Chủ Nhật, 1 tháng 12, 2019

QUỐC HỘI VIỆT NAM LÀ QUỐC HỘI DÂN CHỦ, CỦA DÂN, DO DÂN, VÌ DÂN

Cứ đến dịp Quốc hội họp, đâu đó lại xuất hiện một vài giọng điệu đả kích, cho rằng: "Quốc hội Việt Nam chỉ quyết định theo chỉ đạo của Đảng, là cơ quan thảo luận cho vui và chỉ mang tính hình thức". Những giọng điệu này hoàn toàn lạc lõng trước sự tín nhiệm ngày càng cao của cử tri, nhân dân dành cho Quốc hội Việt Nam-một cơ quan liên tục tự đổi mới, cải tiến cách thức làm việc nhằm tăng cường dân chủ, công khai, minh bạch, nâng cao hiệu quả làm việc và thể hiện đúng ý chí, nguyện vọng của cử tri, nhân dân cả nước.
Một trong những lập luận của những người đả kích là "các cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đều được tiến hành trên cơ sở Đảng cử, dân bầu nên không có tự do ứng cử", rồi "khi bầu cử thì vận động, ép buộc bầu người này, người kia, như thế là không dân chủ".
Theo Hiến pháp cũng như quy định của Luật Bầu cử ĐBQH và đại biểu hội đồng nhân dân (HĐND), mọi công dân Việt Nam nếu thấy mình đáp ứng đủ tiêu chuẩn của ĐBQH, đại biểu HĐND đều có quyền tự ứng cử. Các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị-xã hội, tổ chức xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân, cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp, tổ chức kinh tế cũng có quyền giới thiệu người ứng cử ĐBQH, đại biểu HĐND.
Việc tổ chức 3 vòng hiệp thương để chốt danh sách người ứng cử cũng là chuyện bình thường và nước nào cũng có cách làm tương tự để rà soát người đáp ứng đủ tiêu chuẩn ứng cử. Công việc này ở mỗi nước được giao các cơ quan khác nhau đảm nhiệm, tùy theo đặc điểm, tình hình. Tại Việt Nam, Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) là tổ chức mang tính đại diện rộng rãi của các tổ chức xã hội, tổ chức chính trị-xã hội, tổ chức chính trị và các tầng lớp nhân dân, các giai cấp, các dân tộc… Vì vậy, MTTQ là tổ chức phù hợp nhất tiến hành các vòng hiệp thương nhằm xác định được danh sách ứng cử ĐBQH, đại biểu HĐND đủ tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật và đáp ứng được tính cơ cấu, đại diện theo vùng, miền, địa phương, dân tộc, giới tính, độ tuổi, giai tầng, trong đó có cả người được giới thiệu và người tự ứng cử. Người được giới thiệu hay người tự ứng cử có thể là đảng viên, có thể là người ngoài Đảng nếu có đủ điều kiện và theo đúng các quy định của pháp luật.
Thực tế qua các kỳ bầu cử cho thấy, rất nhiều người tự ứng cử đã giành được sự tín nhiệm của cử tri nơi cư trú hoặc nơi công tác, học tập nên vượt qua vòng hiệp thương thứ hai; có đủ tiêu chuẩn và tín nhiệm vượt qua vòng bỏ phiếu hiệp thương thứ ba để có tên trên danh sách phiếu bầu; được cử tri nơi bầu cử tín nhiệm bầu làm ĐBQH, đại biểu HĐND. Ví dụ ĐBQH Phạm Quang Dũng (đoàn Nam Định) và ĐBQH Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội) đều là những người tự ứng cử. 
Cùng với đó, cũng có rất nhiều người được các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị-xã hội, tổ chức xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân, cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp, tổ chức kinh tế giới thiệu (trong đó có người là đảng viên, có người không phải là đảng viên), dù vượt qua các vòng hiệp thương nhưng không đạt được tỷ lệ phiếu bầu ở nơi ứng cử ĐBQH, đại biểu HĐND. Ví dụ, tại cuộc bầu cử ĐBQH khóa XIV, có 15 đại biểu thuộc diện các cơ quan, tổ chức, đơn vị ở Trung ương giới thiệu nhưng không trúng cử để trở thành ĐBQH.
Việc vận động bầu cử là việc làm bình thường ở các nước, Việt Nam không là ngoại lệ. Cáo buộc “ép buộc” bầu người này, bầu người kia được đưa ra một cách vu vơ, thiếu dẫn chứng cụ thể thì rất khó thuyết phục. Thực tế, nếu có hành vi ép buộc người khác bầu cử, hành vi đó đương nhiên vi phạm Điều 95 của Luật Bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND, nhẹ thì bị xử lý hành chính, nặng thì bị xử lý hình sự. Bất kỳ ai nhận thấy mình bị mua chuộc, ép buộc khi bỏ phiếu đều có thể khiếu nại, tố cáo để làm rõ và xử lý.
Như vậy, về mặt pháp luật, quyền tự do ứng cử, tự do bầu cử của công dân Việt Nam được Hiến định và được pháp luật quy định rất rõ ràng, được tôn trọng và bảo vệ. Về mặt thực tiễn, dù người tự ứng cử hay người được giới thiệu, dù là đảng viên hay người ngoài Đảng, ứng cử viên nào được cử tri tín nhiệm thì mới được cử tri bầu làm ĐBQH, đại biểu HĐND. Ngược lại, ứng cử viên nào không đủ tín nhiệm với cử tri thì đều không được bầu, không cứ đó là ứng cử viên tự do hay ứng cử viên được giới thiệu.

2 nhận xét: