Thứ Hai, 16 tháng 12, 2019

CHỦ ĐỘNG PHÒNG, CHỐNG THAM Ô, THAM NHŨNG, CHẠY CHỨC, CHẠY QUYỀN Ở NƯỚC TA HIỆN NAY

Tham ô, tham nhũng, chạy chức, chạy quyền tồn tại cùng với lòng tham của con người, nó có ở mọi thời đại trong lịch sử, không chỉ riêng dân tộc ta, đất nước ta, chế độ ta, mà ở các chế độ, ở mọi quốc gia, nó tồn tại xuyên suốt chiều dài lịch sử nhân loại. Vì vậy, để chống tham ô, tham nhũng, chạy chức, chạy quyền chúng ta phải xây dựng được bộ máy chính quyền, các cơ quan quản lý nhà nước mà ở đó người cán bộ không thể tham nhũng, không dám tham nhũng và không cần tham nhũng.
Không thể : Đó là các cơ quan Nhà nước phải quản lý kinh tế, xã hội khoa học, chặt chẽ, minh bạch gần như không còn kẽ hở, còn vùng tối cho cá nhân và nhóm lợi ích tham ô, tham nhũng, chạy chức, chạy quyền lợi dụng trục lợi. Chúng ta có làm được không? Chúng ta đang làm gì? Phải khẳng định rằng chúng ta sẽ làm được và chúng ta đang làm. Hiện nay, chúng ta đang triển khai xây dựng Chính phủ điện tử nhằm nâng cao tính minh bạch trong hoạt động của Chính phủ, đẩy lùi nạn tham nhũng, góp phần phát triển kinh tế. Mục tiêu chung trong xây dựng Chính phủ điện tử là tăng cường năng lực, nâng cao hiệu quả điều hành nhà nước của chính phủ. Giảm “ nạn giấy tờ ” văn phòng – công sở, tiết kiệm thời gian, hợp lý hoá việc vận hành công việc, cho phép các cơ quan Chính phủ cung cấp các dịch vụ chất lượng cao hơn và giảm ngân sách chi tiêu của chính phủ. Những việc làm cụ thể như ngày 30/10/2017, Thủ tướng chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ký ban hành Nghị quyết 112/NQ-CP của chính phủ. Theo đó, Chính phủ thông qua phương án của Bộ Công an về việc bỏ các thủ tục về sổ hộ khẩu, giấy chứng minh nhân dân trong quản lý dân cư để thống nhất việc quản lý bằng mã số định danh cá nhân. Chúng ta cũng đang tiến tới đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin để xử phạt nguội đối với người vi phạm luật giao thông. Thực hiện được việc đó chúng ta sẽ ngăn chặn được nạn đưa hối lộ và nhận hối lộ của cảnh sát giao thông và người vi phạm – một trong những vấn đề gây bức xúc nhiều trong dư luận xã hội.
  Không dám: Cùng với xây dựng một nền “đức trị” giáo dục đạo đức cách mạng, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, một vị lãnh tụ vĩ đại, một nhân cách lớn mà không phải dân tộc nào cũng có được. Cùng với đó chúng ta cần xây dựng một nền “pháp trị” mạnh mẽ, với một xã hội thượng tôn pháp luật, không chỉ cán bộ mà mọi người dân đều phải được trang bị kiến thức pháp luật cơ bản để tham gia đấu tranh chống cán bộ thực thi nhiệm vụ trái pháp luật, thực hiện quyền giám sát của công dân. Muốn vậy chúng ta phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật cho nhân dân. Pháp luật phải đủ sức răn đe với tội danh tham nhũng. Chúng ta đều biết rằng Chủ tịch Hồ Chí Minh hết mực yêu thương con người, nhất là những người đồng chí bên mình. Nhưng chính người cũng đã phải thức trắng đêm để quyết định tử hình đại tá Trần Dụ Châu – Cục trưởng Cục Cung cấp nay là Tổng cục Hậu cần vì tội tham ô, tham nhũng. Hiện nay, chúng ta đã xây dựng Luật phòng chống tham nhũng, đưa tội danh tham nhũng vào tội tử hình. Đảng ta cũng rất kiên quyết trong điều tra xử lý nghiêm các vụ án tham nhũng. Ngày 13/5/2017, trong buổi tiếp xúc cử tri tại quận Hoàn Kiếm (Hà Nội), Tổng bí thư cho hay chưa thời kỳ nào như vừa rồi, Trung ương đã tiến hành xử lý một loạt cán bộ cao cấp, kể cả về hưu. “Từ nay trở đi, bất cứ trường hợp nào vi phạm kỷ luật, chúng ta phải xử lý nghiêm, làm nghiêm từ trên xuống dưới để giữ vững kỷ cương, kỷ luật của Đảng, để lấy lại và củng cố lòng tin và tình thương yêu, quý trọng của nhân dân”, Tổng bí thư phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 6. Lấy ví dụ về hàng loạt đại án xét xử đầu năm 2018, Tổng bí thư khẳng định tinh thần xuyên suốt của cuộc đấu tranh chống tham nhũng. “Lò” nóng lên là do tất cả cùng vào cuộc, cùng quyết tâm “đốt lò” để đẩy lùi tham nhũng.
  Không cần: Ta cần nhận thức đúng về lời dạy của Bác và quan điểm của Đảng hiện nay. Bác từng dạy: “Người cán bộ vừa là người lãnh đạo, vừa là người đày tớ của nhân dân”. Lãnh đạo ở đây là phải đi trước, phải tiên phong vạch đường lối chứ không phải theo đuôi quần chúng càng không phải là làm quan cách mạng, ăn trên ngồi chóc, cửa quyền hách dịch xa rời quần chúng. Người đày tớ ở đây là phải phụng sự nhân dân, chăm lo cho nhân từng miếng cơm, manh áo, từng giấc ngủ bình yên, tuyệt đối không có nghĩa người đày tớ là phải nghèo hơn dân, phải ăn mặc rách rưới, nhà cửa dột nát. Đó là nhận thức mơ hồ và thiển cận của một bộ phận cán bộ, đảng viên và người dân. Cán bộ tài đức là nguyên khí quốc gia, sử dụng họ phải chăm lo cho họ phải có chính sách cán bộ phù hợp, trả lương xứng đáng với công sức và trí tuệ họ bỏ ra mới thu hút được người tài. Cải cách đổi mới công tác cán bộ mới ngăn chặn được nạn con ông cháu cha, chạy chức, chạy quyền. Bên cạnh đó hiện nay, Đảng ta đã cho phép đảng viên làm kinh tế tư nhân, vừa là tận dụng được trí tuệ, chất xám của họ vào phát triển kinh tế đất nước vừa thể hiện được tính tiền phong nêu gương của cán bộ, đảng viên đóng góp trực tiếp vào công cuộc CNH - HĐH đất nước, vừa đảm bảo hơn đời sống kinh tế của cán bộ, đảng viên. Thực hiện tốt chính sách cán bộ, đảm bảo đời sống kinh tế cho đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ trẻ, cán bộ có hoàn cảnh khó khăn, đó là biện pháp ngăn chặn một trong những mầm mống của tham ô, tham nhũng, chạy chức, chạy quyền.
  Không chỉ những cán bộ, đảng viên mà mỗi người dân chúng ta phải nhận thức đúng về nguồn gốc, bản chất của tham ô, tham nhũng, chạy chức, chạy quyền. Thấy được biện pháp phòng chống và đẩy lùi tham ô, tham nhũng. Từ đó tích cực tham gia đấu tranh chống tham ô, tham nhũng, chạy chức chạy quyền. Tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, sát cánh cùng Đảng trong cuộc chiến này, không dao động trước mọi khó khăn thử thách. Thấm nhuần tư tưởng đạo đức cách mạng của Bác cùng với phát huy cao tinh thần thượng tôn pháp luật. Chúng ta tin tưởng rằng tất cả cán bộ, đảng viên đều có bản lĩnh vững vàng, cùng nhau đấu tranh chống tham ô, tham nhũng, chạy chức, chạy quyền, giữ vững niềm tin “chiến lược” của nhân dân với Đảng, với chế độ. Giữ vững ổn định chính trị là môi trường thuận lợi để bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc và xây dựng đất nước./.

2 nhận xét:

  1. Công cuộc phòng chống tham nhũng hiện nay đang tiến hành rất quyết liệt được nhân dân hết lòng ủng hộ

    Trả lờiXóa
  2. Tất cả các trường hợp tham nhũng đều phải bị nghiêm trị

    Trả lờiXóa