Thứ Tư, 11 tháng 12, 2019

VAI TRÒ CỦA CƠ QUAN CHÍNH TRỊ CÁC CẤP TRONG XÂY DỰNG ĐỘI NGŨ CÁN BỘ QUÂN ĐỘI

Quân đội ta ra đời từ phong trào đấu tranh cách mạng của quần chúng, từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu, nên hầu hết đội ngũ cán bộ xuất thân từ giai cấp công nhân, nông dân, bị thực dân Pháp và địa chủ, phong kiến áp bức bóc lột nặng nề. Vì vậy, trình độ học vấn và tri thức quân sự ở thời kỳ đầu kháng chiến chống Pháp còn rất hạn chế. Để bảo vệ thành quả cách mạng và chuẩn bị kháng chiến chống thực dân Pháp, sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Quân đội ta phát triển rất mạnh, quân số lên gần mười vạn người, nhu cầu cán bộ rất lớn và rất thiếu. Cơ quan chính trị các cấp đã đề xuất với cấp ủy, tổ chức đảng lãnh đạo, chỉ đạo gấp rút việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Quân đội là con em công nông và trí thức yêu nước tại các trường quân sự trên toàn quốc, kết hợp với bồi dưỡng, rèn luyện tại đơn vị; đồng thời, sử dụng những sĩ quan, hạ sĩ quan đã từng tham gia quân đội viễn chinh của thực dân Pháp, phát xít Nhật được giác ngộ đứng vào hàng ngũ chống Pháp, làm cán bộ kỹ thuật và cố vấn quân sự ở một số đơn vị.
Trong những năm đầu kháng chiến chống Pháp, Trung ương Quân ủy và Cục Chính trị đã lãnh đạo, chỉ đạo các khu, các tỉnh và các đơn vị chủ lực thường xuyên coi trọng công tác bồi dưỡng, rèn luyện, quản lý, sử dụng cán bộ, “công nông hóa” cán bộ là trí thức và “trí thức hóa” cán bộ là công nhân và nông dân, đáp ứng kịp yêu cầu của cuộc kháng chiến, kiến quốc. Đồng thời, đấu tranh phê phán mọi biểu hiện lệch lạc ảnh hưởng tư tưởng và tác phong quân sự tư sản trong đội ngũ cán bộ; xem nhẹ sự lãnh đạo của Đảng và công tác đảng, công tác chính trị; chê bai cán bộ chính trị, xem thường cán bộ xuất thân là công nông; chống khuynh hướng tư tưởng quân sự thuần túy, tác phong quan liêu, quân phiệt, độc đoán. Để làm được điều đó, cơ quan chính trị các cấp đã kết hợp chặt chẽ công tác tư tưởng với công tác tổ chức, nâng cao tính đảng, tính nguyên tắc của đội ngũ cán bộ, giải quyết tốt mối quan hệ giữa cán bộ quân sự với cán bộ chính trị, lãnh đạo, chỉ huy bộ đội thi đua “luyện quân lập công”, “rèn luyện cán bộ chấn chỉnh quân đội”, v.v. Sự chỉ đạo, hướng dẫn của cơ quan chính trị, cùng sự nỗ lực tự giác phấn đấu của đội ngũ cán bộ, chỉ trong thời gian ngắn, đội ngũ cán bộ Quân đội đã có số lượng, cơ cấu hợp lý và chất lượng tốt. Nhờ có đội ngũ cán bộ các cấp trưởng thành, nên từ năm 1950 trở đi, Trung ương Đảng và Bộ Tổng Tư lệnh đã quyết định sử dụng Quân đội đánh tập trung tiêu diệt lớn quân địch, mà đỉnh cao là Chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng, kết thúc vẻ vang cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, lập lại hòa bình ở Đông Dương, đưa cách mạng Việt Nam chuyển sang giai đoạn mới.
Từ sau kháng chiến chống Pháp giành thắng lợi, hệ thống nhà trường Quân đội, từ cấp trực thuộc Bộ Quốc phòng đến các trường ở quân khu, quân đoàn, quân chủng, binh chủng và trường quân sự tỉnh phát triển mạnh, có đủ các cấp học, bậc học. Tổng cục Chính trị đã chỉ đạo, hướng dẫn các nhà trường xây dựng chương trình, nội dung đào tạo các môn khoa học xã hội nhân văn quân sự phù hợp với từng cấp học, bậc học. Trong đó, coi trọng giáo dục lý luận chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối cách mạng Việt Nam và công tác đảng, công tác chính trị trong Quân đội để trang bị thế giới quan khoa học, nhân sinh quan cộng sản, lập trường giai cấp, tính đảng, tính nguyên tắc, làm cơ sở nâng cao phẩm chất chính trị, đạo đức, năng lực chỉ huy, quản lý của đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng Quân đội cách mạng, chính quy, từng bước hiện đại. Cơ quan chính trị các cấp đã chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan, đơn vị kết hợp chặt chẽ giữa đào tạo, bồi dưỡng cán bộ tại trường với bồi dưỡng, rèn luyện cán bộ tại đơn vị và thông qua thực tiễn chiến đấu; xây dựng đội ngũ cán bộ với xây dựng đội ngũ đảng viên; chăm lo đào tạo, bồi dưỡng cán bộ ở trong nước và lựa chọn đưa cán bộ đi đào tạo, bồi dưỡng ở nước ngoài. Ngay từ năm 1955, Tổng cục Chính trị đã tham mưu với Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng mở các trường văn hóa và ngoại ngữ để nâng cao chất lượng tạo nguồn đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ ở trong nước và nước ngoài.
Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, trước yêu cầu nhiệm vụ cách mạng, Quân đội ta đã phát triển lực lượng trên quy mô lớn gồm các quân chủng, binh chủng, được trang bị vũ khí kỹ thuật ngày càng hiện đại. Cơ quan chính trị các cấp có vai trò rất quan trọng trong xây dựng đội ngũ cán bộ Quân đội các cấp có số lượng, cơ cấu hợp lý và chất lượng cao; đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ chính trị các cấp tiêu biểu về phẩm chất chính trị, gương mẫu về đạo đức, lối sống, ý thức tổ chức kỷ luật, có năng lực lãnh đạo, tổ chức chỉ huy và tiến hành công tác đảng, công tác chính trị, làm nòng cốt giáo dục, động viên bộ đội và xây dựng cấp ủy, tổ chức đảng các cấp trong sạch, vững mạnh.
Trong thời kỳ mới, cơ quan chính trị các cấp đã chủ động nghiên cứu, quán triệt sâu sắc các nghị quyết, chỉ thị, quy định của Đảng về cán bộ, công tác cán bộ đề xuất Quân ủy Trung ương ban hành và triển khai thực hiện có chất lượng, hiệu quả nhiều chủ trương, giải pháp xây dựng đội ngũ cán bộ Quân đội trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Tham mưu cho cấp ủy các cấp làm tốt công tác quy hoạch, luân chuyển, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ chỉ huy, quản lý gắn với chuẩn bị nhân sự đại hội đảng các cấp, nhất là cán bộ cấp chiến dịch, chiến lược và cán bộ cơ quan quân sự địa phương, bảo đảm chặt chẽ, hiệu quả. Tiến hành đồng bộ các giải pháp giải quyết số lượng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu với điều chỉnh tổ chức, biên chế, giữ ổn định cán bộ, ưu tiên bố trí cán bộ cho các đơn vị đủ quân, làm nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, mới thành lập, đứng chân trên địa bàn chiến lược, trọng yếu, biên giới, biển, đảo và đơn vị được trang bị vũ khí mới; từng bước cải thiện cơ cấu đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ tại chỗ cho các đơn vị phía Nam, cán bộ dân tộc ít người, vùng sâu, vùng xa...

2 nhận xét:

  1. Mỗi quân nhân trong quân đội phải thường xuyên được giáo dục rèn luyện để có thể hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ

    Trả lờiXóa