Thứ Hai, 16 tháng 12, 2019

ĐÃ “CHẠY” LÀ KHÔNG DÙNG!

Ngay từ khi triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 (lần 2) khóa VIII, Bộ Chính trị đã báo cáo trước Trung ương, chỉ ra 5 loại “chạy”: “Chạy chức” trước khi bầu cử; “chạy quyền” trước khi phân công công tác; “chạy lợi” trước khi phân bổ ngân sách, đấu thầu, cấp quota; “chạy chỗ” trước khi bổ nhiệm; “chạy tội” trước khi điều tra, xét xử. Đáng bàn hơn, là cán bộ không chỉ “chạy” cho bản thân mình mà còn “chạy” cho vợ con, anh em, người nhà, bạn bè, cấp dưới...
Nếu như trước đây việc “chạy chức, chạy quyền” thường diễn ra ở một hoặc một số đối tượng; thì nay, việc “chạy” diễn ra phổ biến hơn, xuyên thấu vào tầng sâu, tràn qua nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều đối tượng, kết nối thành bè cánh, phe nhóm, miếng mảng... hết sức tinh vi, bài bản.
“Chạy chức chạy quyền” đã diễn biến tinh vi ở nhiều cấp, nhiều bộ, ngành, nhiều địa phương. Người ta không chỉ “chạy” bằng vật chất mà bằng các hình thức phi vật chất, thậm chí bằng cách trao đổi, hợp thương: Anh giúp tôi “chạy chức” này, tôi giúp anh “chạy” vị trí kia, hoặc “chạy” dự án nọ...
Các chuyên gia tổ chức cán bộ cho rằng, “chạy chức chạy quyền” thực chất là sự tha hóa, tham nhũng quyền lực, là hành vi dùng mọi thủ đoạn, mánh lới, đánh đổi lợi ích vật chất và phi vật chất để giành được vị trí, quyền lợi như mong muốn. Hình thức “chạy” rất đa dạng: “Chạy” để chưa có chức thành có chức, “chạy” từ vị trí thấp lên vị trí cao, “chạy” từ nơi có lợi ích bổng lộc ít lên nơi có nhiều; “chạy” để “hạ cánh an toàn”, “chạy” biên chế, “chạy” ghế, “chạy” bằng cấp, “chạy” thành tích; “chạy” để vào cấp ủy; “chạy” tuổi để kéo dài thời gian công tác, bổ nhiệm; “chạy” tội để không bị kỷ luật, giữ ghế…
“Chạy” không chỉ là câu chuyện cá nhân mà đã biến tướng, biến thể, hình thành các nhóm lợi ích, các đường dây mua quan, bán tước, hình thành các gia đình quan chức-gia đình trị... Khi cơ quan pháp luật điều tra các vụ án ở Bộ Công Thương và vụ án Trịnh Xuân Thanh và các đồng phạm, có tình tiết về hàng loạt nhân sự đã được bổ nhiệm, điều động một cách bất thường, không đủ tiêu chuẩn để hình thành những ê kíp, sau đó trở thành đường dây tham nhũng.
Nạn “chạy” nguy hiểm còn ở chỗ nó trở thành “chuyện thường ngày ở huyện”, thậm chí ở xã. Ai cũng toan lo, ái ngại, trách oán về một thực tế “chạy”, nhưng ít ai dám đứng lên đấu tranh, vạch mặt vấn nạn đó. Thậm chí, người dân còn khuyên bảo nhau: “Thời này nó thế”, “không có bôi trơn thì không thông”, “không có tiền làm sao có quyền”... Đó là một môi trường bị vấy bẩn từng bước, tạo điều kiện cho nạn “chạy chức, chạy quyền” ngấm ngầm lây lan trong hệ thống chính trị và xã hội, trở thành ung nhọt tai biến trong Đảng và bộ máy công quyền.

2 nhận xét: