Giáo dục lòng liêm chính, đạo đức công vụ
cho công chức từ lâu đã được nhiều nước trên thế giới xem như một trụ cột trong
chính sách phòng, chống tham nhũng. Qua đó, giúp công chức thấy được tham nhũng
là hành vi vi phạm đạo đức, trách nhiệm và nghĩa vụ của người công chức trong
quá trình thực thi công vụ. Việc giáo dục liêm chính ở một số quốc gia được thực
hiện hằng năm và mang tính bắt buộc cho toàn thể cán bộ, công chức. Tất cả các
quốc gia thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đều có chương trình
đào tạo liêm chính bắt buộc cho cán bộ, viên chức của họ. Với mục tiêu nâng cao
nhận thức cho công chức về trách nhiệm công vụ, về việc nghiêm cấm các hành vi
tham nhũng trong công chức, một số nước như Thụy Điển, Hàn Quốc, Malaysia, Đức,
Trung Quốc, Singapore ban hành văn bản pháp luật riêng về đạo đức công chức, thậm
chí thành lập những cơ quan chuyên phụ trách về đạo đức công chức. Hàn Quốc
thành lập ủy ban đặc biệt về đạo đức công chức có trách nhiệm chính trong việc
giáo dục đạo đức công chức, theo dõi quá trình thực hiện của công chức. Singapore
giáo dục công chức lòng tự trọng, xem tham nhũng như sự sỉ nhục danh dự và họ sợ
bị áp dụng chế tài pháp luật, coi đây là hành vi nhiều rủi ro, từ đó có thái độ
nói không với tham nhũng trong quá trình thực thi nhiệm vụ.
Trong giáo dục phòng, chống tham nhũng,
các nước không chỉ chú ý đến giáo dục đạo đức công vụ cho cán bộ, công chức mà
còn quan tâm đến giáo dục đạo đức cho công dân, thông qua nhiều cách thức, đặc
biệt là hệ thống giáo dục quốc dân. Thái Lan, Indonexia, Philippines, Trung Quốc
đều đưa môn học về phòng, chống tham nhũng vào chương trình giáo dục ở các nhà
trường ở các cấp độ và mức độ khác nhau. Từ năm 2008, Trung Quốc đã triển khai
chính thức chương trình giáo dục liêm chính trong các nhà trường. Chương trình
giáo dục phòng, chống tham nhũng cho người dân ở một số nước, bao gồm: các nội
dung về đạo đức trong sáng, lối sống lành mạnh, thái độ căm ghét và tinh thần
kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, kiến thức giúp người dân nhận diện được
hành vi tham nhũng, biết cung cấp thông tin cho cơ quan thông tin đại chúng và
tố cáo với cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Hồng Kông (Trung Quốc) chú ý giáo dục
về tham nhũng theo hướng coi tham nhũng là hành vi không thể chấp nhận và không
thể khoan nhượng trong xã hội. Ngay từ khi mới thành lập Cơ quan điều tra chống
tham nhũng (CPIB), Singapore đã nghiêm túc xây dựng chương trình giáo dục sâu rộng
ý thức của người dân trong phòng, chống tham nhũng, thực hiện đồng bộ trong
sinh viên, học sinh và trong cộng đồng. Giám đốc cơ quan điều tra chống tham nhũng
Singapore nhấn mạnh: “Văn hóa chống tham nhũng của chúng tôi bén rễ trong xã hội
bằng một chính sách giáo dục lâu dài. Nó được chia làm hai chương trình: giáo dục
cho cộng đồng và giáo dục cho học sinh, sinh viên ngay từ khi các em còn nhỏ dưới
nhiều hình thức sinh động và hấp dẫn nhưng rất nghiêm túc. Tất cả nhằm tạo cho
mọi công dân hiểu về hậu quả an ninh của một đất nước nếu chìm sâu trong tệ
tham nhũng, về danh dự, lòng tự trọng và giá trị đạo đức của con người và cả
dân tộc”. CPIB thường xuyên tổ chức các chương trình tập huấn với hiệu trưởng
của các trường để cập nhật những thông tin mới nhất đưa vào giảng dạy. Ngoài
ra, CPIB còn tiến hành các buổi trao đổi với tên gọi “Hành trình học hỏi” cho
các học sinh trường trung học nhằm giúp cho thế hệ trẻ có nhận thức về hành vi
tham nhũng. CPIB còn tổ chức những lớp đặc biệt dành riêng cho sinh viên thuộc
ngành hành chính công và quản lý Chính phủ để học cách chống tham nhũng với những
ví dụ thực tế, sinh động. Về chương trình giáo dục trong cộng đồng, Singapore tổ
chức các chiến dịch tuyên truyền rộng lớn để người dân hiểu rằng nếu không chống
tham nhũng tốt thì sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh của quốc gia. Quá
trình giáo dục đó mang lại sự thay đổi căn bản nhận thức về tham nhũng từ chỗ
là một hoạt động rủi ro thấp mà lợi nhuận cao trở thành một hoạt động rủi ro
cao mà lợi nhuận thấp. Ở Mỹ, Đạo luật phòng chống các hành vi tham nhũng nước
ngoài của Mỹ (FCPA), các doanh nghiệp Mỹ trước khi muốn ký hợp đồng làm ăn với
doanh nghiệp nước ngoài cần yêu cầu đối tác tổ chức các khoá học về liêm chính
và chống tham nhũng cho nhân viên.
Những kinh nghiệm này cần vận dụng khéo léo vào Việt Nam
Trả lờiXóaBạn nói rất đúng
Xóa