ Chí Minh đã trở thành quan điểm, triết lý cho phương pháp luận cách mạng Hồ Chí Minh. Tất cả vì cuộc sống ngày một cao đẹp cho mỗi con người và cho cả cộng đồng xã hội. Theo Hồ Chí Minh, con người không thể mưu cầu hạnh phúc nếu chỉ biết trông đợi sự ban phát, hay sự hỗ trợ từ bên ngoài mà phải bắt tay hành động để tự mình giành lấy hạnh phúc cho chính mình và cho mọi người. Chỉ có cải tạo xã hội và thực hiện tiến bộ xã hội con người mới hoàn thiện được chính bản thân mình, thực hiện được ước mơ, mục đích và lý tưởng của mình. Trong suốt cuộc đời đấu tranh của mình, Hồ Chí Minh đã tiến hành đấu tranh không mệt mỏi, cống hiến không tiếc sức mình cho độc lập dân tộc, cho tự do và hạnh phúc của nhân dân. Ngay cả khi từ biệt thế giới này để đến với thế giới người hiền, Hồ Chí Minh vẫn lấy làm tiếc vì không còn được phục vụ nhân dân lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa. Suốt cuộc đời phục vụ, mưu cầu hạnh phúc cho nhân dân nhưng với bản thân Người, Người không hề đòi hỏi bất cứ điều gì cho riêng mình. 

Một điểm đặc sắc trong tư duy phát triển bền vững của Hồ Chí Minh còn là khởi đầu và kết thúc mọi vấn đề đều từ con người và gắn con người với mối quan hệ đầu tiên là gia đình. Ngay từ tháng 1/1959, trong bài nói chuyện tại Hội nghị thảo luận dự thảo Luật Hôn nhân và Gia đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm khẳng định: “Rất quan tâm đến gia đình là đúng và nhiều gia đình cộng lại mới thành xã hội, xã hội tốt thì gia đình càng tốt, gia đình tốt thì xã hội mới tốt. Hạt nhân của xã hội là gia đình. Chính vì muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội mà phải chú ý đến hạt nhân cho tốt”. Trong vấn đề gia đình, Người đặc biệt quan tâm xây dựng văn hóa gia đình, xem văn hóa gia đình là một trong những điều kiện đảm bảo cho sự phát triển bền vững của gia đình và xã hội Việt Nam, vì theo Người đó là cội nguồn của hạnh phúc con người. 

Hiện nay, sau gần 35 năm thực hiện đường lối đổi mới, trong bối cảnh hội nhập quốc tế và toàn cầu hóa ngày càng sâu rộng, trên nền tảng lý luận về gia đình của Hồ Chí Minh, Đảng Cộng sản Việt Nam càng nhận thức sâu sắc về vị trí, vai trò của gia đình với tư cách là “tế bào” vững chắc của xã hội, là môi trường lành mạnh để xây dựng nguồn lực con người; coi văn hóa gia đình và xây dựng gia đình văn hóa là một trong những nhiệm vụ quan trọng, cấp thiết trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 - 2020. Vị trí, vai trò của gia đình, nhất là văn hóa ngày càng được khẳng định và các gia đình Việt Nam ngày càng “khỏe mạnh” hơn để giữ vững vai trò là nền tảng xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tạo đà cho Việt Nam “cất cánh” nhanh và bền vững. 

Chính vì vậy, một trong những điểm mới của văn kiện Đại hội XIII lần này là quán triệt tinh thần đổi mới sáng tạo, khơi dậy giá trị con người Việt Nam, tranh thủ cách mạng công nghiệp lần thứ 4, vì một “Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc”. Yếu tố “hạnh phúc” là một điểm nhấn trong các văn kiện lần này. Điều này đã trở lại đúng tinh thần phương pháp luận cách mạng, nhân văn Hồ Chí Minh.

2 nhận xét:

  1. Làm gì cũng phải nghĩ đến hạnh phúc của nhân dân

    Trả lờiXóa
  2. Đảng Cộng sản Việt Nam càng nhận thức sâu sắc về vị trí, vai trò của gia đình với tư cách là “tế bào” vững chắc của xã hội, là môi trường lành mạnh để xây dựng nguồn lực con người; coi văn hóa gia đình và xây dựng gia đình văn hóa là một trong những nhiệm vụ quan trọng, cấp thiết trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội

    Trả lờiXóa