Thứ Ba, 18 tháng 5, 2021

VẬN DỤNG TƯ TƯỞNG “LẤY DÂN LÀM GỐC” CỦA HỒ CHÍ MINH

Từ sự trưởng thành trong tư duy lý luận và sự kiểm chứng trên thực tế, các Đại hội Đảng trong thời kỳ Đổi mới đều khẳng định bài học: Đổi mới phải luôn quán triệt tư tưởng “Lấy dân làm gốc”; phải thực sự dựa vào dân, vì lợi ích của dân. Đảng muốn đồng hành và lãnh đạo dân thì Đảng phải tin vào dân và quan trọng hơn là phải được dân tin.

Tuy nhiên, phải thắng thắn thừa nhận thực tế, một bộ phận không nhỏ cán bộ đảng viên vẫn chỉ biết vun vén, thậm chí vơ vét cho bản thân mà thờ ơ, vô cảm trước dân. Việc thực hiện quy chế dân chủ cơ sơ vẫn còn nhiều hạn chế; phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” chủ yếu mới dừng ở “dân làm”. Căn bệnh độc đoán, chuyên quyền, dân chủ hình thức còn ở đâu đó… Những khuyết điểm trên đã làm ảnh hưởng tới lòng tin của dân vào Đảng và chế độ.

Do đó, thực hành tư tưởng Hồ Chí Minh về “Lấy dân làm gốc” để khôi phục lại lòng tin của dân, là nhiệm vụ cấp thiết hiện nay. Tuy nhiên, học tập tư tưởng Hồ Chí Minh không phải chỉ là nhắc lại những câu nói mang tầm chân lý của Người mà là nghĩ sâu, nhìn thẳng và làm tốt một số việc sau đây.

Một là, mỗi cán bộ, đảng viên phải nâng cao nhận thức, thấm nhuần bài học “Lấy dân làm gốc” một cách sâu sắc nhất để vì dân một cách thiết thực nhất. Khi giải quyết công việc, cán bộ phải luôn tận tâm, nhiệt tình, đặt lợi ích của nhân dân lên trên hết, phải tránh thói “miệng nói dân chủ nhưng làm theo lối “quan chủ””.

Hai là, phải hoàn thiện thể chế, cơ chế để đảm bảo quyền làm chủ của dân trên thực tế. Theo Dự thảo Văn kiện Đại hội XIII, nguyên tắc “dân biết, dân làm, dân kiểm tra” được bổ sung thêm nội dung “dân giám sát và dân thụ hưởng”. Điều này hoàn toàn đúng nhưng quan trọng hơn là phải nhanh chóng thể chế hóa, cụ thể hóa nguyên tắc đó bằng các văn bản quy phạm pháp luật. Tôn trọng lợi ích của dân thì trước khi ban hành pháp luật, chính sách, cần đánh giá kỹ lưỡng tác động của nó đến đời sống nhân dân, phải thăm dò dư luận, đẩy mạnh việc đối thoại với dân - những người chịu tác động của chính sách ban hành.

Ba là, cán bộ phải lắng nghe dân và mọi hoạt động của Đảng, Nhà nước phải hướng tới việc bảo vệ quyền lợi của dân. Cho dù không phải mọi ý kiến của dân đều xác đáng, nhưng đúng như Hồ Chí Minh đã nói, “nếu quần chúng nói mười điều mà chỉ có một vài điều xây dựng, như thế vẫn là quý báu và bổ ích”(14).

Điều quan trọng nhất để có được lòng tin của dân chính là: Toàn bộ hoạt động của Đảng và Nhà nước phải xuất phát và hướng tới lợi ích của dân. Trong thời kỳ đất nước có chiến tranh, cơ sở để tạo ra sự gắn kết giữa “lòng dân” và “ý Đảng” chính là mục tiêu giải phóng dân tộc. Trong thời bình, cơ sở quan trọng nhất để tạo dựng niềm tin của dân vào Đảng chính là lợi ích của dân. Đây không phải là sự ban ơn mà là trách nhiệm, là hành động đúng quy luật của Đảng. Nếu không mang lại lợi ích cho dân thì có nói bao nhiêu về dân chủ cũng đều vô nghĩa.

Bốn là, phải tăng cường công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đẩy lùi tệ nạn tham nhũng, “lợi ích nhóm”. “Lấy dân làm gốc” thì phải huy động nhân dân vào công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Cho dù hình thức dân chủ trực tiếp ngày càng được chú trọng nhưng dân chủ đại diện vẫn là một phương thức cơ bản để hiện thực hóa quyền làm chủ của dân.

Muốn được dân tin yêu thì người cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo phải gương mẫu về mọi mặt. Đặc biệt, phải quyết liệt chống tiêu cực thì nhân tố tích cực mới có chỗ đứng, giống như muốn lúa tốt, phải nhổ sạch cỏ. Vì thế, biểu hiện rõ nhất, tập trung nhất của tư tưởng “lấy dân làm gốc” hiện nay chính là nói “không”với tham nhũng và đẩy mạnh công tác phòng chống tham nhũng, triệt tiêu“lợi ích nhóm.

Mỗi cán bộ, đảng viên đều có trách nhiệm “tiếp nhiệt” cho “lò” chống tham nhũng rực cháy.

Thực hiện tư tưởng “Lấy dân làm gốc” thì còn phải phát huy sức mạnh của chủ nghĩa yêu nước, đoàn kết trong dân, xây dựng “thế trận lòng dân” trong công cuộc bảo vệ Tổ quốc. Phải làm tốt công tác dân vận để huy động tối đa “tài dân, sức dân, của dân để mưu cầu hạnh phúc cho dân”.

Cổ nhân từng đúc kết: “Dân vi bang bản thiên niên sách/ Công tại nhân tâm vạn cổ trường”( Lấy dân làm gốc, đó là sách lược ngàn năm/ Công lao ở lòng người sẽ ghi tạc muôn đời). Kỳ tích của dân tộc Việt Nam trong hàng ngàn năm lịch sử đều bắt nguồn từ sự thực hành tư tưởng “Lấy dân làm gốc” của các bậc anh minh, trong đó có Hồ Chí Minh. Sinh ra từ dân, sống và hoạt động trong lòng dân, luôn tin tưởng và biết phát huy sức mạnh vô tận của dân để vì dân, Hồ Chí Minh trở thành tượng đài bất tử trong tình yêu của nhân dân. Bí quyết thành công của Người chính là bài học sâu sắc mà hậu thế phải noi theo./.

2 nhận xét: