Thứ Sáu, 6 tháng 12, 2019

CỤC BỘ, BÈ PHÁI TRONG CÔNG TÁC CÁN BỘ - HỆ LỤY VÀ GIẢI PHÁP ĐẤU TRANH

Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) đã chỉ rõ: cục bộ, bè phái trong công tác cán bộ là căn bệnh rất nguy hiểm, một trong những biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, làm suy yếu vai trò lãnh đạo của Đảng, bản chất nhà nước của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Vì vậy, nhận diện và kiên quyết đấu tranh, loại bỏ “căn bệnh” nguy hiểm này, làm trong sạch đội ngũ cán bộ, đảng viên, nâng cao sức chiến đấu, uy tín, vai trò lãnh đạo của Đảng là vấn đề cấp bách hiện nay.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm chăm lo, giáo dục, rèn luyện đội ngũ cán bộ, đảng viên, đồng thời đánh giá cao vị trí, vai trò của cán bộ và công tác cán bộ. Người khẳng định: “Muôn việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hay kém”, “cán bộ là cái gốc của mọi công việc; huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Đảng”1. Quá trình lãnh đạo cách mạng, Người đã sớm phát hiện những “lỗ hổng” và hạn chế, yếu kém trong công tác cán bộ. Trong đó, “cục bộ, bè phái” là “căn bệnh” rất nguy hiểm, gây mất đoàn kết trong Đảng, làm hư hỏng đội ngũ cán bộ, dẫn đến suy yếu vai trò lãnh đạo của Đảng.
 Hiện nay, căn bệnh này đã và đang len lỏi, biến hóa rất tinh vi trong thực hiện nguyên tắc, quy chế, quy định, quy trình của công tác cán bộ. Và có thể nhận diện rõ,  như: tư tưởng “một người làm quan, cả họ được nhờ”, “hậu duệ”, “đồ đệ”, “địa phương chủ nghĩa”, “lợi ích nhóm”, “cánh hẩu”, v.v. Điều đó dẫn đến việc xem xét, quy hoạch, bổ nhiệm, sử dụng cán bộ sai lệch, nảy sinh cơ hội, tham nhũng và nhiều căn bệnh khác nguy hại cho Đảng, cho tổ chức, v.v. Dễ nhận thấy là, hành vi trái nguyên tắc, vi phạm dân chủ, đề cao cá nhân, độc đoán, chuyên quyền, kéo bè, kéo cánh, thậm chí biến cơ quan thành “gia đình trị”, để rồi xuất hiện những “cấp ủy nội tộc”, “chi bộ dòng họ”, “ủy ban dòng họ A”, “cơ quan bộ của tỉnh B”, ngành của “biển số xe C”, v.v. Điều đó tất yếu làm nảy sinh các hành vi: xu nịnh, tâng bốc, bao che khuyết điểm, dìm người tốt, người thẳng thắn, trung thực; thậm chí vi phạm nguyên tắc trong bầu cử, bỏ phiếu tín nhiệm bằng các hành vi vận động hành lang, vận động dòng họ, vận động không bầu cho cán bộ luân chuyển từ địa phương khác đến, rỉ tai, mua chuộc, ép buộc, đe dọa những người không a dua theo; cất nhắc, bổ nhiệm những người thân quen không đủ điều kiện, tiêu chuẩn, uy tín, rồi bao biện “cho nợ tiêu chí”, “bồi dưỡng sau, vừa làm vừa bồi dưỡng”, v.v.
Những biểu hiện trên của “căn bệnh” này là rất nguy hại, làm chia rẽ nội bộ, gây mất đoàn kết, mất niềm tin của cán bộ vào tổ chức, xa rời quần chúng nhân dân. Đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cảnh báo: “Nó làm hại đến sự thống nhất. Nó làm Đảng bớt mất nhân tài và không thực hành được đầy đủ chính sách của mình. Nó làm mất sự thân ái, đoàn kết giữa đồng chí. Nó gây ra những mối nghi ngờ”2; đồng thời, nó chính là căn nguyên thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, làm mất sức chiến đấu, vai trò lãnh đạo của các tổ chức đảng, làm suy yếu Đảng và đội ngũ cán bộ của Đảng.
Tính chất nguy hại của tư tưởng, biểu hiện “cục bộ, bè phái” trong công tác cán bộ còn là cơ hội để các thế lực thù địch lợi dụng, xuyên tạc, bôi nhọ, phủ nhận thành tựu của công tác xây đảng nói chung, công tác cán bộ của Đảng ta nói riêng. Đặc biệt, trước thềm Đại hội lần thứ XIII của Đảng, các thế lực thù địch tiếp tục tìm mọi cách đưa ra những luận điệu phản động, tuy không mới nhưng với tần suất cao hơn, tinh vi và xảo quyệt hơn, như: “cuộc đấu tranh chống tham nhũng vừa qua chỉ là cuộc đấu đá, thanh trừng lẫn nhau giữa các phe cánh trong Đảng Cộng sản Việt Nam”, “chủ trương không có vùng cấm, không có ngoại lệ chỉ là khẩu hiệu suông”, “hạ bệ được quan tham này, thì quan tham khác lại xuất hiện”, v.v. Đây là những luận điệu vô cùng nguy hiểm, đánh vào ý chí, niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân ta trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng ở nước ta hiện nay.
Những biểu hiện “cục bộ, bè phái” trong công tác cán bộ hiện nay do nhiều nguyên nhân, trong đó chủ yếu là do nhận thức sai lệch về công tác cán bộ của Đảng, sự chi phối bởi lợi ích, nhất là về quyền lực chính trị và lợi ích kinh tế; việc chấp hành nguyên tắc tập trung dân chủ, giữ gìn, phát huy truyền thống đoàn kết trong Đảng và sự lợi dụng chống phá của các thế lực thù địch.

2 nhận xét: