Thứ Sáu, 13 tháng 12, 2019

TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH VỀ MỐI QUAN HỆ GIỮA QUÂN ĐỘI VÀ NHÂN DÂN

Trong di sản tư tưởng Hồ Chí Minh để lại cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta, có gần 50 bài nói, bài phát biểu, huấn thị hoặc thư căn dặn cán bộ, chiến sĩ quân đội phải đặc biệt quan tâm, coi trọng, chăm lo, giữ gìn và không ngừng tăng cường, phát triển mối quan hệ giữa quân đội và nhân dân. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, đây là mối quan hệ đặc biệt quan trọng, là nguồn gốc tạo nên sự trưởng thành, lớn mạnh và chiến thắng của quân đội ta. Tư tưởng Hồ Chí Minh về mối quan hệ giữa quân đội và nhân dân được thể hiện trên những nội dung cơ bản sau:
Quân đội ta từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu. Đây là quan điểm chỉ rõ cội nguồn sức mạnh của quân đội ta. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, quân đội ta là quân đội cách mạng, ra đời, trưởng thành và lớn mạnh đều bắt nguồn từ nhân dân, chiến đấu vì mục tiêu đem lại tự do, hạnh phúc cho nhân dân. Vì vậy, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ quân đội cần phải nhận thức sâu sắc rằng, nhân dân là nền tảng, là gốc rễ của quân đội. Trong dịp kỷ niệm 5 năm Ngày truyền thống vẻ vang của quân đội, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Quân đội ta là quân đội nhân dân, do dân đẻ ra, vì dân mà chiến đấu”(1). Quân đội muốn vững mạnh thì phải biết dựa vào cái gốc, cái nền tảng ấy. Người từng chỉ rõ: “Gốc có vững cây mới bền. Xây lầu thắng lợi trên nền nhân dân”(2). Người còn căn dặn cán bộ, chiến sĩ quân đội: “Dân như nước, quân như cá. Phải làm cho dân hết sức giúp đỡ mình thì mình mới đánh thắng giặc”(3); “Quân đội sinh trưởng, thắng lợi là nhờ nhân dân ra sức giúp đỡ. Vì thế, bộ đội rất biết ơn và yêu mến nhân dân”(4).
Quân đội ta phải hiếu với dân. Tư tưởng “hiếu với dân” được Chủ tịch Hồ Chí Minh nhắc tới trong những lần nói chuyện với bộ đội. Cách đây hơn 70 năm, vào tháng 8-1948, trên lá cờ Người tặng cán bộ, giáo viên, học viên Trường Trần Quốc Tuấn (nay là Trường Sĩ quan Lục quân 1) có thêu 6 chữ vàng “Trung với nước, hiếu với dân”. Người luôn căn dặn: Đã là người cán bộ cách mạng, cán bộ quân đội thì dù ở cương vị nào cũng phải là người đầy tớ trung thành của nhân dân. “Mình đánh giặc là vì dân. Nhưng mình không phải là “cứu tinh” của dân, mà mình có trách nhiệm phụng sự nhân dân”(5). Hiếu với dân là phải biết hết lòng vì Tổ quốc, vì chế độ xã hội chủ nghĩa, vì Đảng ta và vì dân tộc ta.
Quân đội ta phải biết tôn trọng nhân dân. Tôn trọng nhân dân chính là sự kế thừa tư tưởng trọng dân của ông cha ta. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát triển tư tưởng này lên tầm cao mới. Người yêu cầu: “Tất cả các chú, cán bộ cũng như chiến sĩ, đều phải: ... Thương dân, trọng dân và tốt với dân”(6). Theo Người, “trọng dân” phải được thể hiện ở những việc làm cụ thể, thiết thực: “Phải biết trọng nhân dân. Tôn trọng có nhiều cách, không phải ở chỗ chào hỏi kính thưa có lễ phép mà đủ. Không được phung phí nhân lực vật lực của dân. Phải khôn khéo tránh điều gì có hại cho đời sống nhân dân. Biết giúp đỡ nhân dân cũng là biết tôn trọng dân”(7). Như vậy, theo Người, cán bộ, chiến sĩ quân đội có thực sự tôn trọng nhân dân thì nhân dân mới gắn bó chặt chẽ với quân đội và quân đội mới làm tròn được chức năng là đội quân công tác sắc bén của Đảng và Nhà nước, mới thực sự là lực lượng chính trị tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân dân. “Trọng dân” còn có nghĩa là tôn trọng sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, tôn trọng, giúp đỡ các cấp ủy và chính quyền địa phương. Tại Hội nghị Cán bộ cao cấp toàn quân ngày 20-3-1958, Người nhấn mạnh: “Phải đoàn kết quân, chính, Đảng. Quân đội phải tôn trọng sự lãnh đạo của Đảng và Chính phủ, phải giúp đỡ các cấp ủy Đảng và chính quyền địa phương”(8).
Quân đội ta phải được dân tin, dân phục, dân yêu. Muốn vậy, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, quân đội phải giúp đỡ nhân dân bất kỳ việc to, việc nhỏ, từ việc giúp nhân dân gặt hái, lấy củi, lấy nước, may vá, vệ sinh đường làng, ngõ xóm đến những công việc lớn hơn như giúp dân tăng gia sản xuất, giúp đồng bào trong phong trào bình dân học vụ, dạy chữ quốc ngữ và những điều vệ sinh thường thức; đồng thời, vận động nhân dân thực hiện tốt đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước. Người luôn căn dặn: Bộ đội phải hết lòng giúp dân, tham gia củng cố hậu phương ta ngày càng vững mạnh. Người còn chỉ ra những yêu cầu rất cụ thể cho cán bộ, chiến sĩ quân đội khi tiếp xúc với nhân dân: “3. Không động đến một cái kim, một sợi chỉ của dân. 4. Khi đến đóng, lúc kéo đi, phải giữ gìn nhà, vườn của dân cho sạch sẽ. 5. Nói năng cử động phải giữ lễ phép, phải kính người già, yêu trẻ con. 6. Mua bán phải công bình. 7. Mượn cái gì phải trả tử tế. 8. Hỏng cái gì phải bồi thường”(9). Đặc biệt, trong quan hệ trực tiếp với nhân dân, phải làm thế nào để khi mình chưa đến thì dân mong, khi mình đi nơi khác thì dân luyến tiếc. Cán bộ, chiến sĩ quân đội còn phải chăm lo bảo vệ, gìn giữ an ninh, trật tự cho nhân dân. Người căn dặn: “Toàn quân ta phải ra sức học tập chính trị, quân sự và văn hóa; phải thi đua làm tròn nhiệm vụ bảo vệ biên giới, bảo vệ bờ biển, bảo vệ thành thị, và giữ gìn trật tự an ninh cho nhân dân”(10). Nếu tất cả cán bộ, chiến sĩ quân đội đều quán triệt và làm tốt những điều ấy thì chắc chắn sẽ được dân tin, dân phục, dân yêu.
Nhờ thấm nhuần và quán triệt sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh về mối quan hệ giữa quân đội và nhân dân, hơn 70 năm qua, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ quân đội ta luôn chăm lo xây dựng và không ngừng tăng cường mối quan hệ quân - dân, làm cho mối quan hệ gắn bó keo sơn này trở thành một truyền thống tốt đẹp của quân đội ta. Trong các cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc đã có nhiều tấm gương cán bộ, chiến sĩ, đơn vị quân đội thực hiện tốt mối quan hệ quân - dân, làm nên hình ảnh cao đẹp của anh “Bộ đội Cụ Hồ” và hình ảnh này luôn in đậm trong nhân dân - “đi dân nhớ, ở dân thương”. Thời bình, truyền thống đó tiếp tục được các thế hệ cán bộ, chiến sĩ quân đội phát huy trong bảo vệ, giữ gìn trật tự, an ninh, giữ yên cuộc sống bình yên cho nhân dân; giúp dân xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế, gieo “cái chữ”, đưa khoa học, kỹ thuật đến với người dân ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo; giúp nhân dân phòng, chống thiên tai, nhất là phòng, chống bão, lụt.

2 nhận xét: