Những năm qua, với sự
quan tâm của Đảng, Nhà nước, các tôn giáo ở Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ,
đóng góp to lớn vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Tuy nhiên, bên cạnh
những chức sắc, tín đồ chân chính tu hành đúng giáo lý, giáo luật; còn có một số
người lợi dụng tôn giáo để thực hiện những hành vi đi ngược với giáo lý của tôn
giáo và đạo lý của dân tộc Việt Nam, trái với quy định của pháp luật. Hành vi của
số người này đã làm mất thanh danh của tôn giáo, gây bức xúc trong xã hội.
Tôn giáo là niềm tin của
con người tồn tại với hệ thống quan niệm và hoạt động bao gồm đối tượng tôn thờ,
giáo lý, giáo luật, lễ nghi và tổ chức. Hoạt động tôn giáo là hoạt động truyền
bá tôn giáo, sinh hoạt tôn giáo và quản lý tổ chức của tôn giáo. Luật Tín ngưỡng,
tôn giáo năm 2016 quy định: “Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng,
tôn giáo của mọi người; bảo đảm để các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật” (Điều
3), đồng thời khẳng định các hoạt động tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo bị nghiêm
cấm: “Xâm phạm quốc phòng, an ninh, chủ quyền quốc gia, trật tự, an toàn xã hội
(TTATXH), môi trường; xâm hại đạo đức xã hội; xâm phạm thân thể, sức khỏe, tính
mạng, tài sản; xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác; cản trở việc thực hiện
quyền và nghĩa vụ công dân” và “lợi dụng hoạt động tín ngưỡng, hoạt động tôn
giáo để trục lợi” (Điều 5). Tuy nhiên, thời gian qua, bất chấp pháp luật, đã có
một số chức sắc, tín đồ lợi dụng chính tôn giáo xâm phạm an ninh chính trị,
TTATXH, vi phạm đạo đức, vi phạm giáo lý, giáo luật và đi ngược với truyền thống
đạo lý tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.
Vụ việc xảy ra tại chùa Ba
Vàng (Uông Bí, Quảng Ninh) mà báo chí phản ánh về việc tổ chức "giải oan
gia trái chủ", “chữa bệnh nhờ thỉnh vong”, "trả nợ cho vong" thu
hàng trăm tỷ đồng, Ban Thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam
đã kết luận: Việc tổ chức lễ "giải oan gia trái chủ", “chữa bệnh nhờ
thỉnh vong”, "trả nợ cho vong" bằng tiền hoặc lao động không công tại
chùa là không đúng với nghi lễ Phật giáo truyền thống, làm tổn thương đến thanh
danh Giáo hội, đến Tăng đoàn.
Nói đến một số vụ việc phức
tạp ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh trật tự xảy ra ở các tỉnh miền Trung thời
gian vừa qua, dư luận nhắc nhiều đến vị giám mục Nguyễn Thái Hợp, nguyên giám mục
giáo phận Vinh (hiện nay là giám mục giáo phận Hà Tĩnh). Vị này được giao cai
quản giáo phận Vinh từ năm 2010 đến 2018. Sau 8 năm thực thi nhiệm vụ, giáo phận
Vinh do vị này quản lý từ vùng đất bình yên trở thành “điểm nóng” về an ninh trật
tự, thường xuyên xảy ra các vụ vi phạm pháp luật. Giám mục này nhiều lần chẳng
những không ngăn cản mà còn để một số chức sắc, giáo dân nơi đây trở thành những
người “vô luật”, chống đối chính quyền. Các vị linh mục dưới quyền quản lý như
Đặng Hữu Nam (Quản xứ Phú Yên, Quỳnh Lưu, Nghệ An), Lê Công Lượng (Quản xứ Xuân
Kiều, Nghi Lộc, Nghệ An)… đã kích động, lôi kéo một bộ phận tín đồ, chức sắc,
nhân dân tham gia biểu tình gây rối, đập phá tài sản, cản trở giao
thông, bắt giữ người trái pháp luật, tấn công người thi hành công vụ;
thậm chí có linh mục còn nói xấu lãnh đạo Đảng, Nhà nước, kích động bạo lực,
gây chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc. Mới đây nhất, nhân vụ việc 39 người Việt
tử vong trong container ở Vương quốc Anh, trên trang facebook cá
nhân, linh mục Đặng Hữu Nam đã có nhiều bài viết, bài nói và việc làm xuyên tạc
Chủ tịch Hồ Chí Minh, đường lối, chủ trương của Đảng. Vị linh mục này đổ lỗi
cho Đảng, Nhà nước gây ra nghèo đói, khiến người dân phải bỏ đất nước ra đi kiếm
sống… Vị này còn phát lên trang cá nhân những clip truyền giảng trong giáo đường
với ngôn từ tục tĩu, kích động, thậm chí xuyên tạc cả tôn giáo khác. Những lời
nói lộng ngôn, coi thường đạo lý và những hành động ngông cuồng của số chức sắc
nêu trên không chỉ vi phạm pháp luật Việt Nam mà còn vi phạm nghiêm trọng giáo
lý, giáo luật của Công giáo.
Nội dung bài viết rất hay, cảm ơn tác giả
Trả lờiXóaLà Linh mục cũng phải chấp hành nghiêm pháp luật, người nào sai phạm cũng phải bị xử lý
Trả lờiXóa