Thứ Tư, 18 tháng 12, 2019

MỘT SỐ KẾT QUẢ TRONG GIÁO DỤC PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG Ở NƯỚC TA

Ở Việt Nam, quá trình nhận thức về tầm quan trọng của việc giáo dục phòng, chống tham nhũng ngày càng có nhiều tiến bộ. Trong Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2005 và các lần sửa đổi bổ sung, bổ sung năm 2007, 2012 chưa có mục riêng về tuyên truyền, giáo dục phòng, chống tham nhũng dù trong các quy định nhiệm vụ cụ thể cho từng cơ quan, tổ chức trong phòng, chống tham nhũng cũng đã bước đầu đề cập đến nội dung này. Điều 85 Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2005 quy định: Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên có trách nhiệm phối hợp với cơ quan nhà nước có thẩm quyền tuyên truyền, giáo dục nhân dân và các thành viên tổ chức mình thực hiện các quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng. Điều 86 của Luật quy định: Cơ quan báo chí có trách nhiệm biểu dương tinh thần và những việc làm tích cực trong công tác phòng, chống tham nhũng; lên án, đấu tranh đối với những người có hành vi tham nhũng; tham gia tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng, chống tham nhũng.
Thời gian này, chưa có quy định trong luật cụ thể về vấn đề giáo dục phòng, chống tham nhũng nhưng Chính phủ đã có những chương trình cụ thể để đưa vấn đề phòng, chống tham nhũng vào trong các cơ sở đào tạo. Vấn đề đưa nội dung Luật Phòng, chống tham nhũng vào chương trình giáo dục đã được nêu trong Nghị quyết Trung ương 3 khóa X của Đảng. Ngày 2-12-2009, Thủ tướng Chính phủ ký quyết định số 137/2009/QĐ - TTg phê duyệt đề án đưa nội dung phòng, chống tham nhũng vào chương trình giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng, gọi tắt là Đề án 137 và giao cho Thanh tra Chính Phủ là cơ quan thường trực giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo thực hiện đề án; các bộ, ngành, cơ quan tổ chức và đơn vị gồm Bộ Giáo dục và đào tạo, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Văn phòng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, Toà án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, ủy ban nhân dân các tỉnh, cơ sở giáo dục đào tạo có trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ trong đề án. Tiếp theo, Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 12-6-2013 của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu đưa nội dung phòng, chống tham nhũng vào giảng dạy tại các cơ sở giáo dục, đào tạo bắt đầu từ năm học 2013 - 2014. Bộ Tư pháp xây dựng đề án “Tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng, chống tham nhũng, Công ước của Liên Hợp quốc về chống tham nhũng trong cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân từ năm 2012 đến năm 2016”. Đến Đại hội XII của Đảng, vấn đề giáo dục phòng, chống tham nhũng đã được nhấn mạnh: “Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục nhằm nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và nhân dân về công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tạo sự thống nhất, tự giác, quyết tâm cao trong hành động”(2). Trên cơ sở đó, Luật Phòng, chống tham nhũng được thông qua tháng 11- 2018 và có hiệu lực từ 1-7-2019 có một mục riêng quy định về Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục về phòng, chống tham nhũng với nội dung bao gồm: 1. Cơ quan thông tin, truyền thông và cơ quan, tổ chức, đơn vị khác, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm tuyên truyền, phổ biến, giáo dục về phòng, chống tham nhũng nhằm nâng cao nhận thức cho công dân và người có chức vụ, quyền hạn. 2. Cơ sở giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng có trách nhiệm đưa nội dung giáo dục nhân cách, đạo đức, lối sống nhằm phòng, chống tham nhũng vào chương trình giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng đối với học sinh trung học phổ thông, sinh viên, học viên và người có chức vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật.

1 nhận xét:

  1. Cần tăng cường giáo dục để ngăn chặn từ sớm nạn tham nhũng

    Trả lờiXóa