Xây dựng tiềm lực đối ngoại
và nghệ thuật ngoại giao quân sự là nội dung quan trọng đã được thực hiện trong
thực tiễn, góp phần tạo sức mạnh tổng hợp đánh thắng mọi kẻ thù trong chiến
tranh giải phóng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc trong thời bình. Tuy nhiên, việc
nhận thức, khái quát nó thành lý luận chưa được tiến hành một cách sâu sắc, đầy
đủ, toàn diện, thống nhất. Vì vậy, nghiên cứu, luận giải, làm rõ vấn đề này là
hết sức cần thiết hiện nay.
Trong lịch sử dựng nước
và giữ nước của dân tộc, ông cha ta không chỉ nhận thức đúng đắn tầm quan trọng
của công tác đối ngoại, mà còn thực hiện khôn khéo, hài hòa, uyển chuyển các
chính sách bang giao thân thiện, giữ hòa hiếu với các nước láng giềng, góp phần
giữ yên bờ cõi, xây dựng đất nước thái bình, thịnh trị, nhân dân được hưởng cuộc
sống thanh bình.
Sau khi nước Việt Nam Dân
chủ Cộng hòa ra đời (02-9-1945), công tác đối ngoại từng bước được hình thành
và đi vào hoạt động. Năm 1949 - 19501, các hoạt động trên mặt trận đối ngoại của
nước ta được tiến hành tương đối toàn diện trên cả ba kênh: đối ngoại Đảng, ngoại
giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân. Mỗi kênh đối ngoại có chức năng, nhiệm vụ,
phương thức hoạt động riêng, nhưng bổ trợ cho nhau, nhằm thực hiện đường lối đối
ngoại chung của Đảng và các mục tiêu của cách mạng trong từng giai đoạn. Mặc dù
ban đầu, ba kênh đối ngoại chưa phân định rõ, còn hoạt động chồng chéo, nhưng
qua thực tiễn, chức năng, nhiệm vụ, phương thức hoạt động của mỗi kênh ngày
càng rõ ràng và đi vào nền nếp, hiệu quả. Trong kháng chiến chống thực dân, đế
quốc, với đường lối ngoại giao đúng đắn, sáng tạo, tài tình của Đảng, công tác
ngoại giao quân sự đã hòa quyện với ngoại giao quốc gia, thực hiện thành công
nghệ thuật “vừa đánh, vừa đàm” (kết hợp tiến công địch trên chiến trường với tiến
công địch trên bàn đàm phán); đồng thời, tranh thủ được sự ủng hộ, giúp đỡ to lớn
cả sức người, sức của và sự đấu tranh vì chính nghĩa của nhân dân yêu chuộng
hòa bình trên thế giới. Đó là nghệ thuật kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh
thời đại để chiến thắng kẻ thù.
Có thể nói, thực tiễn quá
trình dựng nước, giữ nước của các triều đại phong kiến cũng như thời kỳ đấu
tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc, chúng ta đã hết sức chú trọng công
tác đối ngoại, từ việc tính toán sẵn những kế sách bang giao với nước láng giềng
hay việc chủ động hoạch định đường lối, chính sách đối ngoại trước mắt, lâu dài
hoặc quan tâm, chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác đối ngoại, nhất là
những nhà ngoại giao tài ba, xuất chúng, đối ứng linh hoạt, sắc sảo trong các
cuộc đàm phán, hiệp thương,… đã góp phần ngăn chặn, đẩy lùi nguy cơ chiến
tranh, thay đổi cục diện chiến trường, cao hơn là chấm dứt chiến tranh, lập lại
hòa bình, như: đàm phán ký Hiệp định Giơ-ne-vơ (1954) trong thời kỳ chống Pháp,
đàm phán ký Hiệp định Pa-ri (1973) trong kháng chiến chống Mỹ. Như vậy, việc
chuẩn bị trước kế sách, nguồn nhân lực đối ngoại, tiến hành đấu tranh ngoại
giao,… xét về bản chất, chúng ta đã tiến hành xây dựng tiềm lực đối ngoại của đất
nước, tạo cơ sở nền tảng để kết hợp đấu tranh ngoại giao với đấu tranh chính trị,
quân sự, phát huy sức mạnh tổng hợp, đánh thắng mọi kẻ thù xâm lược.
Mặc dù chúng ta chưa khái
quát một cách đầy đủ, toàn diện, sâu sắc việc xây dựng tiềm lực đối ngoại của đất
nước trong thời kỳ chiến tranh và tăng cường sức mạnh quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc
trong thời bình, nhưng rõ ràng nội dung này đã được thực hiện hiệu quả trong thực
tiễn và được đề cập trong một số văn bản, dưới các hình thức, góc độ khác nhau.
Nhìn chung, nhận thức, tư duy của Đảng ta về công tác đối ngoại và xây dựng tiềm
lực đối ngoại từng bước phát triển, phù hợp với xu thế thời đại, bối cảnh trong
nước và thế giới; được thể hiện nhất quán qua các kỳ đại hội (từ lần thứ VIII đến
lần thứ XI), Đảng ta đều chủ trương kết hợp kinh tế với quốc phòng, văn hóa, xã
hội, an ninh và đối ngoại. Gần đây nhất, tại Đại hội XII, Đảng đã chỉ rõ: “Kết
hợp chặt chẽ giữa quốc phòng, an ninh và đối ngoại; tăng cường hợp tác quốc tế
về quốc phòng, an ninh,… có kế sách ngăn ngừa các nguy cơ chiến tranh, xung đột
từ sớm, từ xa”2. Nghị quyết 28-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương, Nghị định
152 và 02/NĐ-CP của Chính phủ về xây dựng khu vực phòng thủ, Chiến lược Quốc
phòng Việt Nam đều đề cập đến công tác đối ngoại. Đặc biệt, mục 5, Điều 3 và mục
1, Điều 10, Nghị định 21/2019/NĐ-CP, ngày 22-02-2019 của Chính phủ về khu vực
phòng thủ đã đề cập xây dựng tiềm lực đối ngoại; mục 2, Điều 7, Luật Quốc phòng
đã xác định: đối ngoại quốc phòng là một trong những nội dung cơ bản xây dựng nền
quốc phòng toàn dân. Tuy nhiên, cách thể hiện trong các văn bản chưa thống nhất,
chỗ thì đề cập công tác đối ngoại quốc phòng, chỗ thì đề cập tiềm lực đối ngoại;
chưa đồng bộ, đầy đủ trong các văn bản quy phạm pháp luật.
Hiện nay, tình hình an
ninh, chính trị thế giới, khu vực biến đổi mau lẹ, khó đoán định; việc cạnh tranh
chiến lược giữa các nước lớn, khủng bố, bạo loạn, ly khai, xung đột vũ trang,…
có chiều hướng gia tăng. Đặc biệt, việc tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông,
hành động thiếu tôn trọng luật pháp quốc tế của một số nước lớn,… đặt ra không
ít khó khăn, thách thức đối với công tác đối ngoại, xây dựng nền quốc phòng
toàn dân, bảo vệ Tổ quốc. Do vậy, xây dựng tiềm lực đối ngoại của nền quốc
phòng toàn dân là vấn đề cấp thiết, nhằm nâng cao khả năng phòng bị từ trước, gỡ
ngòi nổ, ngăn chặn, đẩy lùi nguy cơ chiến tranh; hay nói cách khác, đây chính
là thực hiện phương thức, kế sách bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa bằng biện pháp
hòa bình.
Nội dung bài viết rất hay, xin cảm ơn
Trả lờiXóa